Cuộc chiến đòi minh bạch tin nhắn
Báo New York Times của Mỹ vừa đệ đơn kiện Ủy ban châu Âu (EC) vì lý do cơ quan này từ chối cung cấp các tin nhắn điện thoại giữa Chủ tịch EC Ursula von der Leyen với Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Pfizer của Mỹ, ông Albert Bourla, trong quá trình thương lượng mua 1,8 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cách đây hơn hai năm.
Theo trang mạng politico.com, ngày 25-1, Báo New York Times đã nộp đơn lên Tòa án Công lý châu Âu yêu cầu làm sáng tỏ các tin nhắn giữa Chủ tịch EC Leyen và ông Bourla liên quan tới thỏa thuận mua vaccine ngừa Covid-19 trị giá hàng tỷ euro. Tuy nhiên, phải đến ngày 13-2 vừa qua, đơn kiện này mới được hiển thị trên sổ đăng ký công khai của Tòa án Công lý châu Âu.
“Các tin nhắn có thể chứa thông tin về việc EC đàm phán mua 1,8 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19. Đã có rất nhiều tiền được bỏ ra liên quan đến vụ mua bán này. Báo New York Times khiếu kiện lên Tòa án Công lý châu Âu để buộc EC phải tuân thủ luật, theo đó, định chế này có nghĩa vụ cung cấp các tin nhắn cho báo chí”, trang mạng politico.com nêu rõ.
Hiến chương về các quyền căn bản của Liên minh châu Âu (EU) quy định, công dân các nước thành viên EU có quyền được tiếp cận mọi tài liệu chính thức của EU, bất kể với phương tiện chuyển tải nào. Các định chế của EU phải có trách nhiệm minh bạch mọi văn bản của chính quyền. EC đã từng công bố một số tài liệu, cả thư điện tử, nhưng việc minh bạch các tin nhắn trên điện thoại là điều chưa từng xảy ra.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người có liên quan tới vụ kiện của Báo New York Times. Ảnh: AFP |
Bổ sung thông tin về vụ kiện của Báo New York Times, trang mạng ouest-france.fr cho biết, vào mùa thu 2020, EC đã ký thỏa thuận với một số phòng thí nghiệm để sớm có được vaccine ngừa Covid-19. Đây là nỗ lực lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu vào mùa xuân năm sau.
Tuy nhiên, có sự không rõ ràng trong 3 hợp đồng mà EC ký với Tập đoàn Pfizer, trong đó có thỏa thuận mua 1,8 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 với giá 19,5 euro/liều được ký vào tháng 5-2021 (tổng cộng 35,1 tỷ euro).
“Thỏa thuận ký kết được công bố rộng rãi nhưng một số điều khoản không được phép tiết lộ. Bà Leyen đã cam kết tôn trọng tính bảo mật của một số điều khoản. Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 4-2021, Chủ tịch EC lại cho một phóng viên New York Times biết rằng bà đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo của tập đoàn Pfizer để có được vaccine ngừa Covid-19 với số lượng lớn”, trang ouest-france.fr cho hay.
Sau khi thỏa thuận mua bán vaccine giữa EC và Tập đoàn Pfizer được ký kết, nhà báo Alexander Fanta của trang mạng điều tra Đức netzpolitik.org đã yêu cầu EC tra cứu các tin nhắn giữa bà Leyen và ông Bourla. Ông Fanta sau đó đã nhận được một số thư điện tử, nhưng không nhận được các tin nhắn liên quan. Phía EC nhấn mạnh, các tin nhắn không được lưu lại, do tính chất nhất thời của chúng. “Tính chất phức tạp của các thỏa thuận trên khiến không ai có thể thương thuyết thông qua các tin nhắn, hoặc chỉ bằng tin nhắn. Đây là một tiến trình được quy định rất bài bản giữa các nước thành viên EC và Tập đoàn Pfizer”, Phó chủ tịch EC Margaritis Schinas khẳng định.
Câu trả lời trên không thỏa mãn với nhà báo Fanta cũng như bà Emily O’Reilly-Thanh tra cao cấp của EU. Tháng 1-2022, bà O’Reilly đã kêu gọi cơ quan điều hành EU ra lệnh và thúc giục EC “tiến hành tìm kiếm kỹ lưỡng hơn các tin nhắn liên quan”. Tuy nhiên, Phó chủ tịch EC phụ trách về Giá trị và tính minh bạch, bà Věra Jourová, tiếp tục khẳng định rằng việc tìm kiếm tin nhắn giữa bà Leyen và ông Bourla “không mang lại kết quả nào”. Tháng 7-2022, bà O’Reilly chỉ trích EC chậm trễ, không thẳng thắn trong việc xử lý yêu cầu truy cập tin nhắn, dẫn tới ấn tượng không tốt về một tổ chức của châu Âu.
Vụ kiện EC của Báo New York Times không phải trường hợp đầu tiên. Trước đó, nhật báo Bild của Đức từng khiếu nại EC và đã được cung cấp nhiều thư điện tử và tài liệu liên quan đến các thương thuyết về hợp đồng mua vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNtech và AstraZeneca, nhưng chưa bao giờ được cung cấp các tin nhắn điện thoại. Những vụ kiện trên đang làm ảnh hưởng tới uy tín của EU, nhất là trong thời điểm liên minh này đang phải vật lộn với bê bối Qatargate, trong đó Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu Eva Kaili bị cáo buộc tham nhũng và rửa tiền.
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cuoc-chien-doi-minh-bach-tin-nhan-719675
Ý kiến ()