Cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu hội tụ, tỏa sáng nhân cách văn hóa và đạo lý Việt Nam
Tối 30/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822-1/7/2022) và 30 năm Ngày truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ.
Thưa các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!
Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bến Tre qua các thời kỳ!
Thưa các vị khách quốc tế, quý vị đại biểu cùng toàn thể đồng bào, đồng chí!
Hôm nay chúng ta có mặt ở đây, với tất cả tấm lòng tôn kính và ngưỡng mộ, long trọng tổ chức kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Nguyễn Ðình Chiểu, nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; người thầy giáo, thầy thuốc mẫu mực được UNESCO vinh danh. Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí về tham dự sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Kính thưa quý đại biểu, thưa đồng bào, đồng chí!
Nguyễn Ðình Chiểu sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước đầy “biến động”. Vì hoàn cảnh gia đình và điều kiện ly tán thời chiến tranh, ông đã lỡ nhiều kỳ thi nên không theo đường quan lộ, rồi không may lâm bệnh mù lòa. Nhưng không vì thế mà buông xuôi, trái lại ông đã vượt qua sự trắc trở của số phận trở thành một thầy thuốc có y thuật cao, một thầy giáo tâm huyết, một nhà thơ đi đầu trong phong trào chống thực dân có ảnh hưởng không chỉ Việt Nam mà cả ở khu vực và trên thế giới.
Nguyễn Ðình Chiểu là một tấm gương về tinh thần học tập suốt đời, ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh nguy nan, vẫn là hiện thân của nhân cách sống trong sáng, bình dị, cao đẹp nhưng đầy khí chất của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Nam Bộ nói riêng trong thời kỳ đất nước bị họa ngoại xâm, nỗi nhà tai biến, nỗi mình bi thương. Bao nhiêu nghiệt ngã, tai ương của cuộc đời giáng lên một con người nhỏ bé, hiền hòa và chất phác nhưng cũng nhờ đó đã tôi rèn cho ông bản lĩnh và thái độ sống không buông xuôi trước số phận “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, rằng:
“Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/Lòng đạo xin tròn một tấm gương”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng từ năm 1963 nhận định: Nguyễn Ðình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, là nhà thơ lớn của nước ta, là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ dân tộc. Trước tác của Nguyễn Ðình Chiểu đã cho thấy những đóng góp lớn lao của ông đối với văn học nước nhà.
Giáo sư Trần Ngọc Vương, một chuyên gia về Nguyễn Ðình Chiểu đã đánh giá: “Ông trở thành người mở đầu cho trào lưu văn học chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc nhân danh toàn bộ dân tộc chứ không nhân danh một bộ phận, một thiểu số nào đó. Ðây chính là đóng góp quan trọng nhất của Nguyễn Ðình Chiểu vào lịch sử văn học dân tộc. Sự mở đầu của văn học chống thực dân, chống chủ nghĩa đế quốc theo cách đó, không chỉ có ý nghĩa văn học sử ở Việt Nam, mà còn mang ý nghĩa quốc tế đậm nét”. Những tác phẩm như: Lục Vân Tiên, Ngư Tiều vấn đáp y thuật, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh và đặc biệt với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là những cứ liệu sống động cho nhận định nói trên. Tác phẩm của ông có tính thời đại, thể hiện sâu sắc và rõ nét lối sống trọng đạo lý và công bằng xã hội; căm ghét áp bức bất công, cho nên có tầm ảnh hưởng sâu sắc qua nhiều thế hệ. Tư tưởng của ông là vệ đạo, bảo dân, trung quân, ái quốc. Tư tưởng này vẫn là giá trị dù vật đổi sao dời, dù hình thái kinh tế-xã hội khác nhau.
Trong sự nghiệp dạy học, thầy Ðồ Chiểu đã dành trọn đời chăm lo dạy dỗ, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều căn cốt của văn hóa Việt Nam về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một nho sĩ, của người quân tử. Nhân cách của nhà giáo Nguyễn Ðình Chiểu có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng đất Nam Bộ nói chung và mảnh đất Gia Ðịnh, Bến Tre nói riêng.
Sau khi được một thầy thuốc có dòng dõi Ngự y đất Quảng Nam cứu chữa thoát khỏi cái chết nhưng lâm vào cảnh mù lòa, Nguyễn Ðình Chiểu học nghề chẩn bệnh bốc thuốc của người đã cứu mình để chữa bệnh, cứu sống nhân dân. Tư tưởng nhân đạo, bác ái của thầy thuốc Nguyễn Ðình Chiểu thể hiện rất rõ qua câu thơ:
“Thấy người đau giống mình đau
Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành.
Ðứa ăn mày cũng trời sanh
Bịnh còn cứu đặng thuốc dành cho không”.
Là một lương y thông hiểu sâu sắc y lý phương Ðông và y lý Việt Nam cả về y thuật và y đức, Nguyễn Ðình Chiểu có quan điểm đạo cứu người nằm trong nghĩa vụ cứu dân, cứu nước. Tác phẩm lớn “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Ðình Chiểu viết vào giai đoạn cuối đời đã dạy đạo làm người và đạo làm thầy thuốc cứu người.
Như Giáo sư Lê Trí Viễn đã từng nhận định: “Y thuật ấy là kết tinh nghề thuốc trong hàng trăm bộ sách của mấy mươi thế kỷ. Yêu nước ấy có chiều sâu cá nhân một đời người và chiều sâu lịch sử dân tộc hằng mấy ngàn năm. Nhưng cả hai đều đúc lại thành một thang thuốc hồi sinh, một đạo lý sống, một con đường phù hợp cho những con người yêu nước bình thường trong tình hình quê hương rơi vào tay giặc”.
Nguyễn Ðình Chiểu làm thơ để biểu lộ lòng yêu nước, mỗi bài thơ như một vũ khí chống giặc. Ông làm Thầy Ðồ để nuôi dưỡng “hào khí Ðồng Nai”, giữ gìn và phát huy bản sắc Việt Nam giữa thời loạn ly. Ông làm thầy thuốc vì đạo nhân sinh. Dù mù lòa, nhưng ông đã sống trọn một đời sống con người với nhân cách trọn vẹn, một đời sống có văn hóa, biết tự hào dân tộc, biết liêm sỉ và tự trọng của một người trí thức chân chính, biết trân trọng phẩm giá của con người với đồng bào và giữ đúng tiết tháo của một kẻ sĩ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ðình Chiểu đã toát lên ông là một nhân cách văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Ðiều chúng ta lĩnh hội, thấm sâu nhất qua cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Ðình Chiểu là tinh thần yêu nước, thương dân, tinh thần chiến đấu không khoan nhượng vì đạo lý, tinh thần vượt khó, sáng tạo nghệ thuật và học tập suốt đời. Nguyễn Ðình Chiểu và di sản của ông không chỉ được người Việt Nam mãi mãi tôn vinh, tự hào, mà còn được bạn bè quốc tế biết đến và ngưỡng mộ.
Thưa quý đại biểu, khách quý, thưa đồng bào, đồng chí!
Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, tôn kính hiền nhân luôn là truyền thống quý báu của dân tộc chúng ta. Với Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu, chúng ta đã thực hiện nhiều công việc đầy ý nghĩa như xây dựng, xếp hạng Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Ðình Chiểu là di tích quốc gia đặc biệt, xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO vinh danh, cùng kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của ông, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu trong thời đại ngày nay”…
Nguyễn Ðình Chiểu sinh ra ở Gia Ðịnh (nay là TP Hồ Chí Minh), quê gốc tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế) nhưng Bến Tre mới là mảnh đất gắn bó với ông gần suốt cuộc đời. Những năm qua, Ðảng bộ và nhân dân Bến Tre đã thực hiện nhiều công việc có ý nghĩa sâu sắc nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà Nguyễn Ðình Chiểu để lại cho thế hệ hiện tại và mai sau.
Hôm nay, về lại quê hương Bến Tre-Ðồ Chiểu, quê hương Ðồng Khởi anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, chúng ta vui mừng nhận thấy sự đổi thay, phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội. Nhất là thời gian gần đây Ðảng bộ có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhiều công trình, dự án đang được đầu tư xây dựng: Công trình cầu Rạch Miễu 2, các công trình điện gió,… Nhiều phong trào “Ðồng Khởi mới” về kinh tế đang bừng nở trên quê hương Ðồ Chiểu, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước. Kết quả đó là sự minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên của Ðảng bộ, dân và quân tỉnh nhà, mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng, xây dựng quê hương Bến Tre-Ðồ Chiểu trở thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.
Chúng ta hôm nay cùng nhau ở đây kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu để bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của Cụ đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại nhưng cũng là để tìm trong di sản của Cụ những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai. Soi “kim” thấy “cổ”, học “cổ” hành “kim”, đó là cách tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc, học hỏi từ những di sản văn hóa của các bậc tiền nhân và cũng là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào tháng 11/2021 vừa qua.
Tôi đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật các trước tác của Nguyễn Ðình Chiểu, nghiên cứu sâu hơn nữa vai trò thầy giáo và thầy thuốc của Nguyễn Ðình Chiểu, tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của Nguyễn Ðình Chiểu đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phát huy giá trị văn hóa Nguyễn Ðình Chiểu trong giai đoạn mới, chú trọng ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá tác phẩm, sáng tác văn hóa nghệ thuật và thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp Nguyễn Ðình Chiểu.
Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bến Tre nghiên cứu có quy chế ban hành giải thưởng Lục Vân Tiên đối với những người trẻ tuổi can đảm và nghĩa hiệp, xả thân cống hiến, phục vụ xã hội và cộng đồng.
Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước Việt Nam, tôi xin trân trọng ghi nhận và cảm ơn UNESCO đã thông qua nghị quyết và cùng tổ chức tôn vinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Ðình Chiểu-Ðây là niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Việc UNESCO tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong tư tưởng, nhân cách Nguyễn Ðình Chiểu cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam. Ðiều này thêm lần nữa khẳng định, những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã và đang hòa chung dòng chảy văn hóa nhân loại.
Cuối cùng, xin chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công. Tôi mong tỉnh Bến Tre và các địa phương có liên quan đến cụ Ðồ Chiểu hãy kết nối khăng khít để tối ưu các lợi thế và cùng nhau phát triển trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn!
Ý kiến ()