Cuộc khủng hoảng mới nhất trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới khi các nước EU ngày càng thường xuyên từ chối đơn xin thị thực vào Khu vực tự do đi lại ở châu Âu (Schengen) của công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua.
Việc bị từ chối thị thực đã buộc nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ phải hoãn hoặc hủy các kế hoạch du học, du lịch hay công tác. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nhà báo và doanh nhân giàu có-những người trước đây từng được cấp thị thực Schengen nay cũng bị thẳng thừng từ chối. Phía EU viện lý do gia tăng các tài liệu giả mạo trong quá trình xin cấp visa, song trên thực tế, nhiều ứng viên vẫn bị từ chối dù đã nộp đầy đủ giấy tờ hợp lệ và từng nhiều lần xuất cảnh. Anadolu dẫn số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ đơn xin thị thực Schengen bị từ chối đã tăng từ 15% vào năm 2022 lên 50% trong nửa đầu năm 2023.
Mặc dù EU khẳng định không phân biệt đối xử với Ankara, song việc đòi hỏi nhiều thủ tục cũng như sự chậm trễ kéo dài đã khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ kết luận họ đang bị “trừng phạt ngầm” dưới một hình thức trừng phạt tập thể, hơn là do EU thắt chặt các quy định kiểm soát nhập cư bất hợp pháp.
Thực tiễn này, theo quan điểm của Ankara, phản ánh việc EU không đánh giá đúng tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một cường quốc và đối tác trong khu vực, Middle East Eye cho hay. Theo một thỏa thuận ký kết giữa hai bên hồi tháng 3-2016, công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU sẽ được miễn thị thực. Tuy nhiên, hứa hẹn đó, tới nay, vẫn chỉ là hứa hẹn.
Trên thực tế, việc người dân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gặp thêm rắc rối với đơn xin thị thực Schengen được cho là dấu hiệu của một vấn đề sâu sắc hơn trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU, không loại trừ nguy cơ Ankara có thể hạ cấp quan hệ với EU.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên trái) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại một cuộc họp ở Brussels (Bỉ), ngày 20-3. Ảnh: Anadolu |
Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng thị thực đã khiến nó trở thành một chủ đề tranh luận công khai trước cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5. Sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử, đã có nhiều suy đoán về tác động của cuộc khủng hoảng đối với quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU trong 5 năm tới.
Mô tả việc từ chối và trì hoãn xử lý các đơn xin thị thực vào Schengen của công dân Thổ Nhĩ Kỳ là “sự tống tiền chính trị”, Tổng thống Erdogan mới đây đã đưa ra một thông điệp, đại ý Ankara sẽ “xem xét lại tổng thể” mối quan hệ với EU, trong đó có cả việc EU đã không “đoái hoài” gì đến mong muốn gia nhập khối này của Ankara trong suốt 5 thập kỷ. Trên cơ sở thế và lực hiện có, rõ ràng Ankara muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong việc tự do hóa thị thực, cập nhật liên minh thuế quan và giải quyết vấn đề người tị nạn trong nỗ lực khôi phục quan hệ với EU theo nhiều hướng. Tuy nhiên, nếu những trở ngại hiện tại không thể vượt qua, có lẽ Ankara sẽ không dừng lại ở việc chỉ trích EU.
Trong cuộc điện đàm gần nhất với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU là cách duy nhất để giải quyết thành công các vấn đề khu vực, đồng thời kêu gọi EU đối xử công bằng và đưa Ankara trở lại quy trình xem xét tư cách thành viên của EU.
Vai trò năng động của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề quốc tế, bao gồm việc trung gian cho thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cũng như trong cuộc chiến ở Ukraine, cùng với tầm ảnh hưởng ngày càng được mở rộng của nước này trên trường quốc tế và vị thế của một nhà sản xuất quốc phòng đầy tiềm năng khiến EU không thể coi nhẹ mối quan hệ với Ankara. Vai trò tích cực của nước này ở Syria, Iraq, Libya và Karabakh cũng có tầm quan trọng chiến lược đối với quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU. Có thể thấy, an ninh châu Âu, sự ổn định của Kavkaz và Balkan, vấn đề cung cấp năng lượng, lợi ích chung tiềm năng ở châu Phi và vấn đề di cư bất hợp pháp nổi lên như những thách thức chính kêu gọi sự hợp tác giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Ankara tuy là thành viên của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) song vẫn duy trì được quan hệ hữu hảo với Moscow cũng được coi là một lợi thế, trong bối cảnh EU và Nga đang ở hai chiều đối nghịch.
Để bảo đảm an ninh của EU trong những thập kỷ tới, không có lựa chọn nào khác, EU cần tăng cường hợp tác với Ankara ở mọi cấp độ, theo nhiều cách. Đó cũng là những gì mà người dân châu Âu mong đợi các nhà lãnh đạo EU hành động, vì tương lai của lục địa.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/cuoc-khung-hoang-moi-nhat-trong-quan-he-tho-nhi-ky-eu-733823
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()