Cuộc khởi nghĩa toàn quốc đem sức ta giải phóng cho ta
Nhân dân Việt Nam có truyền thống lịch sử cố kết cộng đồng dân tộc, có tình nghĩa đồng bào sâu nặng, có ý chí sâu sắc về chủ quyền cương vực quốc gia, quyền làm chủ đất nước, trong đó dòng chủ lưu là ý chí độc lập và khát vọng tự do, không bao giờ khuất phục trước sự xâm lược và thống trị của ngoại bang.
Nhân dân Việt Nam có truyền thống lịch sử cố kết cộng đồng dân tộc, có tình nghĩa đồng bào sâu nặng, có ý chí sâu sắc về chủ quyền cương vực quốc gia, quyền làm chủ đất nước, trong đó dòng chủ lưu là ý chí độc lập và khát vọng tự do, không bao giờ khuất phục trước sự xâm lược và thống trị của ngoại bang.
Vào giữa thế kỷ 19, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, biến Việt Nam từ một nước độc lập thành thuộc địa của thực dân Pháp. Các cuộc đấu tranh dân tộc chống thực dân Pháp liên tiếp nổ ra nhưng vì thiếu một hệ tư tưởng cách mạng khoa học dẫn đường cho nên chưa thể thành công được. Trong bối cảnh lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dấn thân đến nhiều nước trên thế giới để tìm hiểu, suy ngẫm về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc vì độc lập tự do. Hệ thống quan điểm cách mạng giải phóng dân tộc và phát triển đất nước vì độc lập, tự do có giá trị lịch sử như một học thuyết cách mạng được truyền bá vào Việt Nam, đã đáp ứng khát vọng thiêng liêng nhất của nhân dân Việt Nam, trước hết là tầng lớp thanh niên trí thức yêu nước. Họ đã dấn thân đi vào quần chúng để tuyên truyền vận động tổ chức quần chúng đấu tranh, làm dấy lên một phong trào đấu tranh dân tộc và dân chủ ngày càng mạnh, thể hiện khá rõ sự trưởng thành về chính trị của quần chúng theo con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ngay khi mới ra đời, Ðảng đã trở thành tổ chức duy nhất đảm nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, chương trình tóm tắt của Ðảng đã được Hội nghị thống nhất Ðảng nhất trí thông qua. Ðộc lập, tự do là tư tưởng cốt lõi, là viên ngọc quý được khảm trong Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Ðảng.
Vừa mới ra đời, Ðảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết lãnh đạo nhân dân tiến lên đấu tranh đòi giải phóng dân tộc và giai cấp diễn ra trên nhiều địa phương mà đỉnh cao là sự ra đời của Xô-viết nông dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Phong trào cách mạng năm 1930, dưới ngọn cờ của Ðảng, có tính chất quần chúng rộng rãi, thể hiện rõ rệt mục tiêu đấu tranh vì quyền độc lập và tự do. Qua thực tiễn phong trào, như ở Nghệ Tĩnh chẳng hạn, ngoài công nông ra, còn có phần lớn các tầng lớp trí thức và một số sĩ phu, một số địa chủ có xu hướng cách mạng rõ ràng. Không run sợ trước khủng bố trắng dữ dội, họ vẫn cố gắng bám lấy và âm thầm ủng hộ cách mạng, bảo vệ cơ sở Ðảng… Sự thật lịch sử đó đã thể hiện ý thức dân tộc phản đế trong nhân dân rất mạnh và giá trị hiện thực của tư tưởng, đường lối giương cao ngọn cờ độc lập tự do của Hồ Chí Minh.
Thực tiễn lịch sử của cao trào cách mạng năm 1930 – 1931 đã để lại một bài học kinh nghiệm nóng hổi để Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương vạch rõ các nhiệm vụ chiến lược, đường lối chủ trương thực hiện sự liên minh các giai cấp và các tầng lớp nhân dân đại đoàn kết nhằm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” trong giai đoạn 1939 – 1945.
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đối với nhân loại, trong đó có nước Việt Nam phải chịu xiềng xích của Pháp và Nhật, giống như một cơn lốc lớn đang làm biến đổi số mệnh của hàng triệu con người, thúc đẩy các dân tộc vùng lên tự giải phóng cho mình khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, thực dân và phát-xít. Ðối với dân tộc Việt Nam lúc này: “Ai cũng chán ghét cuộc đời nô lệ, ai cũng mong muốn độc lập, tự do và đang trong tư thế một người lên tiếng, vạn người ủng hộ”.
Ðây là cơ hội nghìn năm có một để Ðảng lãnh đạo và tổ chức toàn dân đứng lên đánh Pháp – Nhật giành lại quyền độc lập tự do thiêng liêng của dân tộc. Trước yêu cầu lịch sử thiêng liêng này của dân tộc, Bác Hồ đã từ Mát-xcơ-va trở về Việt Nam (28-1-1941). Người đã nhanh chóng triệu tập và trực tiếp chủ trì Hội nghị lần
thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng họp ở Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng (từ 10 đến 19-5-1941). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Người, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã nhất trí nêu rõ: “Nói đến vấn đề dân tộc tức là đã nói đến sự tự do, độc lập của mỗi dân tộc… Các dân tộc sống trên cõi Ðông Dương sẽ tùy theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành một dân tộc quốc gia… Văn hóa của mỗi dân tộc, tiếng mẹ đẻ của các dân tộc sẽ được tự do phát triển… sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng”.
Ðối tượng của cuộc cách mạng giải phóng là nhằm đánh đuổi Pháp, Nhật giành lấy độc lập tự do. Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp chung của toàn dân, không phân biệt công nhân, nông dân, phú nông, địa chủ, tư sản dân tộc, già trẻ, trai gái, tôn giáo và xu hướng chính trị, miễn là có lòng yêu nước đều được tổ chức vào các đoàn thể cứu quốc, tập trung vào một mặt trận đại đoàn kết là Mặt trận Việt Minh, gọi tắt là Việt Minh, ra sức chuẩn bị tiến lên thực hiện một cuộc khởi nghĩa của toàn dân, khởi nghĩa dân tộc khi thời cơ đến, đánh đổ ách thống trị của Pháp và Nhật, thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới. Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại hội cử ra và lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ Tổ quốc. Sự thay đổi chiến lược cách mạng tư sản dân quyền bằng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của mọi người Việt Nam yêu nước, tích cực chuẩn bị lực lượng của ta để giải phóng cho ta khi thời cơ đến, không ỷ lại vào ai hết.
Giữa tháng 8-1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã đến. Theo dõi sát thời cuộc thế giới và trong nước, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Ðảng đã họp ở Tân Trào, quyết định phát động cuộc khởi nghĩa toàn dân giành chính quyền trong cả nước, trước khi quân Ðồng minh vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật.
Tiếp theo sau Hội nghị đại biểu của Ðảng thì Ðại hội quốc dân đã khai mạc ngay trưa 16-8-1945. Dự đại hội có khoảng 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái yêu nước của Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, đại biểu ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, đại biểu Việt kiều ở Lào và Thái-lan về dự. Ðại hội đã nhất trí thông qua ba quyết định lớn:
– Tán thành chủ trương sáng suốt của Ðảng: Lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy giành lấy chính quyền từ tay Nhật và bọn tay sai của Nhật trước khi quân Ðồng minh vào Ðông Dương, đứng ở địa vị cầm quyền mà tiếp quân Ðồng minh vào giải giáp quân Nhật.
– Thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào toàn quốc phải tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó điều mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
– Thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ lâm thời của ta lúc bấy giờ, có nhiệm vụ chủ trì mọi công việc đối nội và giao thiệp với nước ngoài.
Quốc dân Ðại hội Tân Trào là một sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng phát triển và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong đêm trước của cuộc Tổng khởi nghĩa dân tộc. Ðây là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, một tổ chức chính trị mang tầm vóc lịch sử, một Quốc hội của nước Việt Nam mới, một cơ quan quyền lực lâm thời tối cao của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc đã ra đời.
Hội nghị đại biểu toàn quốc của Ðảng và Quốc dân Ðại hội Tân Trào đã thành công ngay trong thời điểm lịch sử, thời cơ Tổng khởi nghĩa để giành chính quyền trong toàn quốc đã chín muồi. Chính ngay lúc đó, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào trong toàn quốc: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ của Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của vị lãnh tụ dân tộc vĩ đại – Hồ Chí Minh, cuộc Tổng khởi nghĩa dân tộc đã diễn ra nhanh chóng và thắng lợi trong toàn quốc. Chính quyền cách mạng đã được thành lập trong cả nước, đứng đầu là Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bác Hồ giữ cương vị Chủ tịch kiêm ngoại giao. Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên tiêu biểu cho đại đoàn kết dân tộc, là một chính phủ quốc gia thống nhất.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Ðình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một bước phát triển nhảy vọt lịch sử vĩ đại trên con đường tiến lên của dân tộc theo xu thế tiến triển cách mạng của thời đại. Một kỷ nguyên lịch sử mới đã mở ra – kỷ nguyên độc lập – tự do của thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()