Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học: Ươm mầm cho những ước mơ
(LSO) – Những năm qua, cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học do ngành giáo dục và đào tạo tỉnh phát động đã tạo sân chơi cho các em học sinh thể hiện niềm say mê nghiên cứu khoa học, trở thành nơi ươm mầm và chắp cánh cho những ước mơ của nhiều học sinh.
Nhằm khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản hướng dẫn chi tiết các đơn vị trực thuộc, các phòng GD&ĐT về việc tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học và chuẩn bị tham gia cuộc thi KHKT cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trên cơ sở đó, các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trung học lập kế hoạch, tổ chức triển khai công tác nghiên cứu khoa học cho học sinh phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị, đặc điểm của địa phương, đối tượng học sinh, chương trình, nội dung dạy học. Qua đó, nhiều sản phẩm, dự án sáng tạo của học sinh được các cấp, ngành đánh giá cao về tính ứng dụng.
Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An thuyết trình về sản phẩm dự thi tại Cuộc thi KHKT cấp tỉnh
Ngoài ra, để khơi gợi cho học sinh sự hứng thú, say mê sáng tạo KHKT, ngành giáo dục tỉnh còn phát triển câu lạc bộ KHKT trong các cơ sở giáo dục trung học nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Cùng đó, các nhà trường khuyến khích học sinh sáng tạo KHKT bằng cách giúp các em gắn “học” với “hành”; các giáo viên gợi mở để các em quan sát, đề xuất các ý tưởng vận dụng lý thuyết khoa học vừa tìm hiểu để giải quyết các tình huống, vấn đề đặt ra trong cuộc sống; khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức được học vào nghiên cứu các vấn đề trong đời sống…
Em Nguyễn Quang Hiếu, lớp 11B và Vũ Bảo Long, lớp 10 D2 Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tại Cuộc thi KHKT cấp tỉnh năm nay, chúng em đã mang đến sản phẩm thiết bị ngăn nước tràn từ dưới cống lên nắp hố ga khi có triều cường. Sản phẩm này được đánh giá cao và được chọn để tham dự cuộc thi cấp quốc gia, điều đó càng củng cố tinh thần cho chúng em tiếp tục sáng chế.
Với những cách làm đó, đến nay, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học đã có sự phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng. Nếu như từ năm 2013 đến năm 2017, cuộc thi thu hút 137 giải pháp, mô hình, sản phẩm dự thi cấp tỉnh thì đến năm học 2018 – 2019, qua vòng sơ loại có 120 dự án tham dự cuộc thi cấp tỉnh; năm học 2019 – 2020 có 126 sản phẩm dự thi cấp tỉnh. Đến năm học 2020 – 2021, cuộc thi đã thu hút hơn 600 dự án dự thi cấp cơ sở và 135 dự án được chọn tham dự cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Nổi bật như năm 2019, trong Cuộc thi KHKT cấp quốc gia, 2 đề tài của học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An dự thi đạt giải cao. Đó là đề tài “Nghiên cứu tổng hợp và đánh giá hoạt tính sinh học của các dẫn xuất Sul tam mới” thuộc lĩnh vực Hóa học của tác giả Hoàng Mạnh Hùng đạt giải ba và đề tài “Thiết kế và chế tạo thiết bị phòng tật cận thị” thuộc lĩnh vực Vật lý, của nhóm tác giả Phạm Dương Tuấn Kiệt và Nguyễn Đình Dũng đạt giải tư.
Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Cuộc thi sáng tạo KHKT không chỉ là nơi sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của học sinh mà còn phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Đồng thời, tạo cơ hội để học sinh giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tổ chức thường niên từ năm 2013, gồm 2 vòng. Trong đó vòng sơ loại được tổ chức ở cấp trường (đối với khối THPT), và cấp huyện (các trường THCS khối phòng GD&ĐT), từ đó lựa chọn đề tài, dự án để tham gia cuộc thi cấp tỉnh. Sau 7 năm triển khai thực hiện, cuộc thi đã thu hút 100% đơn vị giáo dục tham gia với hàng nghìn sản phẩm, dự án dự thi phong phú về nội dung với các lĩnh vực: Khoa học xã hội và hành vi; hóa sinh; vật lý, kỹ thuật công nghệ |
Ý kiến ()