Cuộc vận động "Ba hơn" trong cải cách hành chính ở Ðà Nẵng
Những thành công bước đầu trong cải cách hành chính ở Ðà Nẵng theo hướng đơn giản, thuận tiện và minh bạch hơn, nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại; không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, mà còn giúp Ðà Nẵng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Những thành công bước đầu trong cải cách hành chính ở Ðà Nẵng theo hướng đơn giản, thuận tiện và minh bạch hơn, nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại; không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, mà còn giúp Ðà Nẵng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Cầm giấy tờ trên tay, anh Ðặng Thúc Khôn, trú tổ 97, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, Ðà Nẵng) mừng rỡ: “Chỉ trong năm ngày tôi đã làm xong cả gần mười loại giấy tờ, thủ tục thế này thì nhanh thật!”. Anh Khôn đang đi làm công nhân ở Vũng Tàu. Do cần làm một số thủ tục như đổi chứng minh nhân dân, giấy ủy quyền, xác nhận lại hộ khẩu thường trú, xin giấy khai sinh cho con, xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và nhà ở… nên anh xin nghỉ việc một tháng để về quê hoàn thành các thủ tục cần thiết vì nghĩ chắc phải mất rất nhiều thời gian. “Cứ tưởng phức tạp lắm, chắc phải chạy đi chạy lại hàng chục lần. Ai dè chỉ cần được hướng dẫn một lần, kê đúng và chuẩn bị đủ giấy tờ tùy thân là xong”- anh Khôn thở phào nhẹ nhõm.
Giám đốc Sở Nội vụ Ðà Nẵng Ðặng Công Ngữ cho biết, để tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, giảm chi phí và cải thiện chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính, từ giữa năm 2012, Sở Nội vụ và Thành đoàn Ðà Nẵng phối hợp triển khai cuộc vận động “Nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn” (gọi tắt là cuộc vận động “Ba hơn”) trong công tác cải cách hành chính. Ở nội dung “Nhanh hơn”, có 89 đơn vị đăng ký cam kết với 1.066 nội dung đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc, hoàn thành trước tiến độ. Kết quả, trong vòng một năm, có 600 thủ tục được thực hiện nhanh hơn, với tổng số 102.034 hồ sơ giao dịch hành chính, tiết kiệm được cho công dân, tổ chức 73.263 ngày làm việc. Gần 400 nội dung cải tiến, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các quy trình, thủ tục chưa hợp lý, khoa học được các cơ quan, đơn vị thực hiện để “hợp lý hơn”. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng phê duyệt phương án hợp lý hóa về thủ tục hành chính, với 47 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp quận, huyện và phường, xã, 83 thủ tục thuộc thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện của UBND thành phố đã được triển khai hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị cũng đăng ký thực hiện 126 giải pháp cụ thể để “thân thiện hơn” trong giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức đối với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Quá trình thực hiện cuộc vận động “Ba hơn” ở Ðà Nẵng đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, độc đáo. Quận Thanh Khê thành lập tổ hướng dẫn gồm 40 đoàn viên, thanh niên làm việc tại các cơ quan trực thuộc UBND quận, chia thành 20 ca, mỗi ca hai người trực tại bộ phận “một cửa”, chủ động tiếp đón, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính, điền các mẫu đơn, tờ khai. Nữ đoàn viên Võ Thị Thanh Nga, công tác tại Ðội Quy tắc đô thị quận cho biết: Mỗi buổi làm việc có hai đoàn viên cùng đón tiếp, kiểm tra hồ sơ, thủ tục, hướng dẫn hoặc ghi hộ người dân, tổ chức, doanh nghiệp điền vào các mẫu kê khai theo quy định một cách chính xác, đầy đủ trước khi nộp cho Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Sau đó hướng dẫn người dân, tổ chức cách đánh giá cán bộ, công chức và chất lượng dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị trong quận. Thanh Khê cũng công khai điện thoại của tất cả các đồng chí lãnh đạo quận để người dân phản ánh khi cần, hoặc ghi ý kiến trực tiếp vào mục khảo sát, tiếp nhận ý kiến nhân dân trên trang web của quận. “Cán bộ chuyên trách sẽ chuyển ngay mọi ý kiến của nhân dân đến cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm giải quyết và trả lời bằng văn bản, đồng thời đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của quận”- Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Khê Trần Khôi khẳng định.
Ở mỗi nơi có cách làm riêng của mình nhằm tạo sự thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn Lê Ðức Nghĩa cho biết: Nguyên tắc chúng tôi đề ra là: Không cán bộ, nhân viên nào của phường được phép trả lời: “Không biết”. Khi được công dân hỏi, dù không phải chức trách, nhiệm vụ của mình, cán bộ, nhân viên phường phải hướng dẫn đến đúng nơi, đúng người giải quyết. Khi có công dân đau ốm nhưng cần chứng thực, phường Khuê Mỹ cử cán bộ đến tận nơi tiến hành thủ tục. Phường Hòa Khánh Bắc có tổ viết giúp, vì đa phần bà con trình độ hạn chế, hay nhầm lẫn, viết sai trên các mẫu đơn, kê khai…; Phường Hòa Hiệp Nam giao cho bộ phận dân quân thường trực giúp đưa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đến tận nhà người dân, tạo niềm tin cho người dân vào bộ máy chính quyền. Tại bộ phận “một cửa” của các quận, huyện cũng đã có sự tham gia giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị chuyên ngành như công an, thuế… giúp giảm bớt tiêu cực, phiền hà cho người dân. “Ðây là cách làm mạnh dạn, hiệu quả nhưng đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo địa phương, sự đồng thuận cao của các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp”- ông Phan Văn Tầm, 78 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng ở phường An Hải Bắc nhận xét.
Cơ chế “một cửa” được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên cả ba cấp thành phố; quận, huyện và phường, xã. Mô hình “một cửa liên thông” tiếp tục được duy trì hiệu quả tại UBND tất cả các quận, huyện, phường, xã. Từ mô hình thí điểm “một cửa điện tử” ở phường Thuận Phước, đến nay tất cả các UBND các quận, huyện và nhiều phường, xã áp dụng mô hình này với nhiều thiết bị phục vụ xếp hàng tự động, tra cứu thông tin cải cách hành chính, tra cứu tình trạng hồ sơ qua tin nhắn SMS, phần mềm xử lý hồ sơ. Ðà Nẵng cũng đưa vào sử dụng hệ thống máy tính khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng cải cách hành chính và mức độ phục vụ của từng cán bộ, nhân viên tham gia giải quyết công việc, giúp cho công tác đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính hằng năm khách quan hơn, sát thực hơn.
Ðà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách hành chính. Những cách làm táo bạo, sáng tạo của Ðà Nẵng đã và đang giúp hình thành một thương hiệu “thành phố đáng sống”. Ðà Nẵng đang tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong cải cách hành chính, nhất là những thủ tục liên quan đến quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải tỏa, đền bù… Nơi còn thiếu những chính sách rõ ràng, minh bạch, còn nhiều kẽ hở để kẻ xấu có thể lợi dụng, nhũng nhiễu dân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()