Cuộc chiến mới ở châu Phi
Các chuyên gia tại Zimbabwe giới thiệu nước sát khuẩn. Ảnh QZ.com
Danh sách bệnh nhân mắc Covid-19 tại châu Phi tăng liên tục. Nam Phi, Algeria, Morocco và Ai Cập nằm trong số các quốc gia ghi nhận nhiều ca dương tính nhất. Trong bối cảnh số người chết vì Covid-19 tiếp tục tăng, Liên minh châu Phi (AU) đã phải kích hoạt Trung tâm hoạt động khẩn cấp và hệ thống quản lý sự cố toàn châu lục, nhằm giảm tác động do dịch Covid-19 gây nên. Hầu hết các quốc gia tại “lục địa đen” đã ban bố lệnh cấm tụ tập đông người. Ít nhất 12 thành viên AU thực thi giới nghiêm hoàn toàn, nhiều nước áp dụng giới nghiêm ban đêm.
Khi tình trạng bạo lực và nạn đói vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để khắc phục, châu Phi giờ đây còn phải đương đầu một cuộc chiến mới. Trong báo cáo mới nhất, AU cảnh báo, châu lục phải đối mặt nguy cơ hàng triệu người thất nghiệp, nợ gia tăng và lượng kiều hối giảm. Các nước phụ thuộc chủ yếu du lịch và sản xuất dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. AU phác thảo hai kịch bản. Một là dịch Covid-19 kéo dài đến tháng 7 nhưng châu Phi không bị ảnh hưởng nhiều. Hai là dịch kéo dài đến tháng 8 và châu Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, nền kinh tế châu Phi sẽ suy giảm khoảng 1%, thấp hơn nhiều so mức tăng trưởng 3,4% mà Ngân hàng Phát triển châu Phi dự báo trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Bị ảnh hưởng muộn hơn các khu vực khác, “lục địa đen” vẫn cảm nhận rõ rệt tác động nặng nề từ dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. Theo AU, kim ngạch xuất khẩu của châu Phi đã giảm mạnh. Nền kinh tế các quốc gia sản xuất dầu mỏ, như Nigeria và Angola, dường như bị tê liệt do giá dầu giảm. Trong khi đó, các biện pháp hạn chế đi lại có thể khiến ngành du lịch châu Phi thiệt hại ít nhất 50 tỷ USD. Khi ngân sách cạn kiệt, chính phủ các nước châu Phi không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào nước ngoài, kéo theo nguy cơ nợ chồng nợ.
Trước những dự báo không mấy khả quan về diễn biến dịch bệnh tại châu Phi, Liên hiệp châu Âu (EU) lo ngại dịch Covid-19 có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát ở châu Phi. Trước tình hình đó, giới chức EU nhấn mạnh khối này phải vào cuộc, vừa hỗ trợ châu Phi, vừa giúp chính mình. Năm 2020 được EU đánh giá là “năm bản lề” trong quan hệ giữa EU và châu Phi, do đó hơn lúc nào hết, “lục địa đen” đang cần những trợ giúp, cả về vật chất lẫn tinh thần từ các nước lớn, trong đó có gói viện trợ khẩn cấp từ “lục địa già”. Trong khi đó, từ Trung Quốc, Quỹ từ thiện Mã Vân và Quỹ từ thiện Alibaba tuyên bố tiếp tục quyên góp cho 54 quốc gia châu Phi máy thở, dụng cụ xét nghiệm và đồ bảo hộ y tế.
Trước khi tung ra các giải pháp dành cho toàn châu Phi, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tích cực hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề trong khu vực. Đầu tháng 4 vừa qua, Algeria thông báo về khoản hỗ trợ không lãi suất trị giá 130 triệu USD từ WB và IMF. WB cũng cung cấp 100 triệu USD cho Ghana để hỗ trợ nước này vượt qua đại dịch. Mới đây, WB cũng phê duyệt khoản tài trợ trị giá 10 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) nhằm tăng cường các nguồn lực cho Gambia đối phó dịch bệnh.
Nhận được nhiều gói hỗ trợ các nỗ lực “vượt bão”, song châu Phi vẫn đề xuất thêm nhiều giải pháp. Tại hội nghị trực tuyến vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính châu Phi đề nghị WB, IMF và EU hỗ trợ giảm các khoản nợ, cả song phương lẫn đa phương. Châu Phi mong muốn các đối tác xóa bỏ một phần các khoản nợ, hoặc chuyển thành các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp, nhằm hỗ trợ “lục địa đen” vượt bão Covid-19 và ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế.
Ý kiến ()