Cuộc gặp cấp cao – kỳ vọng thấp
Trong hai ngày 18 – 19/3, Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại các cuộc gặp gỡ cấp cao tại thành phố Anchorage, bang Alaska. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhiều bất đồng chưa thể thu hẹp giữa đôi bên đã khiến dư luận không đặt nhiều kỳ vọng vào sự kiện lần này.
Quad và thông điệp về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở
Cuộc gặp cấp cao lần này sẽ bao gồm sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Ủy viên quốc vụ Trung Quốc, Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Đây là cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa hai nước dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden sau 4 năm quan hệ hai nước rơi vào “điểm đóng băng” dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Sự chuẩn bị kỹ càng trước thềm cuộc gặp…
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh Quad, ngày 12/3/2021. |
Theo đánh giá của giới phân tích, Mỹ không ở trong tâm thế để đưa ra thỏa hiệp trong cuộc đàm phán này với Trung Quốc. Điều này đã được thể hiện bởi nhiều yếu tố khác nhau: Thứ nhất, các quan chức cấp cao của Mỹ đã công du tới một loạt các nước châu Á nhằm tìm kiếm một “mặt trận thống nhất” với các đồng minh trước khi vào ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc; thứ 2 là những thông điệp cứng rắn được Mỹ phát đi trước thềm cuộc gặp.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu của nhóm Quad (gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) diễn ra theo hình thức trực tuyến, ngày 12/2, cả 4 nước đều chia sẻ quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việc Quad nối lại sự sôi động sau nhiều năm chìm lắng cũng được coi là tín hiệu cho thấy Mỹ đang thay đổi cách nhìn nhận trong mối quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc. Đây cũng là vấn đề đã được thúc đẩy bởi chính quyền cựu Tổng thống D.Trump và được ông J.Biden kế thừa bằng việc xây dựng chiến lược riêng đối với Trung Quốc.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Quad, các nước đã đạt đồng thuận về nhiều vấn đề, trong đó có mục tiêu cung cấp 1 tỷ liều vaccine COVID-19 cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều đáng nói là cam kết trên được các nước Quad đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động xuất khẩu vaccine sang 25 quốc gia, phần lớn ở châu Á, Trung Đông và Châu Phi, với tổng số khoảng 500 triệu liều cho 45 nước trên thế giới.
Cho đến nay, “chính sách ngoại giao vaccine” của Bắc Kinh đã mang lại những kết quả nhất định và điều này đã thôi thúc Mỹ phải hành động, ngay cả trong khuôn khổ Quad. Hiện một thành viên của Quad là Ấn Độ đang tăng cường sản xuất và xuất khẩu vaccine sang các nước đang phát triển, trong đó có Afghanistan, Bangladesh, Campuchia, Myanmar và Nepal.
Trước khi đến Anchorage để tham dự cuộc gặp gỡ cấp cao với Trung Quốc, ông Blinken đã tới thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau khi được bổ nhiệm vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Chuyến thăm này của ông Blinken được đánh giá là một hành động mang tính biểu tượng, bởi vào năm 2009, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng chọn Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc là các điểm đến đầu tiên nhằm khẳng định chiến lược “xoay trục sang châu Á” dưới thời chính quyền cựu Tổng thống B.Obama. Tương tự, chuyến công du châu Á lần này của ông Blinken cũng nhằm mục đích nhấn mạnh sự ưu tiên của chính quyền Tổng thống J.Biden đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, coi đây là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, ông Blinken đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc gặp gỡ theo cơ chế “2 2” với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm trấn an các đồng minh về các cam kết của Mỹ trước những động thái của Trung Quốc trong khu vực.
Tổng thống J.Biden vẫn cho rằng, dưới thời các chính quyền tiền nhiệm, mối quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực đã bị “sứt mẻ” và cần được hàn gắn trở lại. Trong đó, việc Mỹ và Hàn Quốc đạt đồng thuận sau thời gian dài đàm phán về thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) liên quan tới chia sẻ chi phí đồn trú lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc đã cho thấy thiện chí và quyết tâm của Washington trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.
… vẫn chưa thể thu hẹp những bất đồng còn quá lớn
Ảnh minh họa. |
Giới phân tích cho rằng, chiến lược ngoại giao của ông J.Biden trong vấn đề Trung Quốc có thể tập trung vào việc xây dựng một nền tảng đàm phán vững chắc, dựa trên một liên minh thống nhất và một nền kinh tế – xã hội cạnh tranh. Sau những nỗ lực ngoại giao để tham vấn ý kiến từ các đồng minh, Mỹ sẽ khó từ bỏ các lợi ích mà nước này vun đắp để “xoa dịu” trong quan hệ với Trung Quốc. Hơn thế nữa, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, với kỳ vọng khôi phục một nền kinh tế vững mạnh trong tương lai cũng cho thấy Mỹ sẽ ít có khả năng thỏa hiệp hoặc chấp nhận bị đặt vào “thế yếu” trong đàm phán với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh những động thái trấn an và thúc đẩy quan hệ đồng minh ở khu vực châu Á, trong thời gian trở lại đây, giới chức Mỹ đã đề cập tới Trung Quốc bằng những ngôn từ mạnh mẽ. Trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh tính cần thiết của việc “cài đặt” lại mối quan hệ thì phía Mỹ lại đánh giá mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh là một mối quan hệ “cạnh tranh bậc nhất”.
Mỹ và Trung Quốc có quan điểm khác nhau ngay ở cách định nghĩa về cuộc gặp lần này. Trong khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đây là đối thoại chiến lược cấp cao thì khi điều trần trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh đây không phải là một cuộc đối thoại chiến lược và sẽ không giống như các cuộc đối thoại chiến lược thông thường trước đây giữa Trung Quốc và Mỹ.
Mới đây, Ngoại trưởng Blinken đã thông báo về việc sẽ nêu vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong cuộc họp cấp cao với Trung Quốc – điều chắc chắn sẽ không được phía Bắc Kinh hoan nghênh.
Về phía Trung Quốc cũng tỏ rõ quan điểm cứng rắn trong đàm phán với Mỹ. Phát biểu trước báo giới, ngày 17/3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết, Bắc Kinh không đặt quá nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp này. Ông Thôi Thiên Khải cho rằng nếu cuộc gặp có thể mở ra một quá trình đối thoại thẳng thắn, xây dựng đã là một thành công. Ông kêu gọi “nếu ai đó cho rằng Trung Quốc lần này đem theo thành ý đến Alaska chỉ là để thỏa hiệp và nhượng bộ”, thì mong rằng người đó hãy từ bỏ “ảo tưởng”.
Ông Thôi Thiên Khải cho biết, phía Trung Quốc không trông đợi có thể giải quyết mọi vấn đề với Mỹ chỉ trong một lần đối thoại tại cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai bên. Ông chỉ hy vọng rằng cuộc gặp này sẽ trở thành một khởi đầu mới, và chỉ cần “mở ra một quá trình đối thoại thẳng thắn, xây dựng và lý tính” thì cuộc đối thoại đã có thể được coi là thành công. Ông mong muốn hai bên sẽ “mang theo thành ý khi đến, đem theo sự hiểu biết nhiều hơn khi rời đi”.
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ thì việc trao đổi với nước khác trước khi đối thoại với Trung Quốc nhằm “tạo thanh thế” là điều “không cần thiết” và “cũng chưa chắc có nhiều tác dụng”. “Nếu có vấn đề cần nói với Trung Quốc, thì hãy làm điều đó một cách trực diện” – ông Thôi Thiên Khải nói.
Việc Mỹ và Trung Quốc đề ra chương trình nghị sự, kỳ vọng riêng về nội dung cuộc gặp đã cho thấy dường như các bên đang có rất ít cơ hội để đạt được sự tương đồng. Tuy nhiên, việc các quan chức cấp cao Trung – Mỹ, diễn ra vào thời điểm quan hệ hai bên đang trở nên nguội lạnh cũng là một diễn biến đáng hoan nghênh và mở ra hy vọng tháo gỡ khúc mắc, cho dù chỉ là mờ nhạt./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()