Cuộc "hành quân về nguồn"
Trong hai ngày 26 và 27-3 vừa qua, Ban liên lạc cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 18D, Sư đoàn 325, đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang" đã tổ chức lễ hành quân về nguồn dâng hương và báo công lên các Vua Hùng, lên tiên tổ và Bác kính yêu.Hơn 700 tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ của Trung đoàn còn sống, đang công tác, chiến đấu, trên cả nước, đã có mặt đông đủ trên vùng Đất Tổ. Người già nhất đã hơn 80 tuổi, người trẻ nhất cũng gần 60 tuổi. Họ gặp lại nhau sau gần 40 năm xa cách, tay bắt mặt mừng, niềm vui, niềm hạnh phúc rạng ngời trên từng khuôn mặt.Suốt hơn 60 năm chiến đấu và trưởng thành, từ một chi đội vệ quốc quân của tỉnh Quảng Bình, mang tên Lê Trực, đến nay đã thành năm trung đoàn trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 anh hùng.Trung đoàn 18D được thành lập từ tháng 4-1968, sau chiến dịch Tết Mậu Thân lịch sử. Vừa sắp xếp đội hình xong, trung đoàn hành quân vào...
Trong hai ngày 26 và 27-3 vừa qua, Ban liên lạc cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 18D, Sư đoàn 325, đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” đã tổ chức lễ hành quân về nguồn dâng hương và báo công lên các Vua Hùng, lên tiên tổ và Bác kính yêu.
Hơn 700 tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ của Trung đoàn còn sống, đang công tác, chiến đấu, trên cả nước, đã có mặt đông đủ trên vùng Đất Tổ. Người già nhất đã hơn 80 tuổi, người trẻ nhất cũng gần 60 tuổi. Họ gặp lại nhau sau gần 40 năm xa cách, tay bắt mặt mừng, niềm vui, niềm hạnh phúc rạng ngời trên từng khuôn mặt.
Suốt hơn 60 năm chiến đấu và trưởng thành, từ một chi đội vệ quốc quân của tỉnh Quảng Bình, mang tên Lê Trực, đến nay đã thành năm trung đoàn trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 anh hùng.
Trung đoàn 18D được thành lập từ tháng 4-1968, sau chiến dịch Tết Mậu Thân lịch sử. Vừa sắp xếp đội hình xong, trung đoàn hành quân vào chiến trường Trị Thiên, đường 9 Nam Lào, trong đội hình của Sư đoàn 325, thuộc mặt trận B5. Đây là chiến trường ác liệt nhất với những cuộc đấu súng, giữa quân chủ lực miền Bắc và quân viễn chinh Mỹ cùng các nước chư hầu. Cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã kiên cường bám trụ, chiến đấu ròng rã gần bảy năm, đánh hàng trăm trận, diệt hàng nghìn tên địch, bắt sống hàng trăm tên, xóa sổ hàng chục phiên hiệu, đơn vị của Mỹ, ngụy. Các trận đánh ở Khe Sanh, Đầu Mầu, Ái Tử, Nhan Biều… và đặc biệt là 81 ngày đêm trấn giữ, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã hy sinh trên mảnh đất Quảng Trị, trên Thành cổ, dưới lòng sông Thạch Hãn… Xương máu của họ đã góp phần dựng lên một tượng đài Thành cổ bất hủ, mà muôn đời con cháu mai sau còn nhớ ơn họ.
'Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sông nước
Vỗ yên bờ cõi mãi ngàn năm…!'
(Thơ của Lê Bá Dương, chiến sĩ của Trung đoàn, người chiến sĩ bảo vệ Thành cổ năm 1972).
Từ Thành cổ Quảng Trị, Trung đoàn 18D cùng các đơn vị bạn thuộc Quân đoàn 2, đầu năm 1975, đã tiến vào giải phóng Huế, giải phóng Đà Nẵng, giải phóng các thành phố, thị xã suốt dọc đường số 1 và giải phóng thành Cát Lái, Sài Gòn. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18D là những người lính bộ binh đầu tiên, ngồi trên xe tăng của Lữ đoàn 203, cùng với các chiến sĩ của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, vào chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc. Thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác: 'Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.'
Ngày hôm nay, các tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ của Trung đoàn 18D, những người còn sống đã thay mặt những đồng đội đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh Pháp và đánh Mỹ, về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, tưởng niệm đồng bào, đồng chí và làm lễ báo công dâng Bác Hồ vô vàn kính yêu.
Trung tướng Vũ Văn Kiểu, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Đại tá Phùng Văn Kể, Trưởng Ban liên lạc CCB của Trung đoàn 18D, đã thay mặt hơn 700 cán bộ, chiến sĩ, CCB của Trung đoàn, đọc chúc văn, dâng hương hoa lên bàn thờ mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân, các Vua Hùng, Bác Hồ và vong hồn các liệt sĩ, cầu mong sự an lành cho đất nước, cầu mong hạnh phúc đến với trăm họ và xin hứa: Sẽ luôn sống xứng đáng với tổ tiên, với truyền thống Anh Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc!
Trong buổi giao lưu của tỉnh Phú Thọ, các tướng lĩnh, cán bộ, sĩ quan và chiến sĩ đã quây quần bên nhau, ôn lại lịch sử chiến đấu của Trung đoàn, kể lại những trận đánh, những giờ phút hy sinh của đồng đội, mà tiêu biểu là tấm gương hy sinh thân mình để bảo vệ đồng đội của Đại đội trưởng anh hùng, liệt sĩ, nhà thơ Lê Xuân Đỉnh. Các nữ du kích năm xưa quê ở Quảng Trị, đã cùng chiến đấu với cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn từ Đông Hà, Quảng Trị, Triệu Phong, cũng có mặt giao lưu và thắp hương viếng Vua Hùng, viếng Bác. Hàng trăm đại biểu thay mặt cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ, thành phố Việt Trì, của Quân đoàn 2, Sư đoàn 325, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ, Sở Công an tỉnh và thành phố, Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ đã về dự, cùng giao lưu với các cựu chiến binh của Trung đoàn. Những câu chuyện kể, những lời ca tiếng hát, bài thơ ca ngợi truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, ca ngợi các Bà Mẹ Việt Nam, ca ngợi người lính Cụ Hồ… được các nghệ sĩ của đoàn văn công tỉnh Phú Thọ mang đến, đã làm phong phú chương trình của buổi giao lưu, làm đậm thêm tình nghĩa của quân dân cả nước.
Sự quan tâm giúp đỡ đầy tình nghĩa cả vật chất và tinh thần của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ, của thành phố Việt Trì, của Ban Di tích Đền Hùng, của Báo Nhân Dân, của Quân đoàn 2, của tỉnh Quảng Trị, của các doanh nhân là cựu chiến binh của trung đoàn… đã tạo mọi điều kiện tốt đẹp nhất cho sự thành công của chương trình Hành quân về nguồn của các cựu chiến binh Trung đoàn 18D.
Chương trình đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và khó quên trong lòng mỗi chiến sĩ, trong lòng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ, thành phố Việt Trì, quê hương Đất Tổ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()