Cuối tuần các tỉnh phía bắc có không khí lạnh
* Cả nước có 121 người chết và mất tích do thiên tai* Các địa phương chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa, lũTheo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong hai đến ba ngày tới, các tỉnh Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu, gây rét nhẹ về đêm và sáng sớm. Trong khi đó, không khí lạnh tiếp tục gây mưa, dông rải rác ở các tỉnh miền trung những ngày tới. Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa rào và dông mạnh.Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, từ đầu năm đến ngày 15-9, thiên tai đã làm 121 người chết và mất tích, 255 người bị thương, 1.800 nhà bị sập đổ, 36 nghìn nhà bị tốc mái. Tổng thiệt hại ước tính 1.741 tỷ đồng. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã có...
* Cả nước có 121 người chết và mất tích do thiên tai
* Các địa phương chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa, lũ
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, trong hai đến ba ngày tới, các tỉnh Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu, gây rét nhẹ về đêm và sáng sớm. Trong khi đó, không khí lạnh tiếp tục gây mưa, dông rải rác ở các tỉnh miền trung những ngày tới. Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa rào và dông mạnh.
Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, từ đầu năm đến ngày 15-9, thiên tai đã làm 121 người chết và mất tích, 255 người bị thương, 1.800 nhà bị sập đổ, 36 nghìn nhà bị tốc mái. Tổng thiệt hại ước tính 1.741 tỷ đồng. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã có công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các biện pháp đối phó bão lũ, nhất là tại khu vực miền núi.
Đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua ở Nghệ An đã làm gần 30 nghìn ha cây trồng ngập, hơn 11 nghìn con gia súc, gia cầm chết… Ước tính tổng thiệt hại sản xuất nông nghiệp khoảng 690,755 tỷ đồng. Để giúp nông dân sớm khôi phục sản xuất, tỉnh đã quyết định hỗ trợ những hộ dân có giống ngô, lúa bị ngập phải gieo lại với số tiền một triệu đồng/ha.
Để chủ động PCLB, nhằm giảm thiệt hại về người và của mức thấp nhất, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai công tác ứng phó thiên tai đến từng thôn, xã. Kiên quyết sơ tán người ở nơi không an toàn khi có thiên tai; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, cấm người đi qua các ngầm, những tuyến đường bị ngập sâu,… tăng cường tuyên truyền, phổ biến không để người dân ra vớt củi trên sông, khi đang có lũ… Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 35 nghìn hộ dân ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, ĐaKrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa… nằm trong vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt rất nguy hiểm. Số hộ dân buộc phải di dời đến nơi an toàn đến năm 2015 là 850 hộ, số hộ còn lại chính quyền tiếp tục vận động người dân ổn định tại chỗ để “sống chung với lũ”. Để bảo đảm an toàn cho người dân vùng lũ, chi cục đang kiến nghị T.Ư hỗ trợ vốn để sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Đề phòng lũ năm 2012, tỉnh An Giang đã chủ động mọi nhân lực, phương tiện, chốt trực; bố trí nền nhà cho bà con nghèo lên cụm tuyến dân cư vượt lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ hơn 160 nghìn ha lúa vụ 3 và hoa màu… Đến nay, toàn tỉnh đã nạo vét 44/50 công trình, chiều dài 93,1 km, kinh phí 23,1 tỷ đồng. Xây dựng, duy tu sửa chữa 70/80 cống, kinh phí hơn 13 tỷ đồng; gia cố 61/68 đê, đập với chiều dài 160 km… Nhằm giúp nhân dân vùng đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) thu hoạch hơn 17.600 ha lúa hè thu và bảo vệ hơn 16.500 ha vườn cây ăn trái đặc sản, huyện Cái Bè đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng, thi công gần 40 công trình đê bao, cống đập ngăn lũ và triều cường từ nguồn vốn ngân sách. Ngoài ra, nhân dân các xã nằm trong vùng trọng điểm lũ lụt cũng đóng góp gần hai tỷ đồng hoàn thiện hơn 50 nghìn mét đê bao bảo vệ vườn cây ăn quả và khu dân cư.
Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Cà Mau cho biết, trong tuần qua, mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy đã làm sập, tốc mái hơn 60 căn nhà, 300ha lúa mùa bị ngập, ước tính thiệt hại ban đầu lên đến hàng tỷ đồng. Chính quyền địa phương đã kịp thời cứu trợ và hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp mở toàn bộ các cống điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hơn nửa tháng nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa, làm hàng nghìn ha lúa chín bị ngã đổ, ngâm trong nước. Phần lớn nông dân phải thu hoạch bằng thủ công, rồi sử dụng máy tuốt lúa, mất nhiều công sức, giảm năng suất lúa…
Ngày 18-9, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn gửi các sở, ban ngành, quận, huyện… trên địa bàn thành phố về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó đợt triều cường giữa tháng 9. Thủy triều trong ngày 18-9, mực nước ở mức 1,50 m (mức báo động cấp 3) vào lúc 18 giờ. Đợt triều cường này đã làm ngập một số tuyến đường trên địa bàn các quận Thủ Đức, quận 8, Bình Thạnh… Trong hai ngày sẽ giảm xuống 1,46 m lúc 18 giờ 30 phút ngày 19-9, 1,37 m lúc 8 giờ sáng (trên mức báo động 1) ngày 20-9.
Cùng ngày, Công ty Thủy điện Trị An đã thực hiện xả tràn điều tiết hồ chứa, với mực nước thượng lưu đạt 61,438 m; mực nước hạ lưu nhà máy đạt 5,2 m và lưu lượng nước xả qua tràn là 154 m3/giây.
Tạm dừng vận chuyển gia cầm sống từ bắc vào nam qua địa bàn Quảng Ngãi, Kon Tum
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, chiều 18-9, tại Hà Nội, Cục Thú y cho biết, trong hai tuần qua, các ổ dịch cúm gia cầm tiếp tục xuất hiện ở các tỉnh: Bắc Cạn, Quảng Ngãi, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh; đồng thời lan ra hai tỉnh mới là Hòa Bình và Tuyên Quang. Đáng lo ngại, các ổ dịch phát sinh từ tháng 7-2012 đến nay gắn liền với sự xuất hiện của vi-rút cúm H5N1 nhánh 2.3.2.1 (nhóm C), có độc lực cao và gây chết nhanh, chết nhiều thủy cầm. Nhánh vi-rút này đang có xu hướng lây lan từ bắc vào nam, hiện đã phát hiện được nhóm vi-rút này tại nhiều địa phương. Để khống chế nhanh các ổ dịch, ngăn chặn không để nhóm vi-rút mới lây lan vào các tỉnh phía nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn số 11 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các bộ, ngành, đề nghị chỉ đạo chính quyền cơ sở, các ban, ngành của địa phương huy động nhân lực, kinh phí, phương tiện để phòng dịch lây lan và chủ động đối phó khi có ổ dịch xảy ra; tổ chức thực hiện “Tháng vệ sinh, khử trùng môi trường chăn nuôi” trong tháng 10. Đồng thời, tạm dừng vận chuyển gia cầm sống từ các tỉnh phía bắc vào nam qua địa bàn Quảng Ngãi, Kon Tum để ngăn ngừa vi-rút H5N1 nhóm mới lây lan…
Theo Nhandan
Ý kiến ()