Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 80 năm Ngày thành lập Quân đội có sức lan tỏa mạnh mẽ
Sáng 22-10, Ban giám khảo Cuộc thi cấp toàn quốc tìm hiểu truyền thống "80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân" tiến hành họp, đánh giá các tác phẩm dự thi.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại tá Trần Hữu Dũng, Phó trưởng Ban Thanh niên Quân đội, Trưởng ban giám khảo cho biết, sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện, các đơn vị và các tỉnh đoàn, thành đoàn, đoàn trực thuộc đã hoàn thành việc tổ chức cuộc thi ở cấp mình. Cuộc thi thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, với sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên, người cao tuổi, chức sắc tôn giáo, lãnh đạo địa phương, công chức, viên chức… trong toàn quốc, với 3.409.213 bài dự thi. Ở cấp toàn quốc, Ban tổ chức tiếp nhận 10.572 bài thi.
Các bài thi tái hiện chặng đường vinh quang 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, dân tộc Việt Nam anh hùng; khái quát và ngợi ca về truyền thống, nét văn hóa độc đáo Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh về người lính Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm; lao động sản xuất; giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...
Các tác phẩm dự thi cũng giới thiệu những sáng kiến, mô hình tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt của cơ quan, đơn vị mình, là những tấm gương, câu chuyện có thật, việc làm cụ thể, thiết thực, hành động đẹp, toát lên vẻ đẹp bình dị, cao quý của Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Nhiều bài dự thi mạnh dạn đề xuất những giải pháp nhằm giữ vững và phát huy hiệu quả Phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân..., thể hiện tình cảm, trách nhiệm của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, với văn phong rõ ràng, mạch lạc, dễ nhớ, dễ hiểu.
Nhiều bài dự thi có bố cục chặt chẽ, khoa học, phân chia thành nhiều phần theo trình tự thời gian hoặc sự kiện; đa dạng, phong phú, đặc sắc về hình thức và phương pháp trình bày. Nhiều bài viết tay trên khổ giấy A2, A3, A4 (có bài thi viết tay hơn 7.000 trang giấy) hoặc in offset, thể hiện sáng tạo trên nhiều chất liệu như gỗ, đá…, thiết kế công phu, sưu tầm hình ảnh minh họa sinh động, sáng tạo. Đa số các bài thi ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, thuận lợi cho việc nghiên cứu và tuyên truyền.
Ban Thanh niên Quân đội - Cơ quan thường trực đã phối hợp với các lực lượng liên quan, tích cực tiến hành chấm sơ loại một cách nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan các bài thi trong nhiều ngày, kể cả ngày nghỉ, giờ nghỉ; tổ chức lực lượng chấm khoa học, cách thức chấm bảo đảm phân loại toàn diện, không để bỏ sót bài thi, kiểm soát kỹ các yếu tố, nhất là về nội dung các bài thi.
Thông qua chấm sơ loại, Cơ quan thường trực lựa chọn 82 cụm tác phẩm, gần 400 tác giả bảng A và 42 tác phẩm bảng B có chất lượng tốt để tiến hành chấm vòng tiếp theo.
Ý kiến ()