Cử tri Hy Lạp hôm nay đi bỏ phiếu bầu cử QH trước thời hạn lần hai, hệ quả của việc các chính đảng thất bại trong đàm phán thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử lần một hồi tháng 5. Đây sẽ là cuộc lựa chọn hết sức khó khăn, bởi lá phiếu của cử tri "xứ sở các vị thần" không chỉ quyết định tương lai đất nước mình, mà cả Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone).Cùng tâm điểm chú ý là Tây Ban Nha với thỏa thuận cứu trợ tài chính với Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trị giá 100 tỷ ơ-rô, cuộc bầu cử QH ở Hy Lạp thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Kết quả cuộc bầu cử này nhiều khả năng quyết định vận mệnh chính trị, kinh tế cũng như tương lai của Hy Lạp trong Eurozone. Sau cuộc bầu cử hôm 6-5, cơ hội thành lập chính phủ lần lượt được trao cho ba chính đảng lớn ở Hy Lạp, do không đảng nào giành đa số ghế tại QH. Tuy nhiên, từ đảng Dân chủ mới (ND) và...
Cử tri Hy Lạp hôm nay đi bỏ phiếu bầu cử QH trước thời hạn lần hai, hệ quả của việc các chính đảng thất bại trong đàm phán thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử lần một hồi tháng 5. Đây sẽ là cuộc lựa chọn hết sức khó khăn, bởi lá phiếu của cử tri “xứ sở các vị thần” không chỉ quyết định tương lai đất nước mình, mà cả Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone).
Cùng tâm điểm chú ý là Tây Ban Nha với thỏa thuận cứu trợ tài chính với Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trị giá 100 tỷ ơ-rô, cuộc bầu cử QH ở Hy Lạp thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Kết quả cuộc bầu cử này nhiều khả năng quyết định vận mệnh chính trị, kinh tế cũng như tương lai của Hy Lạp trong Eurozone. Sau cuộc bầu cử hôm 6-5, cơ hội thành lập chính phủ lần lượt được trao cho ba chính đảng lớn ở Hy Lạp, do không đảng nào giành đa số ghế tại QH. Tuy nhiên, từ đảng Dân chủ mới (ND) và đảng Xã hội (Pasok) ủng hộ thỏa thuận cứu trợ của EU và IMF, đến liên minh khối cực tả Syriza phản đối các điều khoản cho vay, đều không thể tìm được đối tác lập chính phủ. Tổng thống C.Pa-pu-li-át phải giải tán QH gần một tháng tuổi, ấn định tổ chức bầu cử QH một lần nữa.
Thực tế, nội bộ Hy Lạp đang chia thành hai phe không nhượng bộ nhau, giữa một bên là ND và Pasok, với bên kia là Syriza. Nếu giành quyền lãnh đạo đất nước, ND cam kết tiếp tục thực thi các thỏa thuận cứu trợ với EU và IMF, được coi là điều kiện tiên quyết để A-ten ở lại Eurozone. Nhưng ND cũng muốn EU và IMF giảm bớt một số yêu cầu “thắt lưng, buộc bụng” và thực hiện song song đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, Syriza chủ trương bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ với các định chế tài chính quốc tế. Việc Syriza giành quyền thành lập chính phủ sẽ đặt dấu chấm hết cho hy vọng của Hy Lạp ở lại ngôi nhà chung Eurozone.
Trong khi đó, EU giữ thái độ cứng rắn, dọa đình chỉ gói cứu trợ nếu Hy Lạp từ bỏ các cam kết. Khi đó, nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế Hy Lạp là rất lớn, do ngân sách của A-ten chỉ cầm cự đến cuối tháng 6 này. Dù Đức và Pháp, hai nước đầu tàu EU, cam kết nỗ lực giữ Hy Lạp ở lại, nhằm tránh một hiệu ứng vỡ nợ dây chuyền, nhưng hơn một nửa số nước thành viên Eurozone đã công khai hoặc bí mật lên kế hoạch dự phòng trường hợp A-ten bị trục xuất khỏi liên minh tiền tệ duy nhất của khu vực. Ủy ban châu Âu (EC) cũng trao đổi với các nước Eurozone về các vấn đề pháp lý đối với kiểm soát vốn, trong đó có việc hạn chế rút tiền từ tài khoản ngân hàng Hy Lạp và kiểm soát biên giới. Bởi số tiền người dân rút ở các ngân hàng Hy Lạp hiện lên tới 500 triệu ơ-rô mỗi ngày và tốc độ này không ngừng tăng, do lo ngại khả năng không thể tiêu đồng ơ-rô trên lãnh thổ Hy Lạp, trong khi vốn của các ngân hàng nước này cạn kiệt.
Chưa hết, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp từ B trừ xuống CCC, mức dễ vỡ nợ, phản ánh mức độ rủi ro của nền kinh tế và nguy cơ A-ten rời khỏi Eurozone. Mức nợ công Hy Lạp vẫn cao “ngất ngưởng” 165,3% GDP (tương đương 355,6 tỷ ơ-rô); thâm hụt ngân sách 9,1% GDP, gấp ba lần mức trần EU quy định.
Hơn hai năm rơi vào khủng hoảng do hệ lụy của việc chi tiêu quá tay từ các nguồn vốn vay mượn, A-ten đã phải cầu viện EU và IMF hai gói cứu trợ tài chính, với tổng trị giá 240 tỷ ơ-rô. Tuy nhiên, đến nay các gói cứu trợ dường như chưa phát huy hiệu quả. Nền kinh tế Hy Lạp vẫn trì trệ, chính phủ luôn lo lắng không đủ tiền trả lương và các khoản chi phí khác. Nghịch lý ở chỗ càng nhận cứu trợ, chính phủ càng thắt chặt chi tiêu để đáp ứng điều kiện của EU và IMF, thì người dân lại càng thiệt thòi, bởi họ là đối tượng bị cắt giảm lương, trợ cấp và các chế độ phúc lợi. Điều này là nguyên nhân gây làn sóng phản đối chính sách “thắt lưng, buộc bụng” ngày càng lan rộng ở Hy Lạp.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy, khả năng không đảng nào hội đủ đa số ghế trong QH để giành quyền tự thành lập chính phủ là rất cao, đặt Hy Lạp trước nguy cơ lặp lại kịch bản cuộc bầu cử lần trước. Và cũng không loại trừ khả năng các chính đảng không tìm được liên minh để thành lập chính phủ, có thể đẩy Hy Lạp vào vòng xoáy bế tắc chính trị mới.
Cuộc bầu cử QH lần này đặt lên vai người dân Hy Lạp gánh nặng phải lựa chọn chuyện “đi hay ở” của đất nước mình. Ở lại Eurozone, họ sẽ phải tiếp tục chịu đựng tình trạng tài chính khắc khổ, đời sống cực kỳ khó khăn. Ra đi, tức là trở lại tiêu dùng đồng đrách-ma, họ lại cũng đối mặt nguy cơ đồng tiền mất giá, thu nhập giảm hơn một nửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… Cử tri Hy Lạp sẽ không dễ dàng đưa ra lựa chọn trong lá phiếu quyết định tương lai quốc gia mình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()