Cuộc "vượt bão" đầy chông gai
Hôm nay (29-3), Hội nghị cấp cao (HNCC) lần thứ 23 Liên đoàn A-rập (AL) chính thức khai mạc tại Thủ đô Bát-đa của I-rắc. Các nhà lãnh đạo từ 21 nước thành viên tham dự Hội nghị sẽ phải căng sức để tìm giải pháp cho hàng loạt vấn đề nóng bỏng nảy sinh sau hơn một năm kể từ khi "Mùa xuân A-rập" gõ cửa khu vực này.Dù các nhà lãnh đạo AL coi đây là cơ hội để khối A-rập phát huy tinh thần đoàn kết nhằm ứng phó các vấn đề "gai góc", song theo các nhà phân tích, Hội nghị còn phải vượt qua không ít khó khăn bởi những "rạn nứt" trong nội bộ AL.Khác những kỳ họp trước, Hội nghị cấp cao AL lần này diễn ra sau khi hàng loạt chế độ cũ ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi, Y-ê-men sụp đổ và "cơn địa chấn" chính trị làm chao đảo các nước thành viên trong khu vực. Xy-ri bấn loạn trong "cơn lốc" của bạo lực và nguy cơ nội chiến. Li-bi hận thù và chia rẽ. Bóng ma khủng bố bao trùm I-rắc và Y-ê-men. Cuộc đàm phán hòa bình giữa...
Dù các nhà lãnh đạo AL coi đây là cơ hội để khối A-rập phát huy tinh thần đoàn kết nhằm ứng phó các vấn đề “gai góc”, song theo các nhà phân tích, Hội nghị còn phải vượt qua không ít khó khăn bởi những “rạn nứt” trong nội bộ AL.
Khác những kỳ họp trước, Hội nghị cấp cao AL lần này diễn ra sau khi hàng loạt chế độ cũ ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi, Y-ê-men sụp đổ và “cơn địa chấn” chính trị làm chao đảo các nước thành viên trong khu vực. Xy-ri bấn loạn trong “cơn lốc” của bạo lực và nguy cơ nội chiến. Li-bi hận thù và chia rẽ. Bóng ma khủng bố bao trùm I-rắc và Y-ê-men. Cuộc đàm phán hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en vẫn “giẫm chân tại chỗ”…Với quyết tâm tự giải quyết các vấn đề của nội khối, các nhà lãnh đạo A-rập đưa vào chương trình nghị sự hàng loạt vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế, chống khủng bố, cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, Y-ê-men, cuộc xung đột I-xra-en với các nước A-rập, các vấn đề của người Pa-le-xtin…
Hai ngày trước khi diễn ra HNCC, các bộ trưởng kinh tế, tài chính, thương mại, ngoại giao các nước A-rập đã nỗ lực thảo luận nhằm đi tới sự nhất trí chung với hy vọng sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác về kinh tế, xã hội và phát triển của khu vực. Tăng cường hợp tác nhằm vực dậy ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi làn sóng biểu tình, bảo đảm an ninh nguồn nước và xây dựng chiến lược ứng phó các thảm họa thiên nhiên cũng là những nội dung thảo luận chính.
Dù Tổng thống Xy-ri B.Át-xát không được mời dự Hội nghị bởi AL đã đình chỉ tư cách thành viên của nước này, song tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Xy-ri vẫn là “tâm điểm” trong chương trình nghị sự. Các nước AL đã soạn thảo một nghị quyết về Xy-ri để trình Hội nghị. Bản dự thảo nghị quyết kêu gọi Chính phủ Xy-ri và tất cả các phe phái đối lập bắt đầu một cuộc đối thoại dân tộc nghiêm túc. Mặc dù các nhà lãnh đạo A-rập dự kiến sẽ không kêu gọi Tổng thống Xy-ri B.Át-xát từ chức, song họ ủng hộ việc chuyển giao quyền lực tại nước này do người Xy-ri tiến hành. HNCC AL cũng dự kiến thông qua đề xuất hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên LHQ và AL C.An-nan, trong bối cảnh Chính phủ Xy-ri đã chính thức hồi đáp bằng văn bản việc chấp thuận các đề nghị của ông An-nan, một kế hoạch được coi là “cơ hội cuối cùng” nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Với những động thái trên, có thể nói các nước A-rập đã có quan điểm “mềm hơn” đối với vấn đề Xy-ri, song thực chất, các thành viên AL vẫn chia rẽ sâu sắc trong vấn đề này. A-rập Xê-út và Ca-ta, hai quốc gia A-rập ở vùng Vịnh, đi đầu trong việc kêu gọi can thiệp quân sự Xy-ri. Hai nước này từng ủng hộ việc cung cấp vũ khí giúp phe đối lập ở Xy-ri lật đổ chế độ của Tổng thống Át-xát. Trong khi đó, Li-băng, I-rắc lại muốn có một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại dân tộc nhằm tránh nguy cơ đẩy Xy-ri vào cuộc nội chiến “nồi da nấu thịt”.
Việc tái cơ cấu AL cũng là vấn đề khá “gai góc” của tổ chức này nhằm bầu ra một ban lãnh đạo mới có thể đối phó các thách thức trong khu vực. Bởi, AL từng chịu nhiều chỉ trích khi đưa ra quyết định sai lầm là “bật đèn xanh” cho NATO tiến hành cuộc chiến Li-bi. Đối với vấn đề Xy-ri, muốn giải quyết trong nội khối, song AL lại “lực bất tòng tâm”, dẫn đến việc tổ chức này đã có những quyết định “theo gót” phương Tây trong việc muốn áp đặt các lệnh trừng phạt Đa-mát và can thiệp sâu tình hình Xy-ri. Chính Cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập H.Khi-láp cho rằng, thất bại về cơ chế của AL là do tổ chức này không có khả năng giám sát và chi phối hành động của các nước thành viên. Hầu hết các thành viên đều áp đặt tinh thần dân tộc lên trên Hiến chương AL. Đây cũng là một trong những lý do AL đã không đưa ra được các giải pháp hiệu quả giải quyết các xung đột trong “đại gia đình A-rập”.
Với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ và gia tăng hợp tác nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền cũng như lợi ích của các quốc gia thành viên, AL đã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề chung. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, giữa bộn bề công việc, nhất là trong bối cảnh tình hình các nước trong khu vực diễn biến phức tạp, các nhà lãnh đạo A-rập còn phải vượt qua nhiều bất đồng, hàn gắn rạn nứt và phát huy tinh thần đoàn kết để cùng nhau vượt qua những khó khăn chồng chất từ hệ lụy khôn lường của “cơn bão” “Mùa xuân A-rập”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()