Cuộc "đại phẫu" ngành đường sắt Việt Nam
Tái cơ cấu là con đường tất yếu của ngành Ðường sắt Việt Nam (ÐSVN), được xem là một cuộc cách mạng, cải cách ngành đường sắt với rất nhiều kỳ vọng. Song bước đổi mới, hội nhập của ÐSVN đang vướng rất nhiều chông gai.
Tái cơ cấu là con đường tất yếu của ngành Ðường sắt Việt Nam (ÐSVN), được xem là một cuộc cách mạng, cải cách ngành đường sắt với rất nhiều kỳ vọng. Song bước đổi mới, hội nhập của ÐSVN đang vướng rất nhiều chông gai.
Tái cơ cấu thế nào?
Trong những năm gần đây, ÐSVN đã lập nhiều dự án, kêu gọi vốn đầu tư cho tuyến đường sắt bắc – nam nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, các dự án chủ yếu chỉ mang tính duy trì, bảo đảm an toàn chạy tàu, tăng cường năng lực thông qua mà chưa có đầu tư xây dựng mới. Bên cạnh đó, một số tuyến khác như Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Quán Triều,… tình trạng cũng không được cải thiện là bao. Tái cơ cấu thế nào và hiệu quả ra sao là vấn đề vô cùng nan giải.
Tái cơ cấu mang tính vĩ mô nhưng tư duy và hành động cần được bắt đầu từ những việc làm cụ thể. Tại cuộc họp với lãnh đạo Tổng công ty ÐSVN, Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng đã bác đề xuất trang bị nhà vệ sinh tự hoại đắt tiền trên tàu tuyến bắc – nam của ÐSVN. Chỉ một vấn đề đó, đã cho thấy trong quá trình tái cơ cấu, ngành cần xác định thật rõ ràng việc nào làm trước, việc nào làm sau, những việc chưa phù hợp thực tiễn, cần nghiên cứu xem xét, điều chỉnh sao cho bảo đảm hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong bối cảnh năng lực còn hạn hẹp, cần tránh tình trạng cứ đề xuất tràn lan, nhưng lại không thể thực hiện được vì phi thực tế. Ban chỉ đạo tái cơ cấu phải rà soát lại Luật Ðường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện để ÐSVN triển khai thuận lợi. Cán bộ, công nhân viên ngành ÐSVN đoàn kết, tận tâm với nghề nhưng chỉ như thế chưa đủ. Ðể tái cơ cấu, phát triển bền vững, ÐSVN phải nhận rõ điểm yếu, thiếu hụt để khắc phục, gắn kết với việc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt trong tương lai. Ðổi mới chính là để phát triển, vì quyền lợi của người lao động, vì mục tiêu phát triển bền vững của ÐSVN.
Ðể đáp ứng yêu cầu là xương sống của ngành vận tải, kết nối với các phương thức vận tải khác, giảm tải cho vận tải đường bộ, công việc trước mắt của ÐSVN vẫn còn rất ngổn ngang. Chủ tịch Hội đồng thành viên ÐSVN Trần Ngọc Thành cho biết: ÐSVN đang thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình
Ðề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 – 2015. Công ty TNHH một thành viên In Ðường sắt và Công ty TNHH một thành viên In Ðường sắt Sài Gòn đã được phê duyệt lộ trình cổ phần hóa và đang thực hiện các bước tiếp theo, phấn đấu sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7-2014. “Hiện ÐSVN đang tổ chức sắp xếp và phân công lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các chức danh, các cấp quản lý và từng bộ phận. Hoạt động này trước hết được thực hiện nghiêm túc, khoa học tại khối cơ quan công ty mẹ. Bộ máy giúp việc Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả” – ông Trần Ngọc Thành khẳng định.
Là đơn vị có hoạt động tỏ ra khá hiệu quả của ngành ÐSVN, nhưng Công ty TNHH một thành viên Vận tải hàng hóa đường sắt vẫn đang loay hoay chưa biết công ty sẽ như thế nào sau khi tiến hành cổ phần hóa. Theo một lãnh đạo của công ty, chắc chắn “sẽ có sự thay đổi từ bộ máy, nhân sự, vị trí đến phương thức hoạt động”. Lãnh đạo cấp trên yêu cầu cấp dưới đẩy nhanh tiến trình, trong khi đơn vị thành viên còn cả núi việc phải làm. Nói đến cái mới, phải kể đến nhiệm vụ nặng nề của ÐSVN là thực hiện Ðề án “Vận chuyển công-ten-nơ bằng đường sắt để giảm tải cho đường bộ”. Trưởng ban Kinh doanh vận tải Nguyễn Hữu Tuyên chia sẻ: Ngành nhận nhiệm vụ, tích cực triển khai, song chẳng biết cách nào để thuyết phục các chủ hàng vận chuyển công-ten-nơ bằng đường sắt. Cước vận chuyển công-ten-nơ bằng đường sắt đắt hơn nhiều so với đường bộ; bến bãi, địa điểm giao nhận cũng không thuận lợi; thiếu toa xe chuyên dụng và hệ thống cảng cạn,… Ðó là những khó khăn, rào cản mà để tháo gỡ được không phải chuyện một sớm, một chiều.
Cuộc “đại phẫu” gian truân
Có thể nói, ÐSVN đang trải qua một cuộc “đại phẫu” đầy gian truân. “Mổ xẻ” mới thấy hết những thách thức. Sau chiến tranh, tuyến đường sắt bắc – nam được khôi phục và sửa chữa để duy trì hoạt động, tuy nhiên trên tuyến vẫn còn nhiều cầu yếu chưa được cải tạo. Toàn tuyến có 1.452 cầu với tổng chiều dài hơn 36 km. Các dự án khôi phục, cải tạo, nâng cấp và làm mới cầu đến nay đã hoàn thành 755 cầu, vẫn còn lại gần 700 cầu chưa được đầu tư nâng cấp. Ðây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm hạn chế tốc độ chạy tàu. Thêm vào đó, hệ thống nhà ga phân bố không đồng đều cũng làm hạn chế năng lực thông qua. Hơn 1.000 đường ngang và gần 3.000 đường dân sinh tự mở trên tuyến ảnh hưởng rất lớn đến an toàn chạy tàu, tiềm ẩn nhiều tai nạn nguy hiểm,… Hơn nữa, khổ đường sắt hiện tại vẫn là 1 m, ngành đang xây dựng dự án cải tạo thành khổ 1,435 m, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong một thời gian dài, việc đầu tư cho ngành đường sắt không tương xứng, cho nên năng lực vận tải hạn hẹp, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn, dù có muốn cũng không thể làm tốt hơn được.
Tại buổi họp báo Quý III của Bộ GTVT mới đây, trả lời câu hỏi về giải pháp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, lãnh đạo ÐSVN phân trần: “Chúng tôi chỉ đáp ứng được trong điều kiện cơ sở vật chất hiện có. Muốn tăng chuyến hay nối toa đều phải tính toán kỹ bởi ngoài lý do kỹ thuật, hành trình còn có yếu tố hết sức quan trọng là an toàn. ÐSVN luôn cố gắng hết sức, song khả năng chỉ có hạn”.
Khó khăn không chỉ ở những tuyến đường sắt cũ mà còn đang hiện hữu tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Ðông, dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Theo đúng tiến độ, tuyến đường sắt trên cao này sẽ được hoàn thành cuối năm 2014, sang đầu năm 2015 sẽ cho chạy thử, nhưng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng chậm nên thời gian đưa vào sử dụng tiếp tục bị đẩy lùi. Hơn nữa, đoạn qua Hoàng Cầu “vướng” cột điện cao thế nên cột trụ bê-tông làm đến đó đành phải dừng lại. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Ðông đã chỉ đạo các đơn vị thi công hợp tác, đàm phán với ngành điện lực để tìm hướng giải quyết nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn “án binh bất động”.
Có lẽ ÐSVN luôn gặp khó ngay cả khi các dự án được khảo sát, thiết kế, tính toán một cách kỹ lưỡng bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tại hội thảo về định hướng phát triển đường sắt trục bắc – nam tổ chức tháng 9 vừa qua, ngay sau khi ÐSVN đưa ra bốn phương án nâng cấp, cải tạo tuyến, đã vấp phải nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học. Cũng dễ hiểu, bởi mỗi ý kiến xuất phát từ một góc nhìn, quan điểm, nhận định khác nhau, và đó cũng là điều mong mỏi vào điều gì đó mới mẻ từ ÐSVN đã được ấp ủ từ rất lâu, trong mỗi con người.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()