Hôm nay (14-4), tại I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ), I-ran và nhóm P5 1 khởi động lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Tuy nhiên, những bất đồng sâu sắc giữa hai bên, cùng việc Mỹ và I-xra-en liên tục "úp mở" về một cuộc chiến chống I-ran, cũng như thái độ cứng rắn của I-ran báo trước một cuộc đàm phán đầy cam go.Cuộc "đối đầu" giữa I-ran và các cường quốc phương Tây luôn diễn ra nóng bỏng. Ngay trước khi nối lại cuộc đàm phán vốn bế tắc kéo dài giữa I-ran và nhóm P5 1 (gồm năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc cùng với Đức), các bên đã phải trải qua các cuộc thương lượng gay gắt mới có thể nhất trí về thời gian và địa điểm đàm phán. I-ran trước đó phản đối tiến hành đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ, vì nước này hùa theo Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Tê-hê-ran. Mặc dù thỏa thuận đàm phán, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn vẫn cảnh báo I-ran, thời gian cho các...
Hôm nay (14-4), tại I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ), I-ran và nhóm P5 1 khởi động lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Tuy nhiên, những bất đồng sâu sắc giữa hai bên, cùng việc Mỹ và I-xra-en liên tục “úp mở” về một cuộc chiến chống I-ran, cũng như thái độ cứng rắn của I-ran báo trước một cuộc đàm phán đầy cam go.
Cuộc “đối đầu” giữa I-ran và các cường quốc phương Tây luôn diễn ra nóng bỏng. Ngay trước khi nối lại cuộc đàm phán vốn bế tắc kéo dài giữa I-ran và nhóm P5 1 (gồm năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc cùng với Đức), các bên đã phải trải qua các cuộc thương lượng gay gắt mới có thể nhất trí về thời gian và địa điểm đàm phán. I-ran trước đó phản đối tiến hành đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ, vì nước này hùa theo Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Tê-hê-ran. Mặc dù thỏa thuận đàm phán, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn vẫn cảnh báo I-ran, thời gian cho các giải pháp ngoại giao “có hạn” và Mỹ vẫn để ngỏ mọi phương án nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Mỹ đe dọa I-ran tiếp tục đối mặt sự cô lập và sức ép mạnh mẽ chừng nào Tê-hê-ran chưa thể hiện mục đích hòa bình trong chương trình hạt nhân của mình. Thư ký Nhà trắng G.Các-ni tuyên bố, cánh cửa đàm phán với I-ran “đang dần đóng lại” và quốc gia Hồi giáo này cần có những hành động nghiêm túc đối với vòng đàm phán lần này.
Vừa gây sức ép kinh tế, Mỹ vừa có động thái “răn đe” I-ran. Lầu năm góc mới đây thông báo kế hoạch điều thêm tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Enterprise tới vùng Vịnh, cùng với tàu sân bay USS Abraham Lincoln hiện có mặt tại vùng biển này. Chính quyền Mỹ và I-xra-en phát đi nhiều “tối hậu thư” yêu cầu I-ran chấm dứt các hoạt động quan trọng trong chương trình hạt nhân, nếu không sẽ đối mặt các biện pháp cấm vận kinh tế và nguy cơ chiến tranh.
Cùng với các động thái ám chỉ khả năng “đánh đòn tiến công phủ đầu I-ran”, I-xra-en – quốc gia lâu nay luôn cáo buộc tham vọng hạt nhân của Tê-hê-ran đe dọa sự tồn vong của Nhà nước Do thái – cho rằng các biện pháp trừng phạt quốc tế đang làm tổn thương nền kinh tế I-ran, nhưng vẫn “chưa đủ” để buộc Tê-hê-ran từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Thể hiện thái độ không khuất phục trước sức ép của phương Tây, Tổng thống I-ran M.A-ma-đi-nê-giát khẳng định, Tê-hê-ran sẽ không chấp nhận bất cứ điều kiện tiên quyết nào và không lùi bước trong các quyền hợp pháp về phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình. I-ran sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ các cuộc tiến công. Theo chỉ huy cao cấp Lực lượng Vệ binh cách mạng I-ran M.Gia-da-y-e-ri, trong trường hợp bị tiến công, I-ran sẽ không chỉ hành động ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, không nơi nào trên đất Mỹ được an toàn. Ngay trước thềm đàm phán, I-ran còn tung “quân bài dầu mỏ” khi thông báo ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang các nước EU, đồng thời yêu cầu phương Tây chấm dứt mọi hình thức đe dọa Tê-hê-ran. Đại diện I-ran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) A.Xôn-ta-ni cảnh báo, Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sẽ “sụp đổ” trước bất kỳ cuộc tiến công nào của I-xra-en nhằm vào các cơ sở hạt nhân của I-ran, quốc gia tham gia hiệp ước này.
Cáo buộc I-ran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân thông qua phát triển công nghệ và hoạt động làm giàu u-ra-ni, LHQ đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt Tê-hê-ran. Mỹ, EU liên tiếp đơn phương cấm vận các ngân hàng, thể chế tài chính và ngành dầu mỏ I-ran. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, xuất khẩu dầu mỏ của I-ran sẽ giảm khoảng 800 nghìn thùng/ngày, còn một triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2012, khi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn của phương Tây có hiệu lực. Mỹ và EU tin rằng, các biện pháp cấm vận bắt đầu “phát huy tác dụng”, gây ảnh hưởng nguồn thu của I-ran, khiến giá đồng nội tệ nước này giảm và chi phí nhập khẩu tăng.
Tuy nhiên, là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), I-ran tuyên bố nền kinh tế nước này có thể trụ vững cho dù không tiêu thụ được dầu mỏ trong hai hoặc ba năm. Bất chấp các lệnh trừng phạt và nỗ lực cô lập I-ran của Mỹ và phương Tây, trao đổi thương mại của I-ran với các khách hàng lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga vẫn không bị ảnh hưởng nhiều, do các nước này đã tìm phương thức thanh toán thay thế bằng vàng, đồng nội tệ hoặc đổi dầu lấy hàng hóa, lương thực.
Việc I-ran đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán với phương Tây về chương trình hạt nhân có thể làm nguội đôi chút những đồn đoán về khả năng Mỹ và I-xra-en sẽ tiến công Tê-hê-ran. Tuy nhiên, những bất đồng sâu sắc giữa các bên, cùng với những động thái của phương Tây o ép I-ran báo trước một cuộc đàm phán đầy khó khăn. Cuộc đối đầu giữa I-ran và phương Tây vì thế có thể còn dai dẳng và “thùng thuốc súng” ở khu vực Trung Đông vẫn có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào.
Theo Nhandan
Ý kiến ()