Cuộc đấu tranh đối ngoại những ngày đầu mới giành được chính quyền ở Lạng Sơn
LSO-Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tuân thủ nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Người chỉ rõ công tác đấu tranh trên mặt trận đối ngoại luôn gắn bó mật thiết giữa phong trào giải phóng dân tộc với quan hệ quốc tế; cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân ta không tách rời với cuộc đấu tranh chung của nhân dân các nước trên thế giới. Sức mạnh tổng hợp của dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những nguyên nhân thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đồng thời đã góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới. Mọi cuộc đấu tranh đơn độc đều không đem lại thắng lợi. Người còn nhấn mạnh trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù cần tìm ra mâu thuẫn của chúng mà có sách lược đấu tranh, phân hóa kẻ thù; biết dựa vào nội lực là chính, trong đó sức mạnh là ở toàn dân, sự giúp đỡ bên ngoài rất quan trọng. Căn cứ vào tình hình cụ thể, tranh thủ thời cơ, có lúc cần “hòa để tiến”; đấu tranh bằng phương pháp ngoại giao; đối thoại hòa bình; “vừa đánh, vừa đàm” (Hội nghị Giơ – ne – vơ 1954 và HN Pari năm 1973); Thực hiện tư tưởng đối ngoại kiên trì và mềm dẻo “dĩ bất biến ứng vạn biến” – Trên cơ sở đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, với chân lý độc lập dân tộc gắn với CNXH.
Thành phố Lạng Sơn trên đà phát triển – Ảnh: THANH SƠN |
Với 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, CNH – HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực KT – XH, đoàn kết quốc tế, văn hóa, du lịch, quốc phòng an ninh… cả trong lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn đều tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức quốc tế và cộng đồng các nước trên thế giới. Vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Vận dụng tư tưởng đối ngoại của Bác Hồ trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, dù bất cứ tình huống nào vẫn giữ vững độc lập tự do cho Tổ quốc, với phương pháp đấu tranh kiên quyết, linh hoạt phù hợp với mọi diễn biến tình hình. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã đoàn kết một lòng, xử lý sáng suốt chặn đứng mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, tránh được tổn thất, giữ vững lực lượng, ổn định địa bàn hoạt động cách mạng và đời sống nhân dân.
Cùng với khí thế cách mạng của cả nước, ngày 25/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ. Quân dân Lạng Sơn vùng lên khởi nghĩa giành Chính quyền về tay nhân dân, góp phần cùng cả nước đương đầu với những khó khăn quyết liệt cứu vận mệnh đất nước có lúc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Vào cuối năm 1945, đầu năm 1946, ở nhiều tỉnh miền Bắc ngót 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch (Tàu Tưởng) kéo theo một lũ tay sai phản động tràn vào nước ta núp dưới danh nghĩa quân đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật. Đi đến đâu chúng cũng tàn phá đời sống dân lành, chống phá cách mạng trắng trợn và thâm độc. Ngày 26/8/1945, sau 1 ngày khi lực lượng cách mạng trong tỉnh đã giành được chính quyền ở thị xã, cánh quân Tưởng theo đường Đồng Đăng kéo vào thị xã Lạng Sơn. Ở đây chúng cũng có hành động phá hoại tương tự như nơi khác, nhằm “Tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền nhân dân để lập một chính phủ phản động làm tay sau cho chúng“ (HCM Tuyển tập, Tập I, NXBST – HN 1980, trang 471). Lúc ấy, đồng chí Trần Minh Tước, đặc phái viên của Chính phủ được Bác Hồ cử về làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lạng Sơn. Thấy tình hình như vậy. Đồng chí Chủ tịch về Hà Nội báo cáo với Bác Hồ và xin chỉ thị của Người. Sau khi nghe báo cáo. Bác căn dặn: “Không phải ở một tỉnh của chú, hiện giờ hầu khắp các nơi đều có những chuyện như vậy cả. Tôi đã nói với những anh em ở đó hãy chịu nhẫn nhục, nếu không có thể là có nguy cơ mất nước đấy”. (Lời kể của ông Trần Minh Tước đăng trên báo nhân dân số ra ngày 15/5/1990). Nhận Chỉ thị của Bác, trở về Lạng Sơn, đồng chí đã cùng với Đảng bộ, chính quyền tỉnh ra sức nghiên cứu tình hình quân Tưởng và bọn phục quốc. (Đã có thời kỳ chúng ở trong Mặt trận Việt Minh, sau này phản bội Tổ quốc). Trong bọn chúng cũng có người ác, người thiện có lòng yêu nước. Vận dụng sách lược của Đảng “Tránh xung đột, giao thiệp thân thiện với quân đồng minh, nếu họ xâm hại đến quyền lợi nhân dân thì tích cực đề kháng, biểu dương lực lượng làm áp lực ngoại giao” (LS Đảng bộ tỉnh LS 1930-1954). Nay chúng bám gót quân Tưởng vào Lạng Sơn hòng chống chính quyền cách mạng. Chúng đóng bản doanh ở Kỳ Lừa, hàng ngày lùng sục, bắt bớ, khủng bố nhân dân. Qua theo dõi, tiếp xúc với Triệu Văn Hội (bọn phục quốc gọi là “Tướng” Hội), Chủ tịch Trần Minh Tước thấy cần phải giáo dục cho Hội ý thức dân tộc, tôn trọng quê hương, đất nước – Hội quê ở làng Tía (Hà Đông). Ông ta đã có lần gặp Bác Hồ ở Trung Quốc, rất quý trọng và khâm phục Hồ Chủ tịch, Hội có ý muốn được gặp Bác Hồ. Được Người đồng ý, chúng ta đã đưa Hội về thăm quê Hà Đông trước khi gặp Bác. Đi đến đâu, Hội cũng thấy khí thế cách mạng, tràn ngập niềm tin yêu “vị cha già dân tộc” Hồ Chí Minh.
Ngày hôm sau được vào gặp Bác. Hội được Người ôm hôn và nói những lời chân tình và lý trí. Bác nói: “Đảng gì thì Đảng, nhưng tựu trung phải là Đảng đoàn kết dân tộc, không được nồi da nấu thật, chú Hội có đồng ý như vậy không?”. Hội thưa: “Đúng, cụ nói đúng quá. Đã là người Việt Nam không thể làm khác được lúc này”. Bác Hồ vỗ vai Hội: “Đúng là chú nhớ lại lời dặn của tổ tiên ta. Bây giờ chú hãy về trên ấy và làm theo điều đó để cho nước nhà được tự do, độc lập, xin nhớ mấy tiếng này: “Đoàn kết và đoàn kết”. Tướng Hội cúi chào “Xin kính chào cha già dân tộc”. Bác nói: “Cha với chú gì! Anh em cùng Việt Minh ra sức cứu nước, đó là tình cảm to lớn nhất đối với dân tộc lúc này”. Ra về, Hội còn được Bác Hồ ôm hôn lần nữa. Đó là cái hôn tình nghĩa. Người dặn Tướng Hội: “Tôi nhờ gửi cái hôn đoàn kết này cho anh em ở trên đó”. Ra khỏi Bắc Bộ Phủ (Phủ Chủ tịch bây giờ). Hội cảm động: “Tôi được vị cha già dân tộc hôn đến 2 lần. Tôi về sẽ làm đúng y như những lời cụ ủy nói”.
Thực hiện Chỉ thị của Bác. Trong thời kỳ sau khi giành được Chính quyền, các đồng chí Trần Minh Tước cùng chính quyền tỉnh tìm mọi cách thực hiện nhiều giải pháp cần thiết làm dịu tình hình căng thẳng để có điều kiện củng cố thành quả của cách mạng, hạn chế quân Tưởng tiếp xúc với dân, cướp bóc đàn áp nhân dân; tổ chức một số điểm bán gạo cho quân Tưởng; đổi gạo lấy vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang của ta và xử lý bằng một số biện pháp khác có lợi cho ta. Việc làm này đã phá vỡ được âm mưu chia rẽ, chống phá cách mạng, buộc bọn chúng phải thừa nhận quan hệ tốt giữa chính quyền địa phương với quân Tưởng và bà con Hoa Kiều. Bị quân dân ta (ở thị xã) chặn đánh quyết liệt, làm thất bại hành động cướp phá của chúng, buộc chúng không thực hiện được mưu đồ đen tối. Cuối tháng 6/1946, quân Tưởng và bọn cầm đầu phục Quốc rút khỏi Lạng Sơn. Số còn lại tan rã và đầu hàng cách mạng.
Đèo Bông Lau (Tràng Định) – Ảnh: BT |
Theo hiệp ước sơ bộ, ngày 7/7/1946, quân Pháp kéo vào Lạng Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, đồng chí Trần Minh Tước cùng chính quyền tỉnh chủ động tiếp xúc với sỹ quan Pháp và đề ra biện pháp đấu tranh chính trị và đối ngoại khôn khéo, tế nhị, tại các cuộc chiêu đãi và mít tinh, được nghe Chủ tịch Trần Minh Tước nói tiếng Pháp, thể hiện sự hiểu biết nền văn hóa Pháp làm chúng rất khâm phục, gây được cảm tình có tính thuyết phục cao. Chúng ta đã hạn chế hành động phá hoại cách mạng của chúng, đã có thời gian tổ chức, xây dựng lực lượng, củng cố phong trào cách mạng ở Lạng Sơn là một trong những căn cứ kháng chiến của cả nước chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu mới chống thực dân Pháp – theo Chỉ thị của Bác Hồ kính yêu.
Trước đây, Đảng bộ, Chính quyền, quân dân Tỉnh Lạng Sơn đã đoàn kết, kiên cường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đó đã và đang vượt mọi khó khăn để phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác đối ngoại với một số nước trên thế giới và trong khu vực đạt kết quả tốt đẹp, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân cả nước.
ĐINH ÍCH TOÀN (Nghiên cứu và tổng hợp)
Ý kiến ()