Cuộc đào thải khắc nghiệt
Hiệp định thương mại tự do (FTA) là điểm nhấn quan trọng của Việt Nam trong năm nay, trong bối cảnh các hiệp định lớn sẽ kết thúc đàm phán và đi vào cụ thể hóa. Khi tham gia môi trường trung tính, doanh nghiệp (DN) được kỳ vọng sẽ mạnh thật sự, có sức đề kháng cao, đủ khả năng thay đổi linh hoạt trước những biến động của nền kinh tế. Lợi thế lớn nhất là cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một thành tố trong chuỗi cung ứng, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Các FTA mới còn là động lực quan trọng giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) mới đây là một thí dụ. Sau khi VKFTA được ký, Hàn Quốc sẽ cắt giảm thuế đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu, hàng công nghiệp,… với 95,4% số dòng thuế được cắt giảm, giúp tăng sức cạnh tranh, khả năng thâm nhập của hàng Việt vào thị trường Hàn Quốc. Ðặc biệt, cam kết miễn thuế mặt hàng tôm của Việt Nam với hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần trong năm năm đạt mức 15 nghìn tấn/năm là một ưu thế lớn. Năm 2014, trong kim ngạch xuất khẩu 66 triệu USD hàng thủy sản sang Hàn Quốc, mặt hàng tôm chiếm hơn một nửa.
Tuy nhiên, các FTA nói chung và VKFTA nói riêng không chỉ là miếng bánh ngọt. Nó tạo ra thay đổi mạnh mẽ đối với nền kinh tế, nhưng kéo theo đó là cuộc đào thải khắc nghiệt quy mô lớn. Việc ký các hiệp định thương mại tự do là một cuộc chơi tuân theo nguyên tắc lợi ích giữa các bên, luôn đòi hỏi công bằng. Vì vậy, ai tận dụng được tối đa lợi thế sẽ thắng cuộc. Trong các FTA, nông nghiệp là lĩnh vực chịu thiệt thòi nhất, do là ngành khó chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chi phí cao, sức cạnh tranh yếu. Con tôm Việt Nam dù có lợi thế lớn, song lại tiềm ẩn những nguy cơ. Các DN thủy sản đã nhận thấy thách thức phía trước, đối tác sẽ tăng tiêu chuẩn và yêu cầu về chất lượng sản phẩm tôm. Ðây là điều tất nhiên và DN buộc phải tập trung vào vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu khách hàng. Hiện nay, dư lượng kháng sinh của sản phẩm tôm khá phức tạp đối với Việt Nam, trong khi các nước khác xử lý khá tốt. Mặt khác, hàng hóa và DN Hàn Quốc ở Việt Nam sau khi VKFTA có hiệu lực sẽ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Hàn Quốc có lợi thế hơn hẳn nước ta về công nghệ, chất lượng hàng hóa cũng như dịch vụ và năng lực quản lý. Thách thức trong xu hướng tự do hóa thương mại thể hiện ở việc, nhiều đối tác đến từ các nước khác nhau cũng tham gia vào thị trường Việt Nam, sẽ làm tăng tính cạnh tranh đa chiều, tạo nên mức độ đào thải cao đối với DN trong nước.
Việc hội nhập là xu hướng tất yếu, tham gia FTA tức là sẵn sàng hội nhập, đương đầu thách thức và cũng là cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Sau sự trợ giúp của Nhà nước, đã đến lúc, DN, người dân phải nỗ lực để tận dụng thành công cơ hội từ hội nhập. Chưa thể cân đong giữa “được” và “mất” lúc này, nhưng có điều chắc chắn, mỗi DN và người dân phải thay đổi để thích ứng “cuộc chơi” mới, nếu không muốn rơi vào vòng xoáy của cuộc đào thải khắc nghiệt.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()