Cuộc đời đồng chí Lương Văn Tri qua những tư liệu, hiện vật lịch sử
- Hiện nay, những dấu ấn đậm nét về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Văn Tri vẫn còn được lưu lại qua các di tích, tài liệu, hiện vật tại các nhà trưng bày, bảo tàng trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm qua, các tư liệu, hiện vật này đã được các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân Lạng Sơn trân trọng gìn giữ và phát huy giá trị.
Tại các nhà lưu niệm, bảo tàng của tỉnh hiện có hơn 500 hiện vật, tư liệu quý về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Lương Văn Tri.
Tiêu biểu như chiếc hòm gỗ đồng chí sử dụng giai đoạn 1920 -1923 khi học tại Trường Sơ học Yếu lược tại phố Điềm He, Châu Điềm He, hay tích sứ (ấm pha trà) do ông Lương Văn Hành, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan đã dùng để tiếp tế cho đồng chí Lương Văn Tri khi đồng chí từ bên kia biên giới về thăm quê; bộ quần áo Tày đồng chí Lương Văn Tri đã mặc trong thời kỳ hoạt động cách mạng; màn ngủ đồng chí đã dùng thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc hay thanh kiếm mà gia đình ông Quốc tại Hiệp Hoà, Bắc Giang dùng để bảo vệ cho đồng chí Lương Văn Tri trong quá trình đồng chí thực hiện công tác huấn luyện (từ năm 1939-1940);…
Qua những tư liệu, hiện vật trên, người xem thấy được quá trình hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, cũng như sự hy sinh thầm lặng, oanh liệt, kiên cường của người chiến sỹ cộng sản Lương Văn Tri.
Những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân và du khách. Trong những ngày tháng 8 lịch sử này, các địa điểm trên đón rất nhiều đoàn khách, học sinh, người dân đến tham quan.
Chị Hoàng Thị Nguyệt, khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri, tôi lại cùng gia đình đến Bảo tàng tỉnh để xem, tìm hiểu các hiện vật liên quan đến đồng chí và quãng thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí. Những hiện vật đã giúp bản thân tôi và gia đình cảm nhận sâu sắc về sự giản dị, gần gũi của đồng chí Lương Văn Tri, các con tôi hiểu được lịch sử oai hùng của quê hương.
Không riêng chị Nguyệt, cảm xúc tự hào cũng là cảm nhận chung của rất nhiều người dân và du khách trong và ngoài tỉnh khi tới nơi này.
Từ đầu năm 2024 đến nay đã có trên 1.000 lượt người và nhiều đoàn khách đến dâng hương, tham quan, học tập tại di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri. Trong đó, có nhiều đoàn khách đến từ các tỉnh, thành: Cao Bằng, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định…
Còn tại Bảo tàng tỉnh, riêng từ đầu tháng 7 năm 2024 đến nay đã có gần 400 lượt khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan, tìm hiểu các thông tin về đồng chí Lương Văn Tri.
Ông Nguyễn Gia Quyền, Trưởng Phòng Nghiệp vụ bảo tàng, Bảo tàng tỉnh cho biết: Thời gian qua, để phục vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu, học tập của Nhân dân chúng tôi đã sưu tầm những tài liệu, hiện vật về đồng chí Lương văn Tri ở trong và ngoài nước. Cụ thể chúng tôi tập trung vào địa điểm mà đồng chí đã tiến hành hoạt động cách mạng, gây dựng phong trào cách mạng, trong đó có huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu sưu tầm tại Long Châu, Trung Quốc; qua đó chúng tôi đã sưu tầm được rất nhiều tư liệu, hình ảnh hiện vật quý liên quan đến quá trình hoạt động của đồng chí Lương Văn Tri.
Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về đồng chí Lương Văn Tri là tài sản vô cùng quý báu được các cấp, ngành gìn giữ, phát huy thông qua các hoạt động như: tổ chức triển lãm chuyên đề về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí; bố trí các gian triển lãm riêng tại bảo tàng, nhà trưng bày phục vụ công tác học tập, nghiên cứu của các tầng lớp Nhân dân.
Bên cạnh đó, ngành chức năng đã và đang tiếp tục sưu tập, bảo quản, bổ sung, chỉnh lý để tiếp tục phục vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu, học tập của Nhân dân. Đồng thời, các bảo tàng, nhà trưng bày tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử tại các địa điểm này.
Bà Lương Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Văn Quan cho biết: Là đơn vị trực tiếp quản lý nhiều tư liệu, hiện vật lịch sử liên quan đến thân thế, sự nghiệp và cuộc đời cách mạng của đồng chí Lương Văn Tri, lãnh đạo Trung tâm đã đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trong và ngoài khuôn viên nhà lưu niệm để phục vụ các đoàn khách đến dâng hương, tham quan, học tập. Khi các đoàn đến tham quan, học tập, đơn vị cử viên chức đến hướng dẫn, thuyết minh. Đặc biệt, chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các trường học và các cơ quan, đơn vị tổ chức cho học sinh các cấp đến tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử tại di tích.
Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về đồng chí Lương Văn Tri là tài sản vô cùng quý báu cần tiếp tục được gìn giữ, phát huy và tiếp tục được sưu tập, bổ sung, chỉnh lý để tiếp tục phục vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu, học tập…
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động phối hợp với Bảo Tàng Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc trong việc nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu ảnh, hiện vật về đồng chí Hoàng Văn Thụ, đồng chí Lương Văn Tri trong thời kỳ hoạt động tại Trung Quốc. Song song với đó, ở trong nước, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu các tài liệu, hiện vật để thực hiện công tác bảo quản, chỉnh lý, phục vụ trưng bày, giáo dục truyền thống.
Các tư liệu, hiện vật về cuộc đời đồng chí Lương Văn Tri là những “mảnh ghép” lịch sử quan trọng, giúp các thế hệ hậu sinh thêm hiểu biết sâu sắc về con người cùng những đóng góp to lớn của đồng chí đối với cách mạng tại Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung. Lưu giữ, phát huy khối tư liệu, hiện vật này là việc làm cần thiết, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước cho thế hệ trẻ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Ý kiến ()