Bánh kẹo Việt chiếm lĩnh thị trường
Nhìn nhận về thị trường bánh kẹo hiện nay, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, bánh kẹo Việt đang chiếm lĩnh thị trường với tỷ lệ hơn 70%. Cùng với đó, thị trường cũng đang chứng kiến sự “so găng” giữa hàng nội và ngoại khi bánh kẹo ngoại chạy đua bằng mẫu mã bắt mắt, còn sản phẩm Việt lại đặt tiêu chí giá rẻ, chất lượng tốt, hợp khẩu vị, bảo đảm vệ sinh an toàn làm yếu tố quyết định. Nhìn lại thị trường bánh kẹo dịp Tết vừa qua có thể thấy, trước nhiều vấn đề về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng (NTD) đã quay lưng lại với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán theo cân tràn lan trên vỉa hè, chợ cóc. Họ đã kén chọn hơn, lựa chọn các loại bánh kẹo của những thương hiệu uy tín được sản xuất trong nước hơn là hàng nhập khẩu không nhãn mác.
Chị Nguyễn Thị Hương Linh, trú tại khu tập thể Liên Cơ Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Gia đình tôi thường lựa chọn các loại bánh như bánh gạo, bánh nhân kem, bánh quy, kẹo dẻo,… của các thương hiệu có uy tín trong nước như Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị hay Kinh Đô. Với tôi, tiêu chí quan trọng nhất là nguồn gốc và hạn sử dụng. Theo chị Hương bánh kẹo nội khá cạnh tranh khi một số sản phẩm chỉ rẻ bằng hai phần ba, thậm chí một phần hai so hàng nhập khẩu từ Ma-lai-xi-a, Thái-lan hay Xin-ga-po, mẫu mã thì ngày càng được cải thiện, ăn vừa miệng, lại rất yên tâm về nguồn gốc.
Trong “cuộc chiến” thị phần với hàng nhập ngoại, những năm gần đây, các DN bánh kẹo trong nước không chỉ cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả mà còn liên tục đổi mới mẫu mã, bao bì bắt mắt, tinh tế và trông rất “tây”. Nhiều người khi mua hàng còn bị nhầm lẫn giữa bánh kẹo nội và ngoại, bởi mẫu mã của bánh kẹo Việt rất tinh tế, sắc nét không thua kém gì hàng nhập khẩu từ Đan Mạch, Pháp, Đức, Mỹ,… Để minh chứng, chỉ cần đảo qua một vòng các siêu thị lớn như Big C, Fivimart, Hapro Mart,… có thể thấy, bánh kẹo nội từ các thương hiệu Việt như Kinh Đô, Hải Hà, Bibica, Hữu Nghị,… đang chiếm phần lớn vị trí trên các gian hàng tại đây.
Đa dạng kênh phân phối
Có được thành công trên, bước đầu từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền của các cơ quan, ban ngành liên quan trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang ngày càng đi vào thực chất, tác động trực tiếp đến thói quen, thị hiếu của người dân hơn. Từ đó, NTD đã dần quay lại và ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm mang mác “Made in Vietnam”. Đây là một tín hiệu tốt, cơ hội lớn cho các DN nhằm chủ động nâng cao vị thế cạnh tranh.
Để tăng tính thuận tiện cho NTD các DN còn đẩy mạnh phát triển, khai thác kênh phân phối cũng như thị trường mới tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, các khu công nghiệp, chế xuất,… bảo đảm hàng hóa cung ứng đủ trên khắp mọi miền đất nước. Cạnh tranh với các sản phẩm bánh quy nhập khẩu, các DN bánh kẹo trong nước còn đầu tư nâng cấp các dây chuyền sản xuất, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để cho ra đời nhiều dòng sản phẩm có chất lượng cao, giá thành ổn định, kể cả với dòng bánh cao cấp.
Công ty cổ phần Bibica, một trong những đơn vị sản xuất bánh kẹo lớn trong nước đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhập từ Mỹ, nguyên vật liệu được chọn lọc công phu với chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người Việt. Theo đại diện Bibica, các sản phẩm của Bibica có chất lượng thơm ngon không thua kém bánh ngoại nhưng giá lại thấp hơn 10% – 15% so với bánh nhập khẩu, nên các dòng bánh này đang rất thu hút NTD. Đơn cử dòng bánh quy Goody cao cấp của Bibica, về hình thức bên ngoài có bao bì in dập chữ nổi sang trọng, không thua kém các hộp bánh ngoại. Nhờ vào nguyên vật liệu tự nhiên thượng hạng, không sử dụng hóa chất, chất tạo mùi, chất bảo quản nên bánh rất an toàn cho người sử dụng. Mùa Tết vừa qua, Bibica tung ra 1.600 tấn bánh kẹo các loại, trong đó tăng gấp 2 – 3 lần các sản phẩm bánh chủ lực Goody và Lạc Việt, đầu tư mạnh và đa dạng mặt hàng kẹo. Cùng với hệ thống phân phối hơn 50 nghìn điểm bán và 200 siêu thị trên toàn quốc, Bibica cam kết sản phẩm của mình sẽ đến tay tất cả NTD từ thành thị tới nông thôn một cách nhanh chóng với giá cả ổn định. Không chỉ riêng Bibica, hiện nay để chiếm lĩnh thị trường trong nước, còn rất nhiều DN sản xuất bánh kẹo khác đã áp dụng các quy trình hiện đại, kiểm soát khá nghiêm ngặt và chặt chẽ theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008 và HACCP nên các sản phẩm khi đưa ra thị trường đều cam kết bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh. Ngoài ra, hệ thống phân phối cũng được nâng cấp theo hướng “phủ kín”, đáp ứng từng phân khúc thị trường với giá bán hợp lý, cạnh tranh,… Bên cạnh việc cải tiến kỹ thuật, cập nhật công nghệ sản xuất mới thì các DN bánh kẹo trong nước luôn không ngừng nghiên cứu, bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD.
Tuy nhiên, trên thị trường dịp Tết vừa qua, theo nhận xét của nhiều NTD, mức giá bánh kẹo ngoại chỉ nhỉnh hơn hàng sản xuất trong nước chút ít nên được khá nhiều người lựa chọn. Thậm chí, nhiều loại bánh kẹo chỉ có giá vài ba chục nghìn đồng, phù hợp cả các đối tượng phổ thông, mua tiêu dùng hằng ngày. Đại diện một hãng bánh kẹo ngoại cho hay: Thị trường bánh kẹo ngoại dịp Tết vừa rồi “ăn” hàng rất mạnh, tiêu thụ nhanh, hãng còn phải chuyển từ các nước chung quanh dồn cho thị trường Việt Nam. Thống kê của các nhà bán lẻ trong nước, bánh kẹo ở phân khúc cao cấp “nhường” hẳn cho thương hiệu nước ngoài.
Vì thế, theo phân tích của các chuyên gia, để lấy lại ưu thế trên thị trường, bánh kẹo nội cần dung hòa giữa yếu tố truyền thống lẫn hiện đại, mới mẻ. Điểm hạn chế của bánh kẹo trong nước quá nhấn mạnh yếu tố truyền thống, trong khi xu thế lớn của NTD lại hướng đến sự mới mẻ, hiện đại. Nếu dung hòa được điều này, cơ hội và “dư địa” cho bánh kẹo trong nước mở rộng sản xuất sẽ rất lớn.
Ý kiến ()