Cuộc đua tới châu Phi
Người dân Xê-nê-gan đón chào Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ. Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ vừa mang đến châu Phi thông điệp cùng "lục địa đen" viết nên trang sử quan hệ mới giữa các đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Chuyến thăm của ông Ô-lăng-đơ cho thấy những điều chỉnh chính sách ngoại giao của Pa-ri, trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị giữa các cường quốc tại châu Phi ngày càng gay gắt.Với số dân khoảng một tỷ người, chiếm hơn một phần ba nguồn tài nguyên khoáng sản của thế giới, giàu tiềm năng về năng lượng và nông nghiệp, châu Phi đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ Trung Quốc, Mỹ mà Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran và cả các nước Nam Mỹ xa xôi đều quan tâm và tìm cách giành ảnh hưởng tại khu vực giàu tiềm năng này. Chỉ với hai chặng dừng chân tại Xê-nê-gan và CHDC Công-gô, chuyến thăm lần đầu tới châu Phi của Tổng thống Pháp Ô-lăng-đơ là bước mở đầu triển khai chiến lược "trở lại châu Phi" của Pa-ri.Nói Pháp "trở lại" châu Phi là bởi Pháp gắn bó về...
Người dân Xê-nê-gan đón chào Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ. |
Với số dân khoảng một tỷ người, chiếm hơn một phần ba nguồn tài nguyên khoáng sản của thế giới, giàu tiềm năng về năng lượng và nông nghiệp, châu Phi đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ Trung Quốc, Mỹ mà Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran và cả các nước Nam Mỹ xa xôi đều quan tâm và tìm cách giành ảnh hưởng tại khu vực giàu tiềm năng này. Chỉ với hai chặng dừng chân tại Xê-nê-gan và CHDC Công-gô, chuyến thăm lần đầu tới châu Phi của Tổng thống Pháp Ô-lăng-đơ là bước mở đầu triển khai chiến lược “trở lại châu Phi” của Pa-ri.
Nói Pháp “trở lại” châu Phi là bởi Pháp gắn bó về mặt lịch sử, từng có “thời kỳ rực rỡ” về quan hệ thương mại với châu lục này, nhưng hiện lại “chậm chân” so các cường quốc trong các nỗ lực hợp tác song phương với khu vực. Pháp và châu Phi có ràng buộc trong lịch sử, rất nhiều nước trong khu vực từng là thuộc địa của Pháp. Pa-ri từ lâu đã duy trì quan hệ khá đặc biệt với hầu hết các quốc gia châu Phi, nhất là các nước sử dụng tiếng Pháp.
Châu Phi cần viện trợ phát triển, vốn đầu tư từ Pháp, cần Pháp làm cầu nối để tiếp cận thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) và cần Pháp hậu thuẫn tại các diễn đàn quốc tế. Châu Phi là láng giềng gần gũi của Pháp, chỉ ngăn cách bởi Địa Trung Hải, và cũng là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên và vật liệu chiến lược cho Pháp. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế – thương mại giữa Pháp với châu Phi gần đây trì trệ: Thương mại của Pháp với châu lục vài chục năm trước từng chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Pa-ri. Con số ấy hiện chỉ là 2%.
Một thập kỷ qua, nhất là vài năm gần đây, “lục địa đen” chứng kiến cuộc đổ bộ ồ ạt của các cường quốc tìm kiếm cơ hội hợp tác và khai thác tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế. Những mỏ dầu mới được phát hiện đưa châu Phi vào “vị trí trang trọng” trên bản đồ năng lượng toàn cầu. Đó cũng là lý do một loạt nước lớn đã đổ hàng tỷ USD đầu tư vào châu Phi. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là các quốc gia dẫn đầu cuộc cạnh tranh ảnh hưởng, với những dự án đầu tư mạnh bạo tại châu Phi.
Mỹ coi châu Phi là “châu lục tương lai thế kỷ 21”, dành các chuyến thăm đều đặn của các quan chức cấp cao đến khu vực. Ngay sau khi đắc cử năm 2009, Tổng thống B.Ô-ba-ma có chuyến công du triển khai “chiến lược châu Phi” mới, nhằm tăng cường và mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở châu lục. Châu Phi hiện cung cấp hơn 15% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ, dự kiến lên tới 25% vào năm 2015, nhiều hơn tỷ lệ dầu Mỹ nhập khẩu từ các nước vùng Vịnh.
Quan hệ Trung Quốc – châu Phi không ngừng được củng cố. Hiện đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia châu Phi hơn 7,8 tỷ USD, khoảng 16 nghìn doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực. Ấn Độ cũng tăng tốc trong cuộc đua tới “lục địa đen”. Niu Đê-li dự kiến tăng gấp đôi các khoản tín dụng cho châu Phi, lên 5,4 tỷ USD trong 5 năm tới, cùng với các dự án trong chương trình “hỗ trợ châu Phi”.
Trong bối cảnh cạnh tranh để giành ảnh hưởng, Pháp “sốt sắng” tìm cách “trở lại” châu lục vốn có “duyên nợ lịch sử” là điều dễ hiểu. Bởi, hơn bất cứ quốc gia nào, Pháp có một lợi thế lớn, thậm chí còn được cho là mạnh hơn kinh tế, đó là sự hiện diện về văn hóa, ngôn ngữ Pháp tại khu vực địa – chính trị chiến lược này. Tổng thống Ô-lăng-đơ khẳng định, Pháp không đưa ra một “hình mẫu” tại châu Phi, mà coi các quốc gia châu Phi là những người bạn, đối tác cùng nhau xây dựng mối quan hệ dựa trên ba yếu tố gồm minh bạch, thẳng thắn và quản trị tốt.
Điều chỉnh chính sách nhằm khôi phục vùng ảnh hưởng truyền thống là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Pa-ri. Chuyến công du của người đứng đầu Điện Ê-li-dê tới châu Phi đã khẳng định quyết tâm của Pa-ri không chấp nhận bước lùi trong “cuộc đua” tới châu Phi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()