Cuộc sống của người nghèo rơi xuống mức cùng cực vì đại dịch COVID-19
Bên cạnh việc cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đại dịch COVID-19 còn đảo ngược những tiến bộ trong công cuộc giảm nghèo và cực nghèo đã đạt được trong nhiều thập niên.
Một tuần 2 lần, Eduardo David Rodriguez chở những chiếc tải nhồi đầy hoa quả và rau xanh ra một khu chợ ở Buenos Aires để kiếm tiền trang trải sinh hoạt cho gia đình.
Cuộc sống của Rodriguez, 40 tuổi, cùng vợ và 4 con đang ở dưới mức nghèo tại Argentina. Cả gia đình sống trong ngôi nhà đơn sơ không có gas để nấu ăn, không có đường ống nước sinh hoạt và không có cả nhà vệ sinh.
Tổng thu nhập cả tháng của gia đình là khoảng 39.000 peso (195 USD), thấp hơn rất nhiều so với mức tối thiểu là 67.000 peso cho một gia đình 4 người được xếp vào diện nghèo tại nước này.
Người vợ, Maria Eugenia Gonzalez de Rodriguez, chia sẻ gia đình cũng không thiếu những lúc đói ăn và họ đang gắng gượng để sống qua ngày.
Đây là câu chuyện của một gia đình ở Argentina, nhưng đáng buồn, đó còn là tình cảnh của khoảng 40% dân số Argentina và của hàng trăm triệu người dân trên thế giới khi tỷ lệ người nghèo gia tăng trong gần 2 năm do tác động của đại dịch COVID-19.
Bên cạnh việc cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đại dịch COVID-19 còn đảo ngược những tiến bộ trong công cuộc giảm nghèo và cực nghèo đã đạt được trong nhiều thập niên. Đại dịch COVID-19 đẩy số người nghèo cùng cực tăng trở lại lần đầu tiên sau gần 20 năm.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2020, đại dịch khiến từ 71-100 triệu người trên thế giới bị đẩy vào diện nghèo với phần lớn những người rơi vào diện cực nghèo là ở khu vực Đông Nam Á và các quốc gia phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi. Năm 2021, con số này có thể tăng lên từ 143-163 triệu người.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến thêm 97 triệu người trên thế giới phải trở lại mức sinh hoạt phí dưới 1,9 USD/ngày, tăng tỷ lệ người nghèo từ 7,8% lên 9,1% và thêm 163 triệu người sống dưới mức 5,5 USD/ngày.
Trên toàn cầu, tiến bộ trong công cuộc chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực bị thụt lùi từ 3-4 năm.
Số người nghèo tăng ở tất cả các khu vực, đặc biệt là ở phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe.
Nhóm người nghèo cùng cực ở các nước thu nhập thấp tăng nhanh chóng, xóa bỏ những tiến bộ trong công cuộc xóa nghèo cùng cực mà những nước này phấn đấu đạt được trong 8-9 năm qua, còn ở các nước thu nhập trung bình cao giai đoạn này là khoảng 5-6 năm.
Thực tế này đang đe dọa khiến thế giới có thể không đạt được mục tiêu phát triển bền vững xóa bỏ nạn đói vào năm 2030.
Trước khi có thêm hàng trăm triệu “người nghèo mới” thì trên thế giới đã có khoảng 1,3 tỷ dân trong diện nghèo bền vững, những người mà cuộc sống nghèo khổ tiếp tục rơi xuống mức cơ cực vì đại dịch.
Trên thực tế, tác động của COVID-19 thậm chí còn nặng nề hơn với những nhóm dân cư không được tiếp cận công bằng với các hàng hóa và dịch vụ xã hội, với các hệ thống y chăm sóc y tế có chất lượng và các chính sách an sinh xã hội.
Chính sự thiếu thốn kéo dài đó khiến họ gặp khó khăn trong ứng phó với bất kỳ cú sốc nào.
Hơn nữa, những biện pháp hạn chế để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan lại càng đẩy những nhóm này lún sâu hơn vào nghèo khó khi họ là lực lượng lao động chính của những lĩnh vực kinh tế không chính thức vốn bị tê liệt đầu tiên ngay khi đại dịch bắt đầu lan rộng.
Đến nay, khi nhiều nước đã điều chỉnh chính sách ứng phó với dịch bệnh và mở cửa trở lại nhờ các chương trình tiêm chủng, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay.
Khi cả thế giới bước vào giai đoạn hồi phục sau đại dịch và trở lại guồng quay để tiến tới hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững, nhiều người nhắc đến cụm từ “xây dựng lại một cuộc sống tốt hơn” (Buid back better).
Tuy nhiên, có một thực tế đặt ra là quá trình phục hồi không đồng đều, trong đó các nước nghèo hơn tiếp tục hứng chịu khủng hoảng kéo dài và nghiêm trọng hơn, càng làm tăng tỷ lệ người nghèo và tình trạng bất bình đẳng. Hậu quả là tác động của đại dịch COVID-19 với nhóm nghèo nhất lại là nặng nề nhất.
Chính vì vậy, không ít thế chế cố vấn chính sách trên thế giới đã phát đi những thông điệp rằng tất cả những người thuộc diện cực nghèo đều không muốn trở lại quá khứ và càng không muốn xây dựng lại cuộc sống mà họ đã trải qua. Họ không muốn trở lại xã hội mà ở đó những điều dành cho họ đều là bất bình đẳng và bất lợi. Thay vào đó, người nghèo muốn xây dựng một xã hội tiến lên phía trước.
Trước đòi hỏi thực tiễn trên, Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo 17/10 năm nay là “Cùng xây dựng xã hội tiến lên phía trước: Xóa đói giảm nghèo bền vững, tôn trọng tất cả mọi người và hành tinh của chúng ta.”
Xây dựng một xã hội tiến lên có nghĩa là cải thiện mối quan hệ của con người với tự nhiên; loại bỏ những cấu trúc phân biệt đối xử đẩy người nghèo vào tình thế bất lợi; thiết lập một cơ chế pháp lý và đạo đức về quyền con người, ở đó đặt phẩm giá của con người làm trung tâm của mọi chính sách và hành động.
Xây dựng xã hội tiến lên đồng nghĩa với không chỉ dừng lại ở mục tiêu “không có ai bị bỏ lại phía sau,” mà còn là những người sống trong nghèo khó sẽ được khuyến khích và hỗ trợ để tiến lên phía trước, tham gia một cách có hiểu biết và có ý nghĩa vào các quy trình ra quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.
Khi xây dựng xã hội tiến lên phía trước, mỗi người cần phải tự nhận thức rằng những người nghèo cũng đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội và cho cả hành tinh này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ việc xây dựng xã hội tiến lên đòi hỏi 3 cách tiếp cận mũi nhọn trong quá trình phục hồi toàn cầu.
Đầu tiên, quá trình phục hồi phải có sự chuyển đổi rõ ràng vì thế giới không thể trở lại cấu trúc như khi đại dịch COVID-19 chưa xảy ra, cấu trúc đã chứng kiến những bất lợi và bất bình đẳng vốn đã khiến tình trạng nghèo đói kéo dài.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, thế giới cần huy động tối đa ý chí chính trị và các mối quan hệ đối tác để đạt được các mục tiêu chung.
Thứ hai là phục hồi toàn diện, bao gồm mọi nhóm đối tượng trong xã hội, vì phục hồi không đồng đều sẽ khiến nhiều người bị bỏ lại phía sau, dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao hơn, khiến các mục tiêu phát triển bền vững càng trở nên khó thực hiện hơn.
Thứ ba, việc phục hồi phải bền vững vì thế giới cần được xây dựng một cách bền vững, phi carbon và đạt các mục tiêu đưa phát thải ròng về 0. Ở đó, các chính phủ cần lắng nghe nhiều hơn ý kiến từ những người nghèo, nhóm chịu tác động trực tiếp từ những quyết định của chính phủ.
Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng có một câu nói nổi tiếng rằng xóa đói giảm nghèo không phải là một việc làm từ thiện mà đó là hành động của công lý và bảo vệ quyền cơ bản của con người, quyền được bảo vệ nhân phẩm và một cuộc sống đàng hoàng.
Trong bối cảnh hiện nay, theo Ngân hàng Thế giới, việc giải quyết tình trạng gia tăng tỷ lệ nghèo toàn cầu cần phải bắt đầu với việc thúc đẩy phục hồi kinh tế ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp.
Điều này có nghĩa rằng cần phải tăng nguồn cung vaccine phòng COVID-19 cho các nước này, vì tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp chính là một trở ngại cho tăng trưởng kinh tế ở những nước nghèo.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo năm 2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lấy làm tiếc trước thực trạng đã xảy ra trong thời gian qua, khi đói nghèo và bất bình đẳng gia tăng thì tình đoàn kết thế giới lại sa sút vào đúng thời điểm cần thiết nhất.
Ông dẫn chứng sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine đã tạo cơ hội cho các biến thể của virus phát triển và trở nên khó kiểm soát hơn, khiến nhiều người tử vong hơn và kéo dài tình trạng suy giảm kinh tế thế giới gây thiệt hại thêm hàng nghìn tỷ USD.
Ông kêu gọi thế giới chấm dứt tình trạng này, giải quyết các nguy cơ vỡ nợ và đảm bảo các khoản đầu tư cho phục hồi được đưa đến những quốc gia cần nhất, qua đó tạo cơ hội cho người nghèo xây dựng lại cuộc sống tốt hơn trong một xã hội tiến lên phía trước. Đó cũng là khởi đầu cho quá trình kiến tạo một thế giới công bằng, phẩm giá và cơ hội cho tất cả mọi người./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()