Trước khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, tại Việt Nam, liên tiếp diễn ra những cuộc biểu tình của nhân dân chống sưu cao thuế nặng, chống lao dịch, đòi quyền dân sinh, dân chủ, nhất là cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ, suốt từ Quảng Nam đến Bình Định, kéo dài liên tục từ tháng 3 đến tháng 4-1908.Latouche Treville - con tàu đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu. Mục đích ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành là để tìm ra con đường cứu nước theo kiểu mới cho dân tộc Việt Nam. Người ra đi để trả lời câu hỏi mà dân tộc Việt Nam lúc ấy đang đặt ra là đánh đuổi thực dân bằng con đường nào thì thành công? Người ra đi chẳng phải thay mặt cho một tổ chức, một đoàn thể nào, mà với tư cách của một người dân mất nước đi tìm con đường đúng để giành lại đất nước. Hành trang của Người lúc lên...
Trước khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, tại Việt Nam, liên tiếp diễn ra những cuộc biểu tình của nhân dân chống sưu cao thuế nặng, chống lao dịch, đòi quyền dân sinh, dân chủ, nhất là cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ, suốt từ Quảng Nam đến Bình Định, kéo dài liên tục từ tháng 3 đến tháng 4-1908.
Latouche Treville – con tàu đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu.
Mục đích ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành là để tìm ra con đường cứu nước theo kiểu mới cho dân tộc Việt Nam. Người ra đi để trả lời câu hỏi mà dân tộc Việt Nam lúc ấy đang đặt ra là đánh đuổi thực dân bằng con đường nào thì thành công? Người ra đi chẳng phải thay mặt cho một tổ chức, một đoàn thể nào, mà với tư cách của một người dân mất nước đi tìm con đường đúng để giành lại đất nước. Hành trang của Người lúc lên đường chẳng có gì ngoài bầu máu nóng yêu nước đang sục sôi trong trái tim và khối óc.
Người suy tư, trăn trở nhiều và có sự lựa chọn trước lúc ra đi tìm đường cứu nước. Sang Đông Kinh ư? 'Cửa thành' đã đóng từ năm 1908. Người cũng không hướng về phía Bắc, lá cờ cải lương tư sản của Trung Hoa hồi cuối thế kỷ 19 đã không có sức hấp dẫn đối với Người. Vậy còn con đường nào? Đây cũng chính là lúc bối rối nhất của các bậc sĩ phu yêu nước thời bấy giờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về thời kỳ này: 'Nhân dân Việt Nam – trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi – lúc này thường tự hỏi nhau rằng ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật. Người khác nghĩ là Anh. Có người khác nữa nghĩ là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ'(1). Ra nước ngoài để xem cho rõ để rồi tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam là mục đích ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành .
Nghiên cứu về cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành, chúng ta có thể rút ra những điểm sau đây:
Một là, Nguyễn Tất Thành là một thanh niên thấm nhuần tư tưởng yêu nước đã tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
Hai là, từ tư tưởng yêu nước, Nguyễn Tất Thành đã nảy sinh tư tưởng cứu nước. Giữa tư tưởng yêu nước và tư tưởng cứu nước có mối liên hệ tác động lẫn nhau, gắn bó với nhau, không tách rời nhau, bổ sung cho nhau hợp thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Ba là, trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Người đã có dịp khảo sát các trào lưu tư tưởng của nhân loại và cuối cùng Người đã tìm thấy con đường đưa nhân dân Việt Nam thoát khỏi cảnh nước mất nhà tan bằng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Khi dân tộc đã được giải phóng, thì vấn đề giai cấp, xã hội và con người cũng được giải quyết. Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, sự kết hợp giữa vấn đề dân tộc và dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, hòa bình, đoàn kết là tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bốn là, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu tinh túy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và có sự gạn lọc tinh túy của trí tuệ và văn hóa của nhân loại, bổ sung vào đường lối cứu nước của Việt Nam. Đây chính là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, có thể nói cùng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam và là một trong những tư tưởng tiến bộ của nhân loại.
Năm là, sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, khi xét vấn đề của thời đại, thì phải liên hệ ngay với dân tộc mình, non sông đất nước mình, nhân dân mình là nét chung và nét riêng trong tư duy và hành động của Hồ Chí Minh. Vì vậy, sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn là một vấn đề cơ bản trong phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Với Hồ Chí Minh, giữa lý luận và thực tiễn luôn luôn có mối liên hệ khăng khít với nhau, không thể tách rời và tác động lẫn nhau. Trong mối liên hệ đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra thực tiễn có tác động quyết định và lý luận có tác động chỉ phương hướng. Quan điểm thực tiễn phải là quan điểm cơ bản, đầu tiên của nhận thức. Thoát ly thực tiễn và không nhạy bén với tình hình mới, nhất định sẽ rơi vào giáo điều, bảo thủ, trì trệ, lạc hậu.
Sáu là, sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước, quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng, hợp tác thân thiện, các bên cùng có lợi, cùng chung sống hòa bình đã được Hồ Chí Minh xác định như những nguyên tắc cơ bản của Đảng và Nhà nước.
Phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong sự nghiệp đổi mới đất nước là tư duy sáng tạo và là việc làm đúng đắn hiện nay.
PGS,TS ĐỨC VƯỢNG (Hội đồng Lý luận Trung ương)
————————————
(1) Hồ Chí Minh: Trả lời phỏng vấn phóng viên Mỹ, Báo Nhân Dân, số 4062, ngày 18-5-1965.
Theo Nhandan
Ý kiến ()