Cuộc đua chiếm giữ quỹ đạo trái đất...
Trong số 6.718 vệ tinh đang quay quanh trái đất, một nửa thuộc về tỷ phú người Mỹ Elon Musk-ông chủ của Tập đoàn Tesla và SpaceX. Cuộc đua chiếm giữ quỹ đạo trái đất đang ngày một “nóng lên” và mang theo những mối lo lớn. Đó là gia tăng rác vũ trụ trong không gian.
Vệ tinh của Mỹ chiếm ưu thế
Theo dữ liệu từ Liên minh các nhà khoa học quan tâm (UCS), trang web Visual Capitalist của Canada thống kê có tổng cộng 6.718 vệ tinh đang hoạt động trong quỹ đạo trái đất. Phần lớn vệ tinh được sử dụng cho các mục đích như viễn thông, quân sự và dân sự, đặc biệt là cung cấp truyền hình hoặc internet cho những khu vực hẻo lánh trên trái đất. Để đáp ứng nhu cầu này, các công ty tư nhân đã tham gia vào cuộc đua chiếm giữ quỹ đạo trái đất. Chỉ có khoảng 17% trong tổng số vệ tinh làm nhiệm vụ “quan sát trái đất” phục vụ khoa học. Những vệ tinh này giúp cải thiện độ chính xác khi đo khí tượng hoặc trắc địa, theo dõi tác động hoạt động của con người đối với môi trường, nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên như núi lửa phun trào hoặc đứt gãy gây ra động đất… Những cỗ máy này cũng quan sát các đại dương bao phủ hầu hết trái đất và giúp làm phong phú thêm kiến thức của con người về trái đất. Một số vệ tinh khoa học khác khám phá không gian và những vùng xa xôi để tìm hiểu nguồn gốc của vũ trụ. Ngoài ra, hệ thống vệ tinh như BeiDou của Trung Quốc, Galileo của châu Âu hay Starlink (Mỹ) đang được sử dụng nhằm mục đích cung cấp khả năng định vị, điều hướng chính xác cho khu vực hay trên toàn cầu.
Trong số 6.718 vệ tinh đang quay quanh trái đất, khoảng một nửa thuộc về tỷ phú người Mỹ Elon Musk (mỗi dấu chấm tương đương 10 vệ tinh). Ảnh: visualcapitalist.com |
Trong số 6.718 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo trái đất, các vệ tinh của công ty tư nhân chiếm phần lớn, trong đó SpaceX chiếm thị phần lớn nhất, với 3.395 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo trái đất tầm thấp (LEO). Các vệ tinh Starlink của SpaceX cung cấp khả năng truy cập internet tốc độ cao khi chúng nằm trên quỹ đạo cách bề mặt trái đất chỉ 300-600km, thấp hơn nhiều so với các vệ tinh khí tượng và các vệ tinh khác thường hoạt động trong quỹ đạo cách trái đất khoảng 36.000km. Vì các vệ tinh phát sóng không cần hệ thống cáp nên có lợi thế lớn ở vùng nông thôn và các khu vực xa xôi hẻo lánh, nơi cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc kém phát triển. Số lượng người dùng dịch vụ viễn thông vệ tinh dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới, từ 71 triệu người vào năm 2022 lên 153 triệu người vào năm 2031, theo Euroconsult, công ty tư vấn về lĩnh vực vũ trụ.
Đối thủ của tỷ phú Elon Musk là người đồng hương Jeff Bezos-người sáng lập Amazon và là người giàu thứ ba thế giới. Tỷ phú Bezos đặt mục tiêu đến năm 2029 xây dựng mạng lưới 3.236 vệ tinh LEO truyền sóng internet xuống các trạm ở mặt đất, cung cấp dịch vụ băng thông rộng nhanh chóng với giá cả phải chăng cho mọi cộng đồng dân cư trên hành tinh. Những vụ phóng đầu tiên sẽ bắt đầu ngay từ năm 2024.
Trước đó, tháng 7-2022, hai công ty vận hành vệ tinh Eutelsat (Pháp) và đối thủ OneWeb (Anh) cũng đã thông báo sáp nhập và tạo thành “ông lớn” trong lĩnh vực vệ tinh internet đang phát triển. Eutelsat và OneWeb cho biết, họ kết hợp nguồn lực từ cả hai phía, với 36 vệ tinh theo quỹ đạo địa tĩnh của Eutelsat và 648 vệ tinh LEO, để tạo ra “công ty hàng đầu thế giới” về khả năng kết nối từ ngoài không gian.
“Với sự tiến bộ công nghệ, cuộc đua giành quỹ đạo trái đất được dự đoán sẽ trở nên gay cấn hơn trong thập kỷ tới”, Visual Capitalist nhận định.
Nỗ lực phòng ngừa rác vũ trụ
Việc có thêm nhiều vệ tinh khiến vấn đề rác vũ trụ càng trở nên trầm trọng. Khái niệm rác vũ trụ ban đầu chỉ dành cho những mảnh vỡ của các tàu không gian, vệ tinh. Qua thời gian, nó được mở rộng hơn, chẳng hạn các vệ tinh không còn hoạt động, những bộ phận của tên lửa đẩy, đến những thứ nhỏ như khuy áo của phi hành gia. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ước tính có gần 700.000 mảnh vụn vệ tinh có kích thước lớn hơn 1cm hiện bay lơ lửng quanh trái đất, có nguy cơ va chạm với các vệ tinh đang hoạt động hoặc buộc chúng phải di chuyển để tránh nguy cơ va chạm, gây tốn kém nhiên liệu.
Theo space.com, lượng rác vũ trụ càng dày đặc thì nguy cơ các mảnh riêng lẻ va chạm vào nhau càng lớn. Năm 2021, một mảnh vụn trên quỹ đạo đã đâm trúng cánh tay robot trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), tạo ra một lỗ thủng xuyên qua thiết bị. May mắn, vụ va chạm không ảnh hưởng đến các hoạt động của cánh tay robot bởi bộ phận này có thể được sửa chữa trên quỹ đạo. Đây không phải là lần đầu tiên ISS đụng trúng một mảnh rác vũ trụ. Vào tháng 4-2013, phi hành gia người Canada Chris Hadfield đã báo cáo một “viên đá nhỏ từ vũ trụ” đã đục thủng một lỗ trên tấm quang năng của ISS.
Trước thực tế trên, hồi tháng 7 vừa qua, ESA đã có bước tiến lớn khi thực hiện cuộc diễn tập chưa từng có để kiểm soát quá trình quay trở lại trái đất của vệ tinh quan sát khí tượng Aeolus khi nó hết vòng đời và để tránh các mảnh vỡ rơi xuống mặt đất. Trang space.com cho biết, Aeolus được phóng vào tháng 8-2018, trở thành vệ tinh đầu tiên theo dõi các luồng gió của trái đất từ ngoài không gian. Vệ tinh nặng 1.360kg, do Công ty Airbus Defense and Space ở Stevenage, Hertfordshire của Anh chế tạo. Nó mang theo một thiết bị laser tinh vi gọi là lidar gió Doppler, giúp giới nghiên cứu cải tiến dự báo thời tiết và các mô hình khí hậu.
Aeolus dự kiến hoạt động 3 năm nhưng thực tế ở trên quỹ đạo gần 5 năm. Vệ tinh này rơi khỏi độ cao vận hành từ ngày 19-6 vừa qua và thực hiện thao tác điều chỉnh hướng rơi quan trọng đầu tiên vào ngày 24-7. Nhóm điều khiển nhiệm vụ tại ESA đã đưa Aeolus đến “nơi an nghỉ” thành công. Văn phòng Rác vũ trụ thuộc ESA cho biết, với lượng nhiên liệu ít ỏi còn lại trong vệ tinh, nhóm điều khiển đã hạ dần Aeolus từ độ cao 320km khi nó đang hoạt động xuống khoảng 120km, trước khi loại bỏ nó khỏi bầu khí quyển và đưa vệ tinh đến điểm được chọn Point Nemo nằm ở phía Bắc Nam Cực.
Nằm ở phía Nam đảo Phục Sinh và phía Bắc Nam Cực, Point Nemo còn được gọi là “nơi cô đơn nhất trên trái đất”, “cực không thể tiếp cận”. Đại dương ở Point Nemo sâu hơn 4.000m. Tên của nó được đặt theo tên thuyền trưởng Nemo nổi tiếng trong tác phẩm kinh điển “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của đại văn hào Pháp Jules Verne. Kể từ những năm 1970, các chương trình không gian toàn cầu đã đưa gần 300 tàu vũ trụ ngừng hoạt động, bao gồm cả trạm vũ trụ và vệ tinh, xuống đại dương tại Point Nemo.
Bên cạnh những nỗ lực phòng ngừa rác vũ trụ từ xa, Mỹ-quốc gia có nhiều vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo trái đất-cũng gia tăng chế tài xử phạt đối với các công ty vi phạm quy định về xử lý rác vũ trụ. Mới đây, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã phạt nhà điều hành viễn thông và truyền hình vệ tinh Dish Network khoản tiền 150.000USD vì không xử lý vệ tinh hết hạn sử dụng theo đúng quy định.
Theo FCC, Dish sở hữu vệ tinh địa tĩnh có tên EchoStar-7 trên quỹ đạo từ năm 2002. Khi vệ tinh này kết thúc thời gian hoạt động, Dish đã di chuyển vệ tinh đến độ cao thấp hơn mức mà hai bên đã thỏa thuận, do đó vệ tinh này có thể gây ra lo ngại về rác trôi nổi trong vũ trụ. FCC cho biết, Dish đã cam kết vào năm 2012 sẽ nâng vệ tinh lên độ cao 300km trong vòng quỹ đạo địa tĩnh. Tuy nhiên khi nhiên liệu sắp hết, Dish đã cho vệ tinh dừng hoạt động ở độ cao chỉ hơn 120km so với quỹ đạo này.
Nguồn:https://ct.qdnd.vn/quoc-te/cuoc-dua-chiem-giu-quy-dao-trai-dat-529567
Ý kiến ()