Cuộc chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô 80 năm trước bắt đầu như thế nào?
80 năm trước, ngày 22-6-1941, phần lớn người dân Xô viết đều tin rằng, Hồng quân Liên Xô sẽ đánh bại phát xít chỉ trong vài tháng. Tuy nhiên, 1.418 ngày sau họ mới giành chiến thắng cuối cùng.
Tổng tham mưu trưởng Lục quân Đức Quốc xã Franz Halder đã viết trong nhật ký về cuộc tấn công của quân Đức vào Liên Xô sáng sớm ngày 22-6-1941: “Có lẽ, cuộc tấn công của quân đội chúng ta là sự bất ngờ về chiến thuật với đối phương trên toàn mặt trận. Những cây cầu ở biên giới bắc qua sông Bug và những con sông khác khắp mọi nơi đều bị quân chúng ta đánh chiếm mà không cần giao tranh và vẫn giữ được nguyên vẹn. Sự bất ngờ tuyệt đối của cuộc tấn công đã được chứng minh bằng việc các doanh trại đã bị đánh chiếm bất thình lình, khi máy bay đang đỗ trên phi trường và vẫn còn phủ bạt…”.
Các máy bay Đức trong cuộc ném bom xuống Liên Xô. Ảnh: Bundesarchiv |
Mặc dù vấp phải sự kháng cự quyết liệt của lực lượng biên phòng Liên Xô và những đòn đáp trả của Hồng quân, nhưng quân Đức với sự hỗ trợ của các đồng minh người Romania, đã nhanh chóng thọc sâu vào lãnh thổ Liên bang Xô viết. Quân địch thực hiện đòn tấn công đầu tiên nhằm vào pháo đài Brest nằm trên biên giới. Bà Anastasia Nikitina Arshinova nhớ lại: “Tiếng gầm rú khủng khiếp đã đánh thức tôi và các con từ sáng sớm. Những quả đạn pháo và bom nổ tung, những mảnh vỡ bay tung tóe. Túm lấy bọn trẻ, tôi chạy bằng chân đất ra đường. Chúng tôi dường như chỉ kịp lấy và mang theo quần áo. Đường phố bao trùm không khí kinh hoàng. Phía trên pháo đài máy bay quần thảo và ném bom xuống chúng tôi. Xung quanh phụ nữ và trẻ em hoảng hốt chạy tán loạn. Nằm trước mặt tôi là vợ của một trung úy và con trai cô ấy, cả hai bị bom ném tử vong”.
Khi chiến tranh nổ ra tại pháo đài Brest, ông Pyotr Kotelnikov mới 12 tuổi và đang được giáo dưỡng tại đoàn nhạc thuộc Trung đoàn bộ binh số 44. Sau này ông nhớ lại: “Cuộc tấn công mạnh làm chúng tôi thức giấc vào buổi sáng. Mái nhà bị phá thủng. Tôi bị làm cho choáng váng. Tôi nhìn thấy những người bị thương và tử vong, rồi nhận ra rằng, đây không phải là cuộc tập trận, mà là chiến tranh. Đa phần binh sĩ trong doanh trại chúng tôi hy sinh ngay trong những giây phút đầu tiên. Tôi theo người lớn lao tới lấy vũ khí, nhưng người ta không đưa cho tôi. Khi đó, tôi cùng một chiến sĩ Hồng quân xông vào dập tắt đám cháy ở kho chứa đồ. Sau đó cùng với các chiến sĩ chuyển xuống tầng hầm của doanh trại của Trung đoàn bộ binh số 333 ngay bên cạnh… Chúng tôi giúp đỡ người bị thương, mang đạn dược, đồ ăn và nước uống cho họ. Ban đêm chúng tôi đi qua cánh tây để ra sông lấy nước, sau đó quay trở lại”.
Không quân Đức đã tấn công tập trung xuống hàng chục sân bay của Liên Xô, nơi đặt căn cứ của lực lượng không quân thuộc các quân khu phía Tây. Trong ngày đầu, kẻ địch đã phá hủy lên đến 1.200 máy bay Liên Xô, trong đó có 90 chiếc thậm chí còn chưa kịp cất cánh. “Ngực tôi trở nên lạnh toát. Trước mặt tôi là bốn chiếc máy bay ném bom loại hai động cơ với hình chữ thập màu đen trên cánh. Tôi cắn chặt môi mình. Đấy là những chiếc dòng Junkers, máy bay ném bom của Đức Ju-88! Phải làm gì đây?… Bỗng trong tôi xuất hiện thêm suy nghĩ rằng, hôm nay là Chủ nhật, mà thường Chủ nhật thì quân Đức không bay diễn tập. Không lẽ chiến tranh? Vâng, chiến tranh!”, Phó chỉ huy Trung đoàn không quân tiêm kích số 46 Joseph Geibo nhớ lại.
Quân Đức trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Liên Xô. Ảnh: Bundesarchiv |
Chiến sĩ xe tăng Ivan Khokhlov, người có 4 năm phục vụ tại thành phố Kaunas (Litva), kể lại: “Chiến tranh bắt đầu như thế nào, tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi chưa bao giờ trải qua nỗi khiếp sợ và hoảng loạn như trong ngày đầu, nói đúng hơn là trong những giờ đầu chiến tranh. Trên thực tế, vào lúc 4 giờ sáng, máy bay Đức bắt đầu dội bom chúng tôi. Chúng tôi đang ngủ, chỉ có những người lính gác làm nhiệm vụ. Tất cả chạy xổ ra, gào thét, rồi chẳng nhìn thấy gì. Máy bay cứ ném bom, xung quanh có mùi khét, một thứ gì đó đang cháy…”.
Hoàn toàn không phải tất cả người Đức đều tin vào thành công của chiến dịch quân sự chống lại Liên Xô. Họ lập tức nhận ra rằng, cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô đối với họ sẽ không phải là một cuộc dạo chơi dễ dàng. Trong báo cáo của Tham mưu trưởng quân đoàn số 4 ngay khi bắt đầu chiến dịch, tướng Günter Blumentritt đã nói: “Thái độ của người Nga ngay trong trận đầu tiên đã cho thấy sự khác biệt kỳ lạ so với thái độ của người Ba Lan và các đồng minh của họ bị thất bại trên mặt trận phía Tây. Ngay cả khi bị bao vây, người Nga vẫn cương quyết phòng thủ”.
Trưa ngày 22-6, trên sóng đài phát thanh vang lên lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov, thông báo về việc Đức tấn công Liên Xô và tuyên bố bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống lại kẻ xâm lược. Nhiều người cứ băn khoăn, tại sao lời tuyên bố này không phải do người đứng đầu nhà nước đọc. Về sau, nguyên soái Georgy Zhukov trong hồi ký của mình có nhắc đến những việc này: “Joseph Stalin là người có chí khí… Chỉ duy nhất một lần tôi nhìn thấy ông ấy luống cuống. Đó là lúc bình minh ngày 22-6-1941, khi phát xít Đức tấn công đất nước chúng ta. Thực sự trong ngày đầu, ông ấy không thể kiểm soát được mình để chỉ đạo quyết liệt các sự vụ. Cuộc tấn công đó đã làm cho Stalin bị sốc đến nỗi, giọng nói của ông ấy bị suy giảm, còn các mệnh lệnh tổ chức chiến đấu vũ trang của ông không phải lúc nào cũng có thể theo sát diễn biến tình hình”.
Người dân Liên Xô nghe tuyên bố bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại qua đài phát thanh. Ảnh: Evgeny Khaldei/МАММ/MDF/russiainphoto.ru |
Trong khi đó, nhiều người dân Liên Xô (đặc biệt là những người ở cách xa vùng chiến sự) không tỏ ra quá lo lắng với việc nổ ra chiến tranh. Ông Vitaly Chernyaev, người dân tỉnh Kalinin (nay là tỉnh Tver), tròn 11 tuổi khi bắt đầu nổ ra cuộc chiến. Ông nhớ lại: “Nhà chúng tôi ở cách xa nông thôn một chút, nên gần đến chiều hôm đó tôi mới biết về chiến tranh bắt đầu… Ban đầu nói chung là việc này không làm tôi hoảng loạn. Thậm chí, sang đến ngày thứ hai tôi còn rất vui vẻ! Tất cả chúng tôi khi đó được dạy về những bài hát và bộ phim yêu nước. Hitler ư!… Người Đức còn không uống được nước sông Volga! Chúng tôi sẽ chiến thắng tất cả bọn chúng! Đó là những suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi”.
Ông Anatoly Vokrosh, khi đó sống ở ngoại ô Moskva, kể lại: “Chúng tôi lao nhanh trong những lùm cây và hét lên: Chiến tranh bắt đầu rồi! Chúng ta sẽ chiến thắng tất cả! Chúng tôi hoàn toàn không hiểu tất cả những điều này có nghĩa gì. Người lớn bàn luận tin tức, nhưng tôi không nhớ trong làng xảy ra hoảng loạn hay khiếp sợ gì không. Người dân trong làng vẫn làm những công việc quen thuộc hàng ngày…”. Tuy nhiên, trong cơn ác mộng cũng chẳng ai khi đó có thể tưởng tượng được rằng, cuộc chiến tranh chống Đức Quốc xã sẽ kéo dài đến tận 1.418 ngày và cướp đi sinh mạng của hơn 27 triệu người dân Liên Xô.
Ý kiến ()