Cuộc đàm phán mới với một "hồ sơ" cũ
Theo kế hoạch, ngày 6 và 7-4 tới, các nhà đàm phán nhóm P5 1 (gồm năm Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Ðức) và I-ran sẽ tiến hành đàm phán cấp cao tại Ca-dắc-xtan. Với một "hồ sơ" cũ về đàm phán hạt nhân của I-ran và phương Tây, cuộc đàm phán sắp tới khó có thể đạt bước đột phá. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ và đồng minh phương Tây luôn tìm mọi biện pháp "kìm chân" I-ran, không để quốc gia Hồi giáo này mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Ðông chiến lược, cuộc đối đầu giữa I-ran và phương Tây vẫn là chủ đề "nóng" và không loại trừ những cú "ra đòn" bất ngờ từ hai phía.
Theo kế hoạch, ngày 6 và 7-4 tới, các nhà đàm phán nhóm P5 1 (gồm năm Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Ðức) và I-ran sẽ tiến hành đàm phán cấp cao tại Ca-dắc-xtan. Với một “hồ sơ” cũ về đàm phán hạt nhân của I-ran và phương Tây, cuộc đàm phán sắp tới khó có thể đạt bước đột phá. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ và đồng minh phương Tây luôn tìm mọi biện pháp “kìm chân” I-ran, không để quốc gia Hồi giáo này mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Ðông chiến lược, cuộc đối đầu giữa I-ran và phương Tây vẫn là chủ đề “nóng” và không loại trừ những cú “ra đòn” bất ngờ từ hai phía.
Cuộc đàm phán tới giữa I-ran và P5 1 về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran diễn ra theo thỏa thuận tại vòng đàm phán hồi tháng 2 ở Ca-dắc-xtan. Tại vòng đàm phán đó, đề nghị của P5 1 về việc I-ran ngừng làm giàu u-ra-ni 20% và dỡ bỏ các thiết bị hiện đại làm giàu u-ra-ni tại cơ sở hạt nhân Na-tan để đổi lấy những nhượng bộ về cấm vận của LHQ và phương Tây đã bị Tê-hê-ran bác bỏ. Quốc gia Hồi giáo này luôn bảo vệ quyền phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Chưa diễn ra, song cuộc đàm phán lần này được dự báo sẽ bị phủ bóng đen bởi cuộc tổng tuyển cử diễn ra tháng 6 tới tại I-ran và cuộc xung đột đẫm máu kéo dài tại Xy-ri. Bị chi phối bởi cuộc tổng tuyển cử, giới chức I-ran sẽ không đặt nhiều mục tiêu cho vòng đàm phán hạt nhân lần này. Chưa hết, phương Tây đang đau đầu tính toán một “kịch bản” cho Xy-ri, làm thế nào để “chặt đứt cánh tay” này của Tê-hê-ran, trong khi I-ran cũng phải cân nhắc không kém khi lâu nay duy trì quan hệ quân sự chặt chẽ với chính quyền của Tổng thống B.Át-xát. Trong khi đó, I-xra-en, quốc gia thù địch của I-ran, luôn coi chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran là mối đe dọa an ninh. Ten A-víp đưa ra “giới hạn đỏ” cho I-ran, đồng thời cáo buộc, các nỗ lực đàm phán của cộng đồng quốc tế nhằm yêu cầu I-ran thu hẹp chương trình hạt nhân đã phản tác dụng khi thực chất các biện pháp ngoại giao này chỉ giúp quốc gia Hồi giáo “câu giờ” và có thêm thời gian chế tạo bom hạt nhân. Hiện, vẫn còn nhiều khác biệt giữa các bên liên quan về mục tiêu đàm phán. Mặc dù tuyên bố ưu tiên giải pháp ngoại giao và hòa bình nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran, song, Mỹ, đồng minh chiến lược của I-xra-en, vẫn cảnh báo thời gian cho Tê-hê-ran không phải vô hạn và cũng không loại trừ hành động quân sự đối với quốc gia Hồi giáo này.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa I-ran và các cường quốc phương Tây thường rơi vào bế tắc bởi hai bên không chịu nhượng bộ. Ba vòng đàm phán trong năm 2012 đã không đạt được bước tiến nào. Các cường quốc lấy việc xóa bỏ một phần cấm vận làm “mồi nhử” để yêu cầu I-ran ngừng làm giàu u-ra-ni, song Tê-hê-ran luôn tỏ ra bất cần. Việc phương Tây đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt ngành dầu mỏ I-ran đã bị Tê-hê-ran và các đối tác “lách luật” một cách ngoạn mục và “qua mặt”, bởi thực tế nhu cầu bức thiết về nguồn năng lượng này. Mỹ yêu cầu các cường quốc đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Ðộ ngừng mua dầu mỏ của I-ran, song bị từ chối.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, I-ran đã vận dụng cả sức mạnh cứng và mềm đối phó với phương Tây. Một mặt, Tê-hê-ran đồng ý đàm phán có điều kiện với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), P5 1, mặt khác lại không ngừng công bố các thành tựu về công nghệ hạt nhân, quân sự. Ðể ngăn chặn một cuộc tiến công phủ đầu từ I-xra-en cũng như răn đe các cường quốc khác trong khu vực, I-ran tăng chi phí quân sự, nghiên cứu sản xuất và cho ra đời nhiều tên lửa, tàu chiến, máy bay, pháo tầm xa, liên tục tiến hành các cuộc tập trận ở vùng vịnh Péc-xích…
Phương Tây luôn muốn kiểm soát nguồn dầu mỏ, thị trường và tuyến đường giao thông chiến lược ở vùng Vịnh. Ðể đạt được các mục tiêu này, họ phải tìm cách giảm ảnh hưởng của I-ran, nước có vai trò quan trọng trong khu vực. Cuộc đọ sức chiến lược giữa I-ran và phương Tây luôn là tâm điểm chú ý và không ít lần làm vùng Vịnh “dậy sóng”. Trong cuộc đọ sức đó, chương trình hạt nhân của I-ran trở thành “điểm nóng”, tác động quan hệ giữa các cường quốc cũng như được coi là vấn đề được các bên sử dụng làm “con bài” để mặc cả. Chính vì vậy, cuộc đàm phán sắp tới giữa các cường quốc và I-ran được đánh giá khó có bước đột phá, song cũng không loại trừ những bất ngờ.
Nhandan
Ý kiến ()