Cuộc đua song mã ở Ai Cập
Ai Cập lại rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi tòa án Hiến pháp tối cao nước này phán quyết giải tán một phần QH. Quyết định này đã xới tung những rắc rối trên chính trường nước này vào thời điểm ngay trước cuộc bầu cử tổng thống vòng hai. Những diễn biến phức tạp báo trước một cuộc bầu cử tổng thống đầy "kịch tính" từ sau khi chính quyền Tổng thống Mu-ba-rắc bị lật đổ.Hôm nay (16-6), cử tri Ai Cập bắt đầu đi bỏ phiếu tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống. Sự kiện này được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử bởi lần đầu Ai Cập tổ chức bầu tổng thống với sự cạnh tranh quyết liệt của ứng cử viên nhiều đảng phái khác nhau. Tuy nhiên, tại vòng hai cuộc bầu cử này, "cuộc đua song mã" giữa hai ứng cử viên là ông M.Mơ-xi và ông A.Sa-phích, những người giành số phiếu ủng hộ cao nhất tại vòng một, dường như là kết quả không được trông đợi. Hai ứng cử viên này là những người có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Ông...
Hôm nay (16-6), cử tri Ai Cập bắt đầu đi bỏ phiếu tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống. Sự kiện này được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử bởi lần đầu Ai Cập tổ chức bầu tổng thống với sự cạnh tranh quyết liệt của ứng cử viên nhiều đảng phái khác nhau. Tuy nhiên, tại vòng hai cuộc bầu cử này, “cuộc đua song mã” giữa hai ứng cử viên là ông M.Mơ-xi và ông A.Sa-phích, những người giành số phiếu ủng hộ cao nhất tại vòng một, dường như là kết quả không được trông đợi. Hai ứng cử viên này là những người có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Ông M.Mơ-xi là thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo, còn ông A.Sa-phích từng là tướng quân đội và là Thủ tướng cuối cùng trong chính quyền cựu Tổng thống Mu-ba-rắc. Đối với những người theo chủ nghĩa tự do ở Ai Cập, “kịch bản” này là “cơn ác mộng”, bởi họ phải lựa chọn dành lá phiếu dân chủ đầu tiên của mình cho một nhân vật từng phục vụ chế độ bị lật đổ, hoặc “liều lĩnh” ủng hộ một chính quyền Hồi giáo được dự báo sẽ viết lại bản Hiến pháp Ai Cập theo hướng bảo thủ hơn.
Cuộc tái xuất đầy kịch tính giữa hai ứng cử viên này khiến người dân Ai Cập bị đặt trước sự lựa chọn khắc nghiệt khi họ cho rằng, ông Sa-phích là “sản phẩm” của chế độ cũ, trong khi ông Mơ-xi đang tìm cách chi phối quyền lực. Nếu chọn ông Mơ-xi có thể sẽ tạo ra một chế độ độc tài mới, do tổ chức Anh em Hồi giáo mở rộng quyền lực và thực hiện phiên bản hà khắc của luật Hồi giáo Sa-ri-a. Nhiều người chọn ông Sa-phích vì hy vọng yếu tố xuất thân quân đội có thể giúp ông ổn định tình hình đất nước. Nhưng cũng nhiều người lại lo lắng vị cựu tướng quân đội này sẽ “tiếp tay” cho sự trở lại của chính quyền cũ. Thậm chí, có người còn cho rằng, “cuộc quyết đấu” giữa hai ứng cử viên tại cuộc bầu cử vòng hai này đang tái hiện cuộc chiến chính trị trước đây giữa chính quyền và tổ chức Anh em Hồi giáo kéo dài suốt thời kỳ Mu-ba-rắc. Đối với nhiều người Ai Cập, “cuộc cách mạng” mà họ tiến hành lật đổ chính quyền Mu-ba-rắc đã bị đánh cắp, bởi các ứng cử viên có quan điểm ôn hòa, những người từng tích cực tham gia cuộc nổi dậy, đã bị loại khỏi cuộc đua.
Mười sáu tháng kể từ sau khi chính quyền Mu-ba-rắc bị lật đổ, tương lai chính trường Ai Cập vẫn bấp bênh và chưa thoát khỏi “mớ bòng bong” mâu thuẫn và chia rẽ. Theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao ngày 14-6, QH Ai Cập phải giải tán khi một phần ba số ghế được bầu không hợp hiến và nước này có thể phải tổ chức bầu lại QH. Điều này đồng nghĩa với việc Hội đồng lập hiến khó khăn lắm mới thành lập được hôm 12-6 cũng bị giải thể. Theo các nhà phân tích, nếu QH bị giải tán, tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng chiếm đa số tại QH, sẽ chịu nhiều tổn thất nhất và Ai Cập có nguy cơ đối mặt một thời kỳ đầy bất ổn. Anh em Hồi giáo sẽ không chịu để tuột mất những “thành quả” bất ngờ gặt hái được sau “Mùa xuân A-rập”.
Trong khi đó, quyết định của tòa cho phép vị Thủ tướng dưới thời Mu-ba-rắc này tiếp tục tranh cử tổng thống vòng hai có nguy cơ châm ngòi thổi bùng làn sóng biểu tình mới ở Ai Cập. Ngay sau vòng một cuộc bầu cử tổng thống, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã bùng nổ, phản đối phán quyết của tòa án đối với cựu Tổng thống Mu-ba-rắc và việc ứng cử viên Sa-phích lọt vào vòng hai cuộc bầu cử. Bầu không khí căng thẳng âm ỉ, bản án chung thân cho ông Mu-ba-rắc chưa làm “hài lòng” những người tham gia “cuộc cách mạng” và mối lo “tàn dư” của chính quyền cũ trên chính trường đang đặt Ai Cập trước nguy cơ một cuộc nổi dậy mới.
Cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập ở giai đoạn nước rút đầy gay cấn và rất khó dự đoán người thắng cử, bởi sự cách biệt tỷ lệ ủng hộ giữa hai ứng cử viên không đáng kể. Nhưng điều mà giới phân tích dự báo, là dù ai giành thắng lợi cũng sẽ gánh trên vai trách nhiệm đầy khó khăn, thách thức trên con đường khôi phục sự ổn định và phát triển của đất nước Kim tự tháp vốn bị tổn thương sâu sắc bởi những hệ lụy của “Mùa xuân A-rập”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()