Cuộc chiến chống tình trạng sử dụng lao động trẻ em
Luc Zaka là người đứng đầu một đơn vị cảnh sát chuyên trách chống sử dụng lao động trẻ em tại Bờ Biển Ngà. Trong năm 2021, ông và các đồng nghiệp đã giải cứu được hơn 1.750 trẻ em khỏi những công việc cực nhọc trên các đồn điền ca cao tại nước này.
Công việc mà cảnh sát Zaka đang làm là một phần chiến dịch mà nhà chức trách Bờ Biển Ngà tiến hành từ tháng 5-2021. Ngoài việc giải cứu hàng nghìn lao động trẻ em, chiến dịch truy quét lớn chưa từng có còn bắt giữ 25 đối tượng buôn bán trẻ em.
Trong số này, 5 đối tượng đã bị kết án 20 năm tù giam. “Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy Chính phủ Bờ Biển Ngà sẽ không để tiếp diễn tình trạng buôn bán lao động trẻ em”, ông Zaka cho phóng viên Reuters biết qua điện thoại. Viên cảnh sát cũng nhấn mạnh, Bờ Biển Ngà sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng ca cao được sản xuất không phải bằng sức lao động của trẻ em.
Bờ Biển Ngà là nhà cung cấp ca cao lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, quốc gia Tây Phi này đang sử dụng gần một triệu trẻ làm việc trong các đồn điền ca cao, trong đó nhiều em là nạn nhân của mạng lưới buôn người từ quốc gia láng giềng Mali và Burkina Faso.
Việc Bờ Biển Ngà tiến hành chiến dịch nhằm chấm dứt tình trạng lao động trẻ em được các chuyên gia Liên hợp quốc đánh giá cao.
Trẻ em theo chân người lớn đi làm tại các mỏ khai thác coban ở Kolwezi, Congo. Ảnh: New York Times |
Theo các cơ quan Liên hợp quốc, thế giới đang chứng kiến bước thụt lùi lớn trong nỗ lực loại bỏ lao động trẻ em, trước tiên là do đại dịch Covid-19. Thống kê cho thấy, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều trẻ em phải vào làm việc trong các mỏ khai thác kim loại (vàng, coban…) và nhiều trẻ thậm chí có nguy cơ bị cưỡng bức lao động hoặc phải kết hôn sớm.
Thậm chí, ngay cả trước khi các trường học phải đóng cửa vì dịch bệnh và do tình trạng nghèo đói trên toàn thế giới, số lao động trẻ em đã tăng lần đầu tiên trong 20 năm qua. Cụ thể, số lao động trẻ em đã tăng từ mức 152 triệu năm 2016 lên 160 triệu năm 2020. Mức tăng mạnh nhất được ghi nhận tại châu Phi-nơi tập trung hầu hết lao động trẻ em trên thế giới.
“Khi các trường học đóng cửa do đại dịch, trẻ em bị lôi kéo vào các hoạt động khai thác mỏ và hầu hết những đứa trẻ này đã không quay trở lại trường học”, ông Augustin Bedidjo, một giáo viên ở Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết. Trong khi đó, chuyên gia Benjamin Smith tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo, nếu không hành động khẩn cấp, thêm 8,9 triệu trẻ em trên toàn thế giới có nguy cơ phải vất vả mưu sinh vào cuối năm 2022.
Đó là lý do vì sao Liên hợp quốc chọn năm 2021 là Năm quốc tế xóa bỏ lao động trẻ em nhằm thúc đẩy các nỗ lực hướng tới mục tiêu này. Theo ông Smith, các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện các bước tiến quan trọng để ngăn chặn sử dụng lao động trẻ em.
Ví dụ như ở Cộng hòa Dân chủ Congo, một nhà giáo dục ở tỉnh Ituri, Đông Bắc nước này, đã sáng tạo những mẩu truyện tranh và dịch sang ngôn ngữ địa phương để chuyển đến các bậc cha mẹ, các quan chức cũng như những người khai thác mỏ nhằm tăng cường nhận thức về sự nguy hiểm của việc sử dụng lao động trẻ em trong hoạt động khai thác mỏ. Tuy nhiên, dự án thiết thực này đã “chết yểu” do thiếu nguồn tài chính.
Do vậy, theo ông Smith, chính phủ các nước cần phải tăng gấp đôi nỗ lực; khu vực tư nhân, công đoàn và các nhóm xã hội dân sự cũng nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc giúp đạt được mục tiêu toàn cầu là xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025.
Trong khi đó, Phụ trách vận động quyền trẻ em tại Tổ chức Giám sát nhân quyền, bà Jo Becker, nêu ra 3 yếu tố quan trọng nhằm giúp các chính phủ đảo ngược tác động của đại dịch.
Đó là tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho trẻ em, hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình hoặc trợ cấp hằng tháng cho trẻ, và áp dụng nghiêm các luật về lao động trẻ em đã có hiệu lực và đang phát huy hiệu quả. Có như vậy, cuộc chiến chống tình trạng sử dụng lao động trẻ em mới thực sự đạt hiệu quả.
Ý kiến ()