Cuộc chiến ngân sách Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa chấm dứt “trò hề” và nhanh chóng thông qua dự luật ngân sách.
Hơn 5 ngày kể từ khi Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa do không có ngân sách hoạt động, cuộc tranh cãi giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về chính sách chăm sóc y tế (Obamacare) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa chấm dứt cái mà ông gọi là “trò hề” đang diễn ra hiện nay và nhanh chóng thông qua dự luật ngân sách.
Tổng thống Obama (trái ) và Chủ tịch Hạ viện Boehner (Ảnh: News one) |
Trong một động thái cho thấy sự thỏa hiệp hiến hoi giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số ngày 5/10 đã nhất trí thông qua dự luật trả lương cho 800.000 viên chức liên bang phải nghỉ việc do chính phủ liên bang phải đóng cửa.
Dự luật sẽ được chuyển đến Thượng viện, do đảng Dân chủ chiếm đa số để thông qua. Nhà Trắng đã bày tỏ ủng hộ dự luật này và cho biết Tổng thống Obama sẽ ký phê chuẩn. Tuy nhiên, thời điểm dự luật có hiệu lực lại phụ thuộc vào thời gian chính phủ liên bang khôi phục hoạt động.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho phép gần như toàn bộ 400.000 nhân viên của Bộ này đang nghỉ việc do chính phủ đóng cửa đi làm trở lại, bắt đầu từ tuần sau. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, quyết định đưa ra theo Luật Trả lương cho quân đội.
Tuy vậy, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên đạt được thỏa thuận về ngân sách liên bang. Cho đến nay, ông chủ Nhà Trắng vẫn giữ vững lập trường kiên quyết: không đàm phán về luật chăm sóc y tế (Obamacare) hoặc bất cứ điều gì khác cho đến khi Đảng Cộng hòa tái mở cửa chính phủ và chấp thuận nâng mức trần nợ công.
Trong phát biểu hàng tuần trên Đài phát thanh và truyền hình, Tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi Hạ viện chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ bằng việc thông qua vô điều kiện một ngân sách liên bang.
Ông Obama cũng cảnh báo sẽ “không trả tiền chuộc” để mở cửa lại chính phủ hay tăng mức trần nợ công: “Tôi sẽ làm việc với bất kỳ ai về cách thức để kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Song tôi sẽ không làm việc dưới bất kỳ sức ép nào. Hãy bỏ phiếu và chấm dứt tình trạng đóng cửa hiện nay. Người dân Mỹ và hàng triệu người khác đang chờ đợi Quốc hội đưa ra quyết định đúng dắn. Và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo điều này”.
Tổng thống Obama và các nghị sĩ đảng Dân chủ, chiếm đa số tại Thượng viện đã đề nghị đàm phán chính thức về ngân sách dài hạn song yêu cầu Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số thông qua một dự luật tài chính 6 tuần để mở cửa trở lại toàn bộ các cơ quan liên bang.
Tuy nhiên, tới nay các nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn từ chối thông qua ngân sách hoạt động chính phủ nếu không hoãn hay giảm chi tiêu cho Luật chăm sóc y tế. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa thậm chí còn cảnh báo sẽ gắn vấn đề ngân sách với vấn đề nâng mức trần nợ công. Lãnh đạo khối Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor cho rằng nếu thương lượng thì tình trạng bế tắc hiện nay sẽ chấm dứt nhưng Tổng thống có vẻ chưa sẵn lòng ngồi xuống bàn thương lượng.
“Dường như Tổng thống chưa sẵn lòng để ngồi xuống và nói chuyện với chúng tôi về những khác biệt. Các nghị sĩ đảng Dân chủ dường như cũng vậy. Tổng thống tranh cãi với đảng đối lập sẽ chẳng có lợi lộc gì và người cuối cũng chịu thiệt lại là người dân Mỹ?”.
Chính phủ liên bang đã đóng cửa hết ngày thứ 5 liên tiếp song vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu đột phá nào. Dường như khó mà tưởng tượng rằng các chính trị gia Mỹ sẽ để mặc kịch bản tồi tệ nhất xảy ra. Song không gì là không thể, nhất là khi các bên đều tỏ ra bảo thủ, cứng rắn với yêu sách của mình và không chịu nhượng bộ trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, áp lực sẽ ngày càng lớn hơn cho cả Tổng thống Obama lẫn phe Cộng hòa nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa và Mỹ đang tiến gần hơn tới kịch bản tồi tệ nhất.
Dự kiến vào ngày 17/10 tới, nợ công của Mỹ, hiện là 16.700 tỷ USD sẽ chạm trần và Quốc hội sẽ phải thông qua dự luật nâng mức trần nợ công để tránh cho đất nước không rơi vào tình cảnh vợ nợ.
Theo CPV
Ý kiến ()