Cuộc đua tranh "tóe lửa"
Thị trường thép trong nước trải qua năm 2013 đầy ảm đạm, thêm nhiều mảng tối khi xuất hiện một số tên tuổi lẫy lừng chưa từng báo lỗ, nay bắt đầu công bố lợi nhuận âm. Dự báo năm nay, ngành thép Việt Nam tiếp tục đối mặt thách thức nặng nề để lại từ vài năm trước, cộng với đó là áp lực cạnh tranh từ một số nước, nhất là Trung Quốc.
Thép hợp kim giả danh
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năng lực sản xuất thép cán xây dựng của các nhà máy thép trong nước đã vượt qua mốc 11 triệu tấn/năm, vượt xa nhu cầu hiện tại. Trong thời gian tới, danh sách các nhà máy thép còn được nối dài và đương nhiên thị trường thép sẽ chưa thể sôi động. Trong năm qua, hầu hết các nhà máy đều chỉ vận hành khoảng 40 – 50% công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế giảm thấp. Theo đánh giá, trừ một số công ty liên doanh và công ty có thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm tốt vận hành hết công suất hoặc vượt công suất thiết kế, còn lại hầu hết các công ty sản xuất trong nước đều trong tình trạng cầm cự. Một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng tới sản xuất thép trong nước do tiêu thụ sản phẩm thép xây dựng gặp khó khăn vì nhu cầu thép cho các công trình xây dựng bị giảm sút, thêm vào đó là áp lực cạnh tranh của thép cuộn giá rẻ chứa nguyên tố vi lượng bo-ron (Bo) của Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Theo cam kết, các loại thép hợp kim chế tạo nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%, nhiều doanh nghiệp thương mại vì lợi nhuận đã nhập khẩu loại thép này với số lượng lớn, càng gia tăng áp lực cạnh tranh lên thép trong nước lâu nay vốn “mềm như bún”.
Câu chuyện thép hợp kim Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt với số lượng lớn vào nước ta, hầu như năm nào cũng tái diễn. Ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, sản lượng thép tại Trung Quốc hiện dư thừa lớn và quốc gia này đang áp dụng nhiều chính sách khuyến khích xuất khẩu sang các nước, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, riêng năm vừa qua, Trung Quốc đã xuất khẩu 61,5 triệu tấn thép; trong đó, xuất khẩu sang các nước ASEAN khoảng 15 triệu tấn, cao gấp khoảng ba lần mức tiêu thụ của Việt Nam và gấp 1,5 lần so năng lực sản xuất các nhà máy thép trong nước. Lợi thế lớn nhất của thép Trung Quốc chính là giá rẻ, mang danh “thép hợp kim” chất lượng cao, nhưng giá bán còn rẻ hơn cả thép xây dựng thông thường sản xuất trong nước, đáp ứng đầy đủ thị hiếu “ngon – bổ – rẻ” của một số người tiêu dùng chưa thật sự hiểu rõ bản chất của loại “thép hợp kim” này. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VSA Chu Ðức Khải nhận định, việc đưa hàm lượng rất nhỏ (0,0008%) chất Bo vào thép không có ý nghĩa gì để nâng cao chất lượng thép cũng như ảnh hưởng đến giá thành, nhưng sản phẩm sẽ được “đóng mác” thép hợp kim thay vì thép xây dựng. Ðây chính là một hình thức gian lận thương mại. Phân khúc thép xây dựng bị hỗn loạn khi “thép hợp kim” Bo (chủ yếu là thép phi 6 và phi 8) từ Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào thị trường với giá rẻ hơn hẳn thép thông thường sản xuất trong nước. Lợi dụng việc không quy định in tên thương hiệu trên thép, loại thép này không được bảo đảm về chất lượng, trà trộn cùng thép sản xuất trong nước, gây lẫn lộn và ảnh hưởng uy tín của DN trong nước. Ðóng mác “thép hợp kim”, loại thép 0,0008% Bo chỉ là thép cuộn xây dựng, nhưng được hưởng thuế suất 0%, mà lẽ ra phải chịu thuế nhập khẩu 12-15%. Như vậy, một khoản thuế không nhỏ đã bị hụt bởi mánh lới gian lận thương mại của DN nước ngoài.
Bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp thép
Cuối năm 2013, ngành thép chứng kiến nhiều “đại gia lỗ khủng” như Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu (lỗ hơn 235 tỷ đồng), lần đầu lợi nhuận ở mức âm sau 35 năm hoạt động. Quý I vừa qua, công ty này tiếp tục lỗ gần 57 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cổ phần thép Pomina cũng lần đầu báo lỗ gần 220 tỷ đồng; Công ty cổ phần Nam Vanglỗ 185 tỷ đồng,… Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, song nền kinh tế trong nước hiện tại vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Các gói tín dụng kích cầu bất động sản chưa thể “phá băng”, việc giải ngân rất chậm. Những ngành công nghiệp tiêu thụ thép cao như đóng tàu, chế tạo ô-tô, cơ khí vẫn ì ạch, vì vậy khả năng tăng trưởng ngành thép trong năm nay chỉ nhích khoảng 3-5% so với năm 2013 (khoảng 12,4 – 12,6 triệu tấn) và không có đột biến. Vì vậy, sẽ có một cuộc đua tranh “tóe lửa” giữa các DN thép trong nước với áp lực ngày càng mãnh liệt và không loại trừ khả năng nhiều công ty buộc phải ngừng sản xuất do công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, sản phẩm có giá thành cao, mất sức cạnh tranh. Chưa kể, thế mạnh trong sản xuất thép của nước ta là thép xây dựng, cũng là điểm cạnh tranh gay gắt nhất với thép nhập khẩu, nhất là thép giá rẻ từ Trung Quốc. Ðiều này khiến ngành thép lâm vào tình cảnh éo le, thua trên “sân khách” đã đành, “sân nhà” cũng lao đao trong thế khó.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện tượng gian lận thương mại về tiêu chuẩn, về chủng loại thép trong thời gian qua ngày càng phổ biến, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải thực hiện đầy đủ điều kiện trong các luật đã banhành. Chính vì thế, liên Bộ Công thương – Khoa học và Công nghệ đã soạn thảo Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 1-6 tới, nhằm giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các DN làm ăn chân chính, là cơ sở để quản lý chặt chẽ chất lượng đối với nhà sản xuất và nhập khẩu, bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh thép trên thị trường một cách lành mạnh. Thông tư quy định buộc các DN sản xuất thép hợp kim phải đăng ký năng lực sản xuất, nhằm chống gian lận thương mại, bởi ngoài việc nhập khẩu một số sản phẩm như thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo trong nước chưa sản xuất được, nhiều sản phẩm đã dư thừa trong nước như thép xây dựng vẫn được ồ ạt nhập khẩu.
Ðể tự bảo vệ mình và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, VSA khuyến nghị các DN thép trong nước cần hợp tác, liên kết với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định thị trường. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại ngành thép theo hướng tập trung sản xuất những mặt hàng trong nước đang thiếu như thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo,… thay vì chỉ sản xuất những mặt hàng đã vượt xa nhu cầu. Nhiều năm trước, do sức hút mạnh về lợi nhuận, các dự án đầu tư ngành thép không tuân thủ quy hoạch, mọc lên “như nấm sau mưa”. Việt Nam đang là quốc gia có số lượng lớn nhất các dự án thép mới trong khu vực ASEAN với hơn 30 dự án, khiến sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Tái cơ cấu sản phẩm và sắp xếp lại DN ngành thép trong năm nay càng trở nên bức bách, bởi lẽ sự bảo hộ thép trong nước bằng chính sách thuế quan sẽ dần giảm bớt, đến khi hàng rào này chính thức được gỡ bỏ, nếu DN không đủ mạnh để cạnh tranh, đó là lúc ngành thép lâm vào tình cảnh khó khăn nhất.
Quản lý chất lượng thép
Thông tư 44, bản chất là quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Thép nhập khẩu phải lấy mẫu kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng mới cho phép nhập khẩu, được công bố hợp chuẩn, hợp quy. Thép trong nước, căn cứ đặc thù từng loại thép, Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quá trình sản xuất, DN thép có trách nhiệm áp dụng quy chuẩn này. Thông tư 44 có ý nghĩa vô cùng quan trọng để bảo vệ kinh doanh thép lành mạnh và sẽ đưa chất lượng sản xuất thép vào khuôn khổ.
PHẠM THU GIANG
Phó Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương)
Cần chủ động đầu tư chiều sâu
Ðối mặt với thép giá rẻ nhập của nước ngoài, nhất là thép nhập lậu từ Trung Quốc, VSA khuyến nghị các DN trong nước cần chủ động đầu tư chiều sâu, tiết kiệm nguyên – nhiên vật liệu, năng lượng; không đầu tư mới những sản phẩm có năng lực sản xuất đang dư thừa. Các DN cần chủ động tận dụng lợi thế của lộ trình thực hiện WTO, TPP; tìm hướng tăng cường xuất khẩu và đặc biệt là ngăn chặn thép chứa Bo của nước ngoài đội lốt thép hợp kim nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()