Cuộc chiến thị phần hàng may mặc
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm may mặc tại siêu thị Big C Hà Đông (Hà Nội).
Thị trường tiếp tục nóng
Sự kiện Uniqlo – thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản vừa chính thức công bố mở cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào cuối năm nay như một lời khẳng định về sức hút của thị trường tiêu dùng hàng dệt may trong nước. Với quy mô ba tầng, tổng diện tích hơn 3.000m2, toàn bộ dòng sản phẩm Life Wear trên thế giới, dành cho mọi đối tượng sẽ được Uniqlo trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam cũng như khách quốc tế khi đến TP Hồ Chí Minh. Theo đại diện của Uniqlo, với chất lượng tốt, chức năng ưu việt, giá cả hợp lý và luôn được cải tiến là điều kiện tiên quyết để hãng thâm nhập và mở rộng thị phần tại Việt Nam trong thời gian tới. Dự kiến, sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên, Uniqlo tiếp tục khảo sát và mở rộng thêm các cửa hàng trong khu vực và các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu thời trang của người tiêu dùng. Như vậy, Uniqlo sẽ là thương hiệu thời trang quốc tế thứ 11 có mặt tại Việt Nam sau Zara, H&M,…
Theo báo cáo tài chính năm 2018 của Mitra Adiperkasa (MAP – đơn vị vận hành các thương hiệu Zara, Pull&Bear, Stradivarius và Massimo Dutti) cho thấy, hãng thu về hơn 1.973 tỷ đồng từ thị trường Việt Nam, gấp hơn 1,7 lần năm 2017 và gần sáu lần năm 2016. Trong đó, Zara đóng góp gần 90% doanh thu. Việt Nam cũng là thị trường đứng thứ hai về doanh thu của DN này sau In-đô-nê-xi-a. Sau ba năm có mặt tại Việt Nam, các thương hiệu thu về gần 3.100 tỷ đồng, lợi nhuận gộp trung bình hằng năm khoảng 40%. Đối với H&M Việt Nam, hiện hãng đang sở hữu bảy cửa hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, doanh thu năm 2018 đạt gần 800 tỷ đồng và được cho là có tốc độ mở điểm bán thuộc hàng nhanh nhất của H&M toàn cầu. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang là “miếng bánh béo bở” của nhiều thương hiệu thời trang quốc tế và sẽ tiếp tục chứng kiến sự đầu tư của những “đại gia” ngoại lắm tiền nhiều của vào lĩnh vực này trong tương lai.
Đứng trước sự lấn áp của các hãng thời trang quốc tế trên thị trường nội địa, thời gian qua, các DN trong nước cũng đã đầu tư đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm giành lại thị phần. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã xây dựng và phát triển mô hình Trung tâm thời trang Vinatex, quy tụ các thương hiệu may mặc trong nước. Đây không chỉ là kênh phân phối, giúp các DN tiến gần hơn với người tiêu dùng mà còn là một kênh bán hàng mang lại hiệu quả khả quan. Giám đốc điều hành Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, sau hơn một năm hoạt động, doanh thu năm 2018 của Trung tâm thời trang Vinatex tại 25 Bà Triệu (Hà Nội) đạt hơn 90 tỷ đồng. Tiếp bước thành công, DN sẽ tiếp tục khai trương thêm nhiều trung tâm thời trang Vinatex trải dài trên toàn quốc. Điểm nổi bật ở chỗ, trung tâm chỉ hợp tác với các DN dệt may trong nước, thậm chí, có những thương hiệu chưa từng xuất hiện tại thị trường miền bắc. Các DN có các gian hàng tại trung tâm không phải trả chi phí mặt bằng mà chỉ phải trả phần trăm theo số lượng sản phẩm được bán ra theo ghi nhận trên máy POS của trung tâm. Điều này giúp giảm gánh nặng cho các DN vào mùa thấp điểm hoặc những thương hiệu còn mới, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho DN trên thị trường. Với phương châm bước từng bước “chậm mà chắc”, Trung tâm thời trang Vinatex không chỉ là cầu nối giúp các DN giới thiệu sản phẩm mà còn là một trong những địa chỉ uy tín giúp các DN vừa và nhỏ có chỗ đứng trên thị trường nội địa.
Tập trung vào khách hàng mục tiêu
Mặc dù được xem là một trong những nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng những năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã gặp không ít khó khăn trong việc đẩy mạnh sản xuất, phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng ngay tại “sân nhà”, nhất là trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt đến từ các tập đoàn nước ngoài. Đề cập tới vấn đề này, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định: Sản xuất, kinh doanh trong nước chịu thách thức gấp nhiều lần so với làm hàng xuất khẩu. Nếu sản xuất xuất khẩu không phải lo thiết kế thời trang, không lo sản xuất số lượng bao nhiêu, kiểu mẫu nào, kênh phân phối ở đâu, chi phí tiền thuê mặt bằng, hàng tồn kho, hậu mãi, chăm sóc khách hàng,… thì sản xuất trong nước phải lo hầu hết những khoản này. Trong khi đó, DN dệt may trong nước phần lớn chỉ mạnh về sản xuất và thiết kế, còn nguồn lực tài chính và lao động để xây dựng thương hiệu khá kém. Đồng thời, rủi ro kinh doanh tại thị trường trong nước cũng rất cao, cần lượng vốn cao gấp ba đến bốn lần vốn so với xuất khẩu, nguy cơ tồn kho, thua lỗ nhiều hơn, thậm chí nguy cơ mất mặt bằng kinh doanh tốt do chủ cho thuê thu lại,… Điều đáng nói là trong điều kiện thị trường hội nhập toàn diện, các thương hiệu lớn nước ngoài với sức mạnh hơn hẳn DN Việt Nam sẽ tạo áp lực cạnh tranh không cân sức trên thị trường. Do đó, nếu không có bước đi sáng tạo, riêng biệt, cẩn trọng thì rất khó thành công trên thị trường trong nước.
Giám đốc điều hành Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết thêm, khi thị trường đón nhận nhiều nhà cung cấp mạnh như Zara và H&M sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, gây khó khăn hơn cho những DN dệt may trong nước, nhất là các DN trong cùng phân khúc. Mức giá của Zara và H&M đưa ra từ tầm trung tới cao cấp, hướng tới người tiêu dùng có thu nhập khá, chủ yếu là giới trẻ từ 18 đến 35 tuổi ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,… Do đó, các DN phải có chiến lược tối ưu để cạnh tranh với nhóm công ty nước ngoài này. Mặt khác, coi xu hướng này là một động lực để các DN phải chuyển mình, tìm tòi sáng tạo và vận hành DN hiệu quả hơn để “sống sót” trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Mặt khác, hiện nay, hàng tiểu ngạch tại các vùng biên giới cũng chiếm một phần không nhỏ trong tiêu dùng người dân. Với ưu điểm giá rẻ, đa dạng về mầu sắc, mẫu mã, hàng tiểu ngạch được số đông chấp nhận. Do đó, cho dù hàng dệt may trong nước tốt, an toàn hơn, nhưng do chi phí sản xuất cao, dẫn đến khó cạnh tranh về giá so với hàng tiểu ngạch. Mặt khác, các DN còn mang tâm lý ngần ngại, trì hoãn, chưa thật sự mạnh dạn đầu tư vào thị trường trong nước vì khả năng hồi vốn chậm, thậm chí phải chấp nhận thua lỗ trong thời gian đầu, cho nên sức ảnh hưởng của thương hiệu Việt còn khiêm tốn. Tuy nhiên, các DN có thể làm theo cách riêng của mình, theo hướng tập trung vào nhóm các khách hàng mục tiêu và cố gắng làm thật tốt ở phân khúc thị trường ngách, từ đó có thiết kế, lựa chọn chất liệu, định hình giá bán, tổ chức phân phối, hậu mãi,… Ngoài ra, phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao tay nghề lao động, cắt giảm đến mức thấp nhất chi phí, đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()