Cướp biển Xô-ma-li-a thay đổi phương thức hoạt động
Hoạt động của các nhóm cướp biển, nhất là tại vùng Sừng châu Phi đang gia tăng và trắng trợn trong thời gian gần đây, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với tàu bè các nước khi đi qua vùng biển nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương.Cướp biển nay đã trở thành hiểm họa lớn đối với hoạt động hàng hải ở vùng Ấn Độ Dương, một đường giao thông biển quan trọng và nhộn nhịp nhất trên thế giới. Cộng đồng quốc tế phải chi khoảng một tỷ USD/năm cho những nỗ lực chống cướp biển. EU và một số nước đã phái máy bay và tàu quân sự tới Ấn Độ Dương để ngăn chặn cướp biển. Song, cuộc chiến chống cướp biển vẫn không mấy hiệu quả. Hồi đầu tháng 11-2010, một hội nghị quốc tế chống cướp biển Xô-ma-li-a đã được tiến hành tại Trung Quốc, với sự tham dự của các đại biểu đến từ Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, EU, NATO và lực lượng lính thủy đánh bộ của nhiều nước khác, bàn thảo những biện pháp phối hợp nhằm bảo vệ các tàu thuyền qua lại vịnh A-đen trước...
Cướp biển nay đã trở thành hiểm họa lớn đối với hoạt động hàng hải ở vùng Ấn Độ Dương, một đường giao thông biển quan trọng và nhộn nhịp nhất trên thế giới. Cộng đồng quốc tế phải chi khoảng một tỷ USD/năm cho những nỗ lực chống cướp biển. EU và một số nước đã phái máy bay và tàu quân sự tới Ấn Độ Dương để ngăn chặn cướp biển. Song, cuộc chiến chống cướp biển vẫn không mấy hiệu quả. Hồi đầu tháng 11-2010, một hội nghị quốc tế chống cướp biển Xô-ma-li-a đã được tiến hành tại Trung Quốc, với sự tham dự của các đại biểu đến từ Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, EU, NATO và lực lượng lính thủy đánh bộ của nhiều nước khác, bàn thảo những biện pháp phối hợp nhằm bảo vệ các tàu thuyền qua lại vịnh A-đen trước sự tiến công của cướp biển Xô-ma-li-a. Hội nghị diễn ra sau vụ một tàu chở than cùng toàn bộ 25 thủy thủ của Trung Quốc bị cướp biển Xô-ma-li-a bắt cóc ở phía bắc quần đảo Xây-sen, khi đang trong hải trình từ Nam Phi đến Ấn Độ.
Hãng tin Roi-tơ ngày 28-1 cho biết, cướp biển Xô-ma-li-a đang giữ làm con tin 33 tàu hàng. Hãng này công bố chi tiết các số liệu 33 con tàu, như mã tàu, chủ tàu và thủy thủ, cùng thời gian và địa điểm bị bắt giữ. Trong đó có tàu HOANG SON SUN, treo cờ Mông Cổ, do Việt Nam sở hữu, trọng tải 22.835 tấn cùng 24 thủy thủ người Việt Nam bị cướp biển Xô-ma-li-a bắt giữ ngày 19-1-2011 tại địa điểm cách phía đông-nam cảng
Mu-xcát 520 hải lý. Chiếc tàu bị cướp biển bắt giữ mới nhất là tàu của Đức mang nhãn BELUGA NOMINATION, trọng tải 9.775 tấn, thuyền trưởng là người Ba Lan, bị bắt giữ ngày 22-1.
Trước đó, ngày 24-1, Liên hợp quốc công bố báo cáo điều tra về hoạt động cướp biển nêu rõ, cướp biển Xô-ma-li-a đang ngày càng lộng hành, mở rộng địa bàn hoạt động cũng như gia tăng về số lượng các vụ cướp, gây thiệt hại kinh tế mỗi năm hơn 7 tỷ USD. Chúng không ngừng củng cố lực lượng với tàu thuyền trang bị các thiết bị công nghệ cao, đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải tại Ấn Độ Dương. Báo cáo ước tính, hiện có khoảng 1.500 tên cướp biển đang hoành hành, song cộng đồng quốc tế vẫn chưa có một tòa án chuyên xét xử bọn cướp biển Xô-ma-li-a. Liên hợp quốc đề nghị mở các tòa án xét xử bọn cướp biển, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng triển khai các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn nạn cướp biển. Ông Giắc Lang, đặc sứ của Tổng Thư ký Ban Ki Mun về cướp biển Xô-ma-li-a nhận xét, tình trạng cướp bóc tàu bè ngoài khơi Xô-ma-li-a mỗi ngày một nhiều hơn. Cướp biển đang mở rộng hoạt động ở những vùng biển xa hơn và hành xử như là ông chủ tại Ấn Độ Dương.
Cục Hàng hải quốc tế (IMB) công bố thống kê cho biết, trong năm 2010, cướp biển Xô-ma-li-a đã bắt giữ tổng cộng 53 tàu hàng và 1.181 thủy thủ. Bọn cướp biển đang gia tăng tiến công các tàu hàng tại Ấn Độ Dương, đồng thời mở rộng hoạt động tại vùng biển nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, mặc dù các biện pháp ngăn chặn cướp biển đã tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm. Trong đó, tại vùng biển nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương đã xảy ra 31 vụ cướp biển, tăng gấp hai lần năm 2009. Sau khi bị quân đội Hàn Quốc và Ma-lai-xi-a tiến công giải thoát các tàu của họ bị cướp biển bắt giữ ở Ấn Độ Dương mới đây, cướp biển Xô-ma-li-a tuyên bố sẽ thay đổi phương thức hoạt động và sẽ đốt phá tất cả các tàu và giết các thủy thủ của Hàn Quốc bị chúng bắt giữ sau này.
Người phát ngôn của Lực lượng hải quân EU chống cướp biển Xô-ma-li-a (EU NAVFOR), ông Pét-đi O Ken-nơ-đi vừa cảnh báo về các phương thức hoạt động mới của bọn cướp biển, khiến lực lượng tuần tra chống cướp biển khó phát hiện. Ông này cho biết, bọn cướp biển trang bị tàu hiện đại và cả rốc-két, thường xuyên thay đổi tàu đi cướp. Nay, chúng đã có những lái tàu riêng và thường xuyên sử dụng những tàu cướp được để thực hiện các phi vụ cướp tàu. Do đó chúng hoạt động cả trong lúc thời tiết xấu, ở ngoài khơi xa và dễ dàng áp sát các tàu thương mại qua vùng này. Nhiều lúc máy bay và tàu quân sự của EU NAVFOR phải 'bó tay'. Trong mỗi vụ cướp tàu trót lọt, bọn chỉ huy cướp biển chi trả cho mỗi tên cướp 50.000 USD, vì vậy chúng 'hút' được nhiều thanh niên Xô-ma-li-a vào tổ chức của chúng.
Hiện nay, các tàu chở lương thực và dầu mỏ đành phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi, chịu thêm chi phí vận tải. Trước sự lúng túng của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống cướp biển Xô-ma-li-a, ông A-lanh Cô-le, Điều phối viên Chương trình chống cướp biển của LHQ đề nghị các nước cần có những biện pháp cứng rắn hơn đối với bọn cướp biển. Ông cho rằng, nếu chính phủ các nước duy trì biện pháp trả tiền chuộc con tin của bọn tội phạm thì nạn cướp biển sẽ gia tăng và ngày một nguy hiểm hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()