Cuộc "đối đầu" căng thẳng giữa Anh và I-ran
Thêm một nấc thang căng thẳng trong quan hệ giữa Anh và I-ran khi nước này yêu cầu I-ran đóng cửa Đại sứ quán tại Luân Đôn và đồng thời rút toàn bộ nhân viên ngoại giao I-ran khỏi Anh để đáp trả việc Đại sứ quán Anh tại Tê-hê-ran bị đập phá. I-ran tuyên bố sẽ trả đũa quyết liệt hành động mà họ cho là "tiêu cực và hấp tấp" này. Việc hai bên liên tiếp đe dọa lẫn nhau đã đẩy mối quan hệ vốn "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa Anh và I-ran vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hơn mười năm qua.Quan hệ giữa Anh và I-ran đã rơi "xuống mức thấp nhất" sau khi Luân Đôn tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán I-ran tại Anh để "trả đũa" vụ các sinh viên I-ran xông vào đập phá Đại sứ quán Anh tại Tê-hê-ran, buộc Anh phải rút toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Anh U.Ha-gơ cáo buộc, cuộc tiến công Đại sứ quán Anh sẽ không thể xảy ra nếu không có "sự chấp thuận của chính quyền I-ran". Trước đó, Hội đồng...
Quan hệ giữa Anh và I-ran đã rơi “xuống mức thấp nhất” sau khi Luân Đôn tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán I-ran tại Anh để “trả đũa” vụ các sinh viên I-ran xông vào đập phá Đại sứ quán Anh tại Tê-hê-ran, buộc Anh phải rút toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Anh U.Ha-gơ cáo buộc, cuộc tiến công Đại sứ quán Anh sẽ không thể xảy ra nếu không có “sự chấp thuận của chính quyền I-ran”. Trước đó, Hội đồng Giám hộ I-ran, cơ quan lập pháp tối cao của quốc gia này, đã thông qua quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Anh, đồng nghĩa với việc trục xuất Đại sứ Anh khỏi I-ran. Những động thái căng thẳng nói trên diễn ra sau khi phương Tây liên tiếp áp đặt những chính sách siết chặt trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của I-ran. Gần đây, các cuộc biểu tình trước các đại sứ quán phương Tây xảy ra thường xuyên ở I-ran, song vụ đập phá và ném bom xăng vào Đại sứ quán Anh vừa qua là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất nhằm vào một cơ quan ngoại giao ở Tê-hê-ran kể từ năm 1979. Vụ việc này được so sánh với vụ tiến công Đại sứ quán Mỹ năm 1979 của các sinh viên Hồi giáo I-ran, trong đó 52 công dân Mỹ bị bắt giữ làm con tin trong 444 ngày, dẫn tới sự đổ vỡ hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và I-ran.
Sau khi xảy ra vụ tiến công sứ quán Anh, I-ran đã bày tỏ lấy làm tiếc về hành động quá khích của một số người biểu tình, đồng thời khẳng định các cơ quan chức năng nước này sẽ đưa ra những biện pháp nhằm chấm dứt các hành động tương tự. Tuy nhiên, Chủ tịch QH I-ran A.La-ri-gia-ni cho rằng, sự giận dữ của người biểu tình là hậu quả của cách ứng xử của Chính phủ Anh với I-ran. Thái độ cứng rắn của Mỹ và Anh trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đối với nước này đã gián tiếp dẫn tới vụ tiến công các cơ quan ngoại giao của Anh tại Tê-hê-ran. Nhìn lại diễn biến quan hệ giữa I-ran với phương Tây, Anh luôn là nước đi đầu trong việc đòi áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với I-ran. Luân Đôn đã cấm toàn bộ các giao dịch tài chính, trong đó có Ngân hàng Trung ương I-ran. Đây là một trong những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất, bởi có thể làm tê liệt nền kinh tế I-ran khi nước này không thể xử lý các khoản thanh toán xuất khẩu dầu mỏ; đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng các dịch vụ tàu biển của I-ran và giao thương của nước này với các nước trong khu vực. Chuyên gia về I-ran tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) M.Phít-pa-trích cho rằng, vụ tiến công làm tăng nguy cơ đẩy cuộc “đối đầu” giữa I-ran và Anh lên đỉnh điểm.
15 thành viên HĐBA đã thông qua tuyên bố lên án vụ tiến công các cơ quan ngoại giao của Anh ở I-ran. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn cho rằng, vụ tiến công nói trên là “sự lăng mạ” đối với không chỉ cơ quan ngoại giao Anh mà còn đối với các đoàn ngoại giao. Nhiều nước châu Âu khác cũng phản ứng mạnh mẽ. Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di gọi vụ việc này là “đáng hổ thẹn”. Na Uy đóng cửa sứ quán ở Tê-hê-ran. Bộ Ngoại giao các nước Pháp, Đức, Hà Lan cũng triệu hồi đại sứ ở Tê-hê-ran về “bàn bạc”. Thụy Điển và I-ta-li-a triệu đại sứ I-ran tại các nước này đến để thể hiện sự phản đối. Anh phối hợp Đức và Pháp xem xét việc đơn phương mở rộng áp đặt trừng phạt I-ran, trong đó có việc cấm nhập khẩu dầu mỏ của I-ran. Nhật Bản cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tê-hê-ran. Căng thẳng quan hệ Anh – I-ran cũng được các bộ trưởng ngoại giao Liên hiệp châu Âu (EU) đưa ra thảo luận tại cuộc họp ở Brúc-xen (Bỉ).
Trước phản ứng quyết liệt từ các nước phương Tây, Bộ Ngoại giao I-ran tuyên bố, nước này sẽ “trả đũa” Anh vì đã trục xuất tất cả các nhà ngoại giao nước này tại Luân Đôn. Chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của QH I-ran A.Bô-rua-giơ-đi khẳng định, Anh sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả pháp lý và ngoại giao. Nghị sĩ này kêu gọi các quốc gia châu Âu khác không làm theo những chính sách của Mỹ và Anh đối với Tê-hê-ran. I-ran cho rằng, việc HĐBA thông qua tuyên bố lên án I-ran là hành động “vội vàng” và có thể gây mất ổn định an ninh toàn cầu.
Những tuyên bố “trả đũa” lẫn nhau giữa Anh và I-ran có nguy cơ làm đổ vỡ nỗ lực tìm giải pháp thương lượng cho vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran. I-ran đối mặt khả năng bị áp đặt thêm các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ và phương Tây. Trong bối cảnh có những thông tin về việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng Vịnh và tình hình khu vực Trung Đông đang diễn biến phức tạp, “sức nóng” từ cuộc “đối đầu” trong quan hệ giữa I-ran với Anh cũng như phương Tây làm leo thang căng thẳng và đe dọa an ninh ở khu vực có vị trí địa – chính trị quan trọng này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()