Cuộc đua năng lượng sạch
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo tiến độ năng lượng sạch tại Luân Đôn. Ảnh: Energy.gov Dân số thế giới tăng nhanh, các nguồn tài nguyên đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Áp lực từ việc các loại nhiên liệu truyền thống đang dần biến mất ngày càng trở nên nặng nề khiến nhiều quốc gia lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm giải pháp từ những nguồn năng lượng sạch, năng lượng thay thế.Những năm gần đây, khái niệm "năng lượng sạch" không còn xa lạ, những chương trình thử nghiệm, dự án phát triển và ứng dụng thực tiễn xuất hiện ngày một nhiều trên thế giới. Khi dầu mỏ, than đá đứng trước nguy cơ cạn kiệt, thế giới lại quay về xu hướng sử dụng năng lượng sạch từ thiên nhiên. Vừa qua, trong Hội nghị cấp cao về năng lượng tương lai của thế giới tại A-bu Đa-bi, Các tiểu Vương quốc A-rập thống nhất, phát triển năng lượng tái sinh vẫn là thông điệp chung được đề cập nhiều nhất. Cơ quan Năng lượng tái sinh quốc tế (IRENA) tại A-bu Đa-bi cũng công bố một chương trình nhằm...
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo tiến độ năng lượng sạch tại Luân Đôn. Ảnh: Energy.gov |
Những năm gần đây, khái niệm “năng lượng sạch” không còn xa lạ, những chương trình thử nghiệm, dự án phát triển và ứng dụng thực tiễn xuất hiện ngày một nhiều trên thế giới. Khi dầu mỏ, than đá đứng trước nguy cơ cạn kiệt, thế giới lại quay về xu hướng sử dụng năng lượng sạch từ thiên nhiên. Vừa qua, trong Hội nghị cấp cao về năng lượng tương lai của thế giới tại A-bu Đa-bi, Các tiểu Vương quốc A-rập thống nhất, phát triển năng lượng tái sinh vẫn là thông điệp chung được đề cập nhiều nhất. Cơ quan Năng lượng tái sinh quốc tế (IRENA) tại A-bu Đa-bi cũng công bố một chương trình nhằm tăng gấp đôi nguồn năng lượng sạch toàn cầu vào năm 2030.
Năm 1950, các nhà khoa học nhận định chi phí năng lượng hạt nhân sẽ trở nên rất rẻ; tới những năm 1970, xuất hiện dự đoán nguồn năng lượng chính cuối thế kỷ 20 sẽ là năng lượng mặt trời. Tuy vậy, xu hướng năng lượng trên thế giới hiện nay vẫn là khí đốt tự nhiên, xu hướng này đang làm nhiệt độ trái đất tăng nhanh, gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Điều này khiến cuộc chạy đua năng lượng sạch trở nên gấp rút hơn bao giờ hết. Ở Liên hiệp châu Âu (EU), đây không chỉ là cơ hội tiết kiệm chi phí phát triển năng lượng, mà còn là “vị cứu tinh” cho tình trạng thất nghiệp tại một số nước. Theo báo cáo của Tổ chức Hòa Bình Xanh và Hội đồng Năng lượng tái tạo châu Âu (EREC) cuối năm 2012, tới năm 2050, EU sẽ cần đầu tư gần 132 tỷ USD để tận dụng năng lượng gió và mặt trời, thay vì năng lượng nhiều khí thải các-bon. Báo cáo còn cho thấy, so với việc phát triển các dự án đầu tư vào các nguồn năng lượng truyền thống, phát triển năng lượng sạch sẽ cung cấp thêm 500 nghìn việc làm.
Theo thông tin từ Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Anh, Chính phủ nước này đang triển khai một dự án thay thế nguồn năng lượng và hạn chế khí thải nhà kính trị giá tới hơn 175 tỷ USD. Theo đó, lượng tiêu thụ điện từ các nguồn năng lượng sạch của các hộ gia đình và doanh nghiệp nước này sẽ đạt 12 tỷ USD vào năm 2020. Dự án này không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn tạo cơ hội việc làm cho khoảng 250 nghìn người. Mới đây, Anh cũng ký một bản ghi nhớ về năng lượng với Ai-len, theo đó Ai-len cung cấp điện từ các tua-bin gió cho Anh từ năm 2017. Hệ thống này sẽ tiết kiệm cho Anh khoản chi phí khoảng 11 tỷ USD trong vòng 15 năm, rẻ hơn nhiều so các nguồn năng lượng khác. Cuối năm 2012, Quốc hội Áo sửa đổi Luật Xây dựng áp dụng với thành phố Viên và luật này sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 1-2013. Theo đó, tất cả các công trình xây dựng mới hoặc được nâng cấp phải trang bị hệ thống sưởi sử dụng năng lượng mặt trời hoặc điện gió.
Tại Mỹ, ngay từ nhiệm kỳ đầu, chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma đã tập trung hỗ trợ tối đa tiếp cận năng lượng sạch như khí tự nhiên, gió, mặt trời, dầu sạch và nhiên liệu sinh học. Sau bốn năm, lượng điện từ gió và năng lượng mặt trời ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi. Tháng 11-2012, Thượng viện Mỹ đã ủng hộ xóa bỏ điều khoản trong Dự luật Quốc phòng, theo đó cho phép quân đội chi tiền cho nhiên liệu thay thế nhiều hơn nhiên liệu truyền thống. Chính phủ nước này cũng đang thúc đẩy một dự án trị giá 1,4 tỷ USD trong ngân sách năm nay nhằm đẩy mạnh nghiên cứu động cơ tiết kiệm nhiên liệu và tàu chiến kết hợp chạy điện từ năng lượng mặt trời. Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã bỏ phiếu thông qua việc áp thuế cao các sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ nước ngoài. Mới đây, Mỹ đã hợp tác với Ô-xtrây-li-a trong một dự án trị giá 88 triệu USD dự kiến kéo dài tám năm, với mục đích nghiên cứu công nghệ mới nhằm giảm chi phí đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời.
Phát triển và sử dụng năng lượng sạch không chỉ là cuộc đua giữa những cường quốc, hay câu trả lời cho bài toán tiết kiệm và việc làm ở các nước đang khủng hoảng, mà còn là giải pháp về vấn đề bảo vệ môi trường toàn cầu. “Cuộc chạy đua năng lượng sạch” đang đem lại những lợi ích thiết thực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()