Cuốn sách của Tổng Bí thư: Định hướng hoàn thiện chiến lược quốc phòng
Những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy TW Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách là sự định hướng quan trọng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng.
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật vừa giới thiệu cuốn sách: “ Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương.
Ngay sau khi ra mắt, cuốn sách đã nhận được sự ủng hộ, đón đọc của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Nhiều ý kiến cho rằng cuốn sách “ Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, có thể coi là cẩm nang đối với việc quán triệt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, đây cũng là tài liệu quan trọng định hướng, hoàn thiện đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết dân tộc
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng nội dung cuốn sách xác định những nhiệm vụ quốc phòng vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản và lâu dài của Việt Nam trong công cuộc xây dựng, sẵn sàng bảo vệ vững chắc thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia và sự nghiệp đổi mới trong quá trình hội nhập quốc tế.
Từ góc độ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hương đặc biệt tâm đắc với bài viết “ Quân đội nhân dân Việt Nam ‘từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu’” và bài “ Xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự mẫu mực, trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, xứng danh ‘Bộ đội cụ Hồ'”trong Cuốn sách của Tổng Bí thư.
Bài viết đã nêu bật một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường sức mạnh quốc phòng cả về tiềm lực và thế trận.
Đặc biệt, tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng cao, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng có nhiều đồng bảo các dân tộc thiểu số; xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước của mọi người Việt Nam, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài.
Bài viết đã chỉ ra mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa quân đội và nhân dân như “cá với nước” xuyên suốt quá trình lịch sử và tiếp tục là nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đắp bồi thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh đây cũng là định hướng trong triển khai các hoạt động của Hội, đóng góp thực hiện chủ trương chiến lược quốc phòng toàn dân của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, một trong những nội dung chính được các cấp Hội triển khai là tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ nhận thức đúng đắn và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, trên lĩnh vực quân sự quốc phòng nói riêng; đồng thời tiếp tục quan tâm và chú trọng công tác hậu phương Quân đội với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
“Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang triển khai là một trong những ví dụ sinh động cho việc xây dựng thế trận lòng dân, góp phần quan trọng giữ gìn, bảo vệ và phát triển vùng biên cương của Tổ quốc,” bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết.
Bước phát triển về tư duy của Đảng đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc
Nghiên cứu kỹ nội dung trong cuốn sách “ Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại tá-Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng) khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương là nhà lãnh đạo có uy tín cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân; nhà lý luận tầm chiến lược sắc sảo. Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trên những cương vị công tác khác nhau, đặc biệt là trên cương vị Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí luôn có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả.
Đặc biệt, với tầm nhìn của một nhà lý luận sắc sảo, nhà hoạt động thực tiễn phong phú, đầy nhiệt huyết, đúc kết thực tiễn sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết, bài nói, bài trả lời phỏng vấn quan trọng về lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Cuốn sách “ Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” được Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật vừa phát hành là dấu ấn đặc biệt của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa thời kỳ mới.
39 bài viết, bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng tập trung trong ba phần của cuốn sách thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo mang tính chiến lược và tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, định hướng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Các bài viết, bài phát biểu, bài trả lời phỏng vấn được sắp xếp logic, khoa học, theo từng nhóm vấn đề, với từng tổ chức, lực lượng, tiếp tục khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của đất nước.
Đại tá, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh nội dung cuốn sách đã thể hiện bước phát triển về tư duy của Đảng đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa,” là sự kế thừa, phát triển truyền thống của dân tộc “dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ và giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình mới, những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách là sự định hướng quan trọng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đồng thời, cuốn sách có giá trị to lớn trong xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “thế trận lòng dân” vững chắc; nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ tăng cường sức mạnh quốc phòng, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với nghĩa đó, cuốn sách không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với lực lượng quân đội mà còn có ý nghĩa, giá trị sâu sắc đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để hiểu rõ, nắm vững và quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trước mắt là thực thiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI: Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với mục tiêu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao…/.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()