Hôm nay, 14-9, tại Nhật Bản, đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền tổ chức cuộc bầu Chủ tịch mới. Đây là “cuộc đua song mã” giữa hai ứng cử viên là đương kim Thủ tướng, Chủ tịch DPJ Na-ô-tô Can, 63 tuổi, và cựu Tổng Thư ký DPJ I-chi-rô Ô-da-oa, 68 tuổi. Cuộc bầu cử này quan trọng vì người thắng cử sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản.
Với sự tham gia của 412 nghị sĩ, 2.382 thành viên các hội đồng địa phương, khoảng 340.000 đảng viên và những người ủng hộ DPJ, đây là lần đầu cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ có quy mô lớn đến như vậy kể từ sau cuộc bầu cử năm 2002. Các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử của các nhật báo hàng đầu Nhật Bản như Y-o-mi-u-ri, Ni-cây và Mai-ni-chi cho thấy số người ủng hộ ông Can nhiều hơn số người ủng hộ ông Ô-da-oa. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân Nhật Bản lo ngại về sự thay đổi liên tục người đứng đầu Chính phủ trong lúc đất nước đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải như thiểu phát, đồng yên tăng giá bất thường, tỷ lệ thất nghiệp và số nợ công cao, dân số già và nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái kép. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, người dân đã phải chứng kiến sự ra đi của hai thủ tướng: T.A-xô của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Y.Ha-tô-y-a-ma của DPJ.
Ông Ô-da-oa được mệnh danh là “tướng quân giấu mặt” trong DPJ vì có ảnh hưởng lớn về chính trị và khả năng dàn xếp ở hậu trường. Nhưng ông đang phải đối mặt nguy cơ bị truy tố vì liên quan các vụ bê bối quỹ chính trị. Đó là những nguyên nhân khiến nhà chính trị này không được nhiều người dân ủng hộ và phải từ chức Chủ tịch DPJ hồi tháng 5-2009 và Tổng Thư ký DPJ hồi tháng 6-2010.
So với ông Ô-da-oa, Thủ tướng Can có lợi thế vì ông không dính vào bê bối chính trị – tiền bạc. Tuy nhiên, Thủ tướng Can bước vào cuộc tranh cử này với “hành trang” cũng không hề nhẹ nhàng. Ông Can trở thành Chủ tịch DPJ và Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 6-2010 sau khi người tiền nhiệm là ông Ha-tô-y-a-ma phải ra đi vì không đáp ứng được sự mong đợi của người dân đã gửi gắm là đưa Nhật Bản thoát khỏi sự ì ạch cả về chính trị, kinh tế và xã hội – niềm tin của cử tri đã giúp DPJ chiến thắng vang dội trong bầu cử Hạ viện và trở thành đảng cầm quyền một năm trước. Không đầy một tháng sau khi lên nắm quyền, chưa kịp ổn định nội bộ DPJ và chính phủ, ông Can phải đối mặt cuộc bầu cử Thượng viện. Cử tri tiếp tục thể hiện sự thất vọng đối với DPJ khiến đảng này mất thế đa số quá bán tại Thượng viện. Chính phủ của Thủ tướng Can đã khó khăn trong việc thúc đẩy các chính sách lớn và càng khó khăn hơn khi phải thỏa hiệp với các đảng đối lập tại QH.
Khi trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản, ông Can tuyên bố sẽ giữ khoảng cách với ông Ô-da-oa và đã loại nhiều đồng minh của ông Ô-da-oa khỏi các vị trí trong chính phủ và trong Ban chấp hành DPJ. Điều này khiến ông Ô-da-oa rất bất bình và không ngớt chỉ trích sự lãnh đạo của Thủ tướng Can, đặc biệt là việc ông Can không nhận trách nhiệm đối với thất bại của DPJ trong bầu cử Thượng viện. Trước khi diễn ra chiến dịch tranh cử Chủ tịch DPJ từ đầu tháng 9 này, cựu Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma và các quan chức cao cấp khác của DPJ đã nỗ lực nhằm tránh một cuộc đối đầu khốc liệt giữa Thủ tướng Can và ông Ô-da-oa do lo ngại việc này có thể khiến DPJ bị suy yếu. Nhiều người hy vọng ông Can sẽ trao cho đối thủ của mình một vị trí quan trọng trong đảng để ông Ô-da-oa rút lại quyết định ra tranh cử. Nhưng ông Can đã không chấp nhận đề nghị này vì lo ngại một sự thỏa hiệp ở hậu trường có thể tạo ra làn sóng chỉ trích của dư luận đối với DPJ. Việc này giúp Thủ tướng Can ghi thêm điểm trong mắt người dân, nhưng tình hình nội bộ DPJ lại bất lợi hơn đối với ông, khi ông Ô-da-oa, vốn đứng đầu phái lớn nhất trong DPJ, với khoảng 150 nghị sĩ, lại có thêm sự ủng hộ của khoảng 60 nghị sĩ thuộc phái của cựu Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma, trong khi mới có khoảng 120 nghị sĩ ủng hộ Thủ tướng Can.
Nhật báo A-sa-hi dẫn nghiên cứu của ĐH Tô-ki-ô cho biết, Thủ tướng Can là người có tư tưởng cải cách mạnh hơn tư tưởng truyền thống trong các chính sách kinh tế, nhấn mạnh việc cắt giảm chi tiêu công cộng nhằm loại bỏ các khoản chi tiêu lãng phí, trong khi nhà chính trị
Ô-da-oa có quan điểm ngược lại, ông ủng hộ việc bơm thêm vốn vào nền kinh tế để tạo thêm việc làm mới. Về các chính sách đối ngoại, an ninh và xã hội, Thủ tướng Can được coi là người theo chủ nghĩa tự do, ông coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ, trong khi ông Ô-da-oa thể hiện quan điểm không rõ ràng, ông chọn cách gây áp lực để thúc đẩy các cuộc đối thoại trong vấn đề Triều Tiên nhưng lại phản đối việc tăng cường sức mạnh quốc phòng của Nhật Bản. Mặc dù vậy, cả hai nhà chính trị đều có chung quan điểm về tương lai của Nhật Bản, đều chọn phương án Nhật Bản là “quốc gia phúc lợi” ưu tiên hơn phương án “cường quốc kinh tế”.
Cả Thủ tướng Can và ông Ô-da-oa đều đã cam kết sẽ hợp tác với nhau trong DPJ cho dù kết quả bầu cử lần này như thế nào. Cả hai ứng cử viên đều thấy rõ nguy cơ nếu nội bộ DPJ chia rẽ hơn thì đảng này càng ở thế khó khăn hơn khi đàm phán chính sách với các đảng đối lập và càng làm cử tri Nhật Bản thêm thất vọng.
Ý kiến ()