LSO-Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX, nhân dân Việt Nam đã liên tiếp nổi dậy chống ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, các phong trào cách mạng, các cuộc khởi nghĩa đều không thành công vì thiếu một phương pháp đấu tranh thích hợp và nhất là chưa có được một tổ chức lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, sau khi đến với chủ nghĩa Mác – Lê nin, ngày 03/02/1930, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Với phương pháp đấu tranh cách mạng thích hợp và sáng tạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và thời đại, một trong những thắng lợi lớn lao đó có thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn lịch sử (27/9/1940). Ngay sau hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu (11/1939) tại Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định), với chủ...
LSO-Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX, nhân dân Việt Nam đã liên tiếp nổi dậy chống ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, các phong trào cách mạng, các cuộc khởi nghĩa đều không thành công vìthiếu một phương pháp đấu tranh thích hợp và nhất là chưa có được một tổ chức lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh.
Trong hoàn cảnh lịch sử đó, sau khi đến với chủ nghĩa Mác – Lê nin, ngày 03/02/1930, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Với phương pháp đấu tranh cách mạng thích hợp và sáng tạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và thời đại, một trong những thắng lợi lớn lao đó có thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn lịch sử (27/9/1940).
Ngay sau hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu (11/1939) tại Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định), với chủ trương chuyển từ đấu tranh dân chủ, dân sinh, sang trực tiếp đánh đổ đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, không hợp pháp và khởi nghĩa vũ trang. Xứ uỷ Bắc Kỳ đã gửi một bản thông tri đặc biệt đến cơ sở Đảng ở Võ Nhai và Bắc Sơn để truyền đạt tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương sáu. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ Bắc Sơn đã tiến hành củng cố các tổ chức quần chúng, chọn những người vững vàng nhất đã qua thử thách đưa vào các hội phản đế, công tác tổ chức quần chúng được tiến hành thận trọng và chặt chẽ. Trong thời kỳ này, địch tăng cường đàn áp phong trào cách mạng Bắc Sơn, Võ Nhai, một số đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt. Tuy nhiên, do có sự chỉ đạo sát sao của Đảng nên các cơ sở Đảng ở địa phương vẫn được duy trì và phát triển.
Đứng trước những khó khăn của phong trào cách mạng Bắc Sơn, Trung ương Đảng đã kịp thời cử đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo các chi bộ Đảng ở Bắc Sơn mở rộng phong trào, gây dựng cơ sở. Từ cuối năm 1939, Đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các đồng chí trong Đảng bộ Bắc Sơn gấp rút chuẩn bị lực lượng, tổ chức thêm các đội tự vệ bán vũ trang chờ thời cơ hành động.
Ngày 22 tháng 9 năm 1940, Nhật đánh vào Lạng Sơn, sau vài trận chống cự yếu ớt, quân Pháp rút chạy qua Bắc Sơn về Thái Nguyên. Nhân dân các dân tộc Bắc Sơn dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ địa phương đã kịp thời cướp vũ khí của tàn binh Pháp, tự vũ trang cho mình để đánh Pháp, đuổi Nhật.
Trước tình hình đó, sáng ngày 27 tháng 9 năm 1940, Hội nghị giữa các chi bộ đảng Bắc Sơn được triệu tập. Hội nghị đã thông qua chủ trương, kế hoạch khởi nghĩa, thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa và quyết định phát động đấu tranh vũ trang ngay trong đêm 27 tháng 9 năm 1940. Mục tiêu đấu tranh đầu tiên là đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn.
Tối 27 tháng 9 năm 1940, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Sau một thời gian ngắn, quân khởi nghĩa đã tấn công đánh chiếm được đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn, quân địch bỏ chạy, chính quyền địch tan rã.
Trước sức mạnh của nhân dân, Nhật – Pháp đã thoả thuận với nhau, cấu kết đàn áp phong trào cách mạng, chiếm lại châu lỵ, thiết lập lại chính quyền bù nhìn tay sai. Tuy nhiên, địch vẫn không dập tắt được tinh thần chiến đấu của nhân dân, tổ chức quần chúng và khí thế cách mạng của cuộc khởi nghĩa vẫn được duy trì.
Lúc này, một đòi hỏi cấp bách được đặt ra là phải đưa cuộc khởi nghĩa tiến lên. Bởi vậy, sau khi nắm bắt được tình hình, đầu tháng 10 năm 1940, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh đến Bắc Sơn trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa.
Ngày 14 tháng 10 năm 1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập một cuộc họp với các đảng viên Bắc Sơn ở Sa Khao (xã Vũ Lăng) để trao đổi về phương hướng hoạt động. Qua thảo luận, Hội nghị quyết định một số vấn đề quan trọng, trong đó có quyết định thành lập Ban lãnh đạo tiếp tục đẩy mạnh cuộc khởi nghĩa. Tiếp đó, ngay trong ngày 14 tháng 10 năm 1940, một cuộc mít tinh diễn thuyết lớn đã diễn ra tại làng Đon Uý (xã Vũ Lăng). Tại cuộc mít tinh, đồng chí Trần Đăng Ninh tuyên bố “Đội du kích Bắc Sơn” thành lập và kêu gọi nhân dân ủng hộ đội du kích, tiếp tục đẩy mạnh cuộc khởi nghĩa. Tiếp đó, đồng chí Trần Đăng Ninh còn giải thích rõ đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật của Đảng và nêu lên nhiệm vụ cấp thiết của đảng viên và nhân dân địa phương là phải tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và đánh du kích chống khủng bố trắng của địch.
Trước khí thế đấu tranh sôi nổi của quần chúng, Ban lãnh đạo khởi nghĩa quyết định tập trung lực lượng đánh chiếm lại đồn Mỏ Nhài. Trước khi tiến công, Ban lãnh đạo khởi nghĩa quyết định mở một cuộc vận động quần chúng và lực lượng vũ trang để biểu dương lực lượng vào ngày 28 tháng 10 năm 1940 tại trường Vũ Lăng. Song, giữa lúc quần chúng cách mạng đang dự mít tinh, quân Pháp và bọn tay sai đã huy động lực lượng tập kích bất ngờ, làm cho lực lượng của ta bị phân tán.
Sau cuộc tập kích của địch, ngày 29 tháng 10 năm 1940, đồng chí Trần Đăng Ninh đã triệu tập một cuộc họp gồm các đồng chí đảng viên trung kiên ở Nà Pán (xã Vũ Lăng). Qua thảo luận, đánh giá tình hình, cuộc họp quyết định: rút toàn bộ cán bộ, đảng viên đã bị lộ cùng đội du kích vào rừng sâu để tiến hành hoạt động bí mật; đối với cán bộ, đảng viên chưa bị lộ thì kiên quyết bám chắc lấy quần chúng để củng cố và giữ vững cơ sở cách mạng ở các xã; gấp rút chuẩn bị để có thể chủ động chống cuộc khủng bố lớn của địch.
Sau cuộc họp này, đồng chí Trần Đăng Ninh đã báo cáo tình hình với Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ về cuộc khởi nghĩa. Từ ngày 6 đến 9 tháng 11 năm 1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy đã diễn ra tại Đình Bảng (Bắc Ninh). Hội nghị đã quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn, đề ra nhiệm vụ và phương hướng hoạt động cho đội là kết hợp hình thức vũ trang tuyên truyền, vừa chiến đấu chống khủng bố, vừa bảo vệ và xây dựng cơ sở quần chúng, tiến tới thành lập căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Hội nghị giao cho đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Đến đây, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã hoàn thành những nhiệm vụ mà lịch sử đặt ra cho nó để chuyển sang một giai đoạn đấu tranh mới: Giai đoạn xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, chuẩn bị những điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân.
Tuy chưa giành được thắng lợi triệt để, nhưng cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai. Khởi nghĩa Bắc Sơn đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta trong thời điểm lúc bấy giờ là đúng đắn và sáng suốt; để lại cho Đảng ta những bài học kinh nghiệm quý báu về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, về tiến hành khởi nghĩa vũ trang tiến tới giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945 lịch sử và cho những thắng lợi vĩ đại tiếp theo của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Hoàng Thái
Ý kiến ()