Thứ 4, 12/02/2025 01:32 [(GMT +7)]
Cuộc chiến chống pháo: Hiệu quả bước đầu nhưng chưa có hồi kết
Thứ 6, 21/01/2011 | 16:34:00 [(GMT +7)] A A
LSO – Theo nhận định của lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn, từ tháng 10/2010 đến nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển các loại pháo trên địa bàn có xu hướng gia tăng. Tuy các ngành chức năng, các cấp chính quyền đã nỗ lực ngăn chặn qua đó cũng đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng phải khẳng định rằng: cuộc chiến chống pháo vẫn chưa có hồi kết.
Lạng Sơn là một tỉnh có đường biên giới khá dài với Trung Quốc, đây là một khó khăn rất lớn cho công tác phòng chống các hành vi sai phạm về pháo của tỉnh. Để phòng chống các hành vi sai phạm về pháo, giải pháp đầu tiên mà tỉnh tỉnh Lạng Sơn quan tâm, chỉ đạo là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Cùng với công tác tuyên truyền giáo dục, ngành chức năng của tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại pháo. Trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng lực lượng như: Lực lượng hải quan, biên phòng hoạt động ở tuyến biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hoá XNK, người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu, đường mòn, đường tắt trên biên giới; các lực lượng công an, quản lý thị trường, kiểm lâm, thuế… hoạt động ở khu vực nội địa chủ động tổ chức lực lượng làm tốt công tác trinh sát nắm tình hình thị trường, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả việc buôn bán, vận chuyển pháo. Năm 2010, các lực lượng chức năng đã bắt 117 vụ, thu 12,4 tấn pháo các loại (tính đến 31/11/2010). Đặc biệt, tỉnh còn chỉ đạo xét xử lưu động, công khai đối với các đối tượng kinh doanh, vận chuyển pháo trái phép để răn đe các đối tượng khác.Với những cố gắng đó, đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc ký cam kết với các hộ dân. Đặc biệt, với những xã biên giới có dân cư sang Trung Quốc làm ăn, thăm thân nhiều, công tác này càng được quan tâm, trú trọng. Với giải pháp này, nhận thức của nhân dân về công tác phòng chống pháo đã được nâng lên rõ rệt.
Đại úy Lều Văn Tiến, Đồn trưởng Đồn BP Cốc Nam khẳng định: Cận kề Tết Nguyên đán là thời điểm tình trạng buôn lậu, đặc biệt là mua bán, vận chuyển pháo lậu trên địa bàn sẽ có những diễn biến phức tạp. Công tác chống pháo không chỉ “nóng” ở các tuyến biên giới mà còn ở tại khu vực thành phố, trung tâm nội thị… Còn “cầu” ắt có “cung”, cuộc chiến ngăn chặn pháo lậu cả ở đường biên và trong nội địa vì thế còn diễn biến rất phức tạp. Trên thực tế đúng như đại úy Tiến đã nói, đối với tỉnh Lạng Sơn, tại thị trường nội địa, trong năm qua về cơ bản trên địa bàn tỉnh đã không còn hiện tượng kinh doanh pháo tại các chợ. Trong năm 2010, lực lượng chức năng toàn tỉnh phát hiện nhiều vụ vi phạm về pháo; thu giữ khoảng nhiều tấn pháo nổ cùng hàng chục nghìn ống pháo hoa nhưng chỉ có 6 vụ là phát hiện kinh doanh trong nội địa với khối lượng không đáng kể. Qua đó có thể thấy, hầu hết số vụ đều là các đối tượng đưa pháo về các tỉnh phía sau tiêu thụ, những đối tượng vận chuyển pháo lậu bị bắt giữ vừa qua đều khẳng định với lực lượng chức năng là: mang về phía sau tiêu thụ. Còn “cầu” ắt còn “cung”, chính vì vậy, chỉ tính từ 1/10/2010 đến ngày 18/1/2011, lực lượng biên phòng tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 35 vụ, 28 đối tượng, thu giữ gần 1.500kg pháo các loại. Hầu hết các đối tượng bị bắt giữ là người vận chuyển thuê cho chủ hàng trong nội địa. Chủ hàng thuê cư dân biên giới vận chuyển pháo với số lượng nhỏ, khiến công tác đấu tranh, xử lý các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn… Lợi nhuận từ việc mua bán, vận chuyển pháo lậu rất lớn, mỗi dàn pháo nhỏ gọn mua vào với giá 30 – 40 nghìn đồng, khi vận chuyển vào các tỉnh nội địa có thể tăng lên gấp 3 đến 5 lần nên những người vận chuyển thuê bất chấp nguy hiểm vận chuyển cho các chủ hàng.
Đại tá Đỗ Đình Diên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội BP tỉnh cho biết: Thời gian giáp Tết Nguyên đán, lực lượng BP đã giăng ra cắm chốt 24/24h tại các đường mòn như: Gốc Nhãn, gốc Bưởi, Bãi Gianh, Mốc 05, 06…, tuy nhiên, lực lượng làm nhiệm vụ này ở đường biên có hạn, không phải lúc nào cũng rải quân ở khắp địa bàn để tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là khu vực đường mòn hai bên biên giới. Trong khi đó, đối tượng buôn lậu tìm mọi cách “lách luật” bằng cách xé, vận chuyển với số lượng ít, hòng qua mắt lực lượng chức năng và tránh bị truy tố trước pháp luật. Thực tế các vụ buôn bán pháo lậu bị bắt giữ hiện nay cho thấy, giữa các đối tượng trong nội địa với các đối tượng ở bên kia biên giới thường hình thành các đường dây khép kín. Lợi nhuận của loại “hàng hóa đặc biệt này” khiến chúng không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để vận chuyển pháo lậu về nước. Thủ đoạn của đối tượng chủ mưu, cầm đầu là liên lạc với đối tượng vận chuyển qua điện thoại hẹn địa điểm, thời gian và phương thức giao hàng. Để tránh bị phát hiện, các đầu nậu không trực tiếp “xuất đầu lộ diện” mà thuê người vận chuyển qua biên giới. Hàng hóa được chia tách thành nhiều công đoạn vận chuyển: Pháo được chuyển, vác từ bên kia biên giới, qua đường mòn lối tắt, từ đây có một đội ngũ xe ôm tiếp tục vận chuyển ra quốc lộ, đưa lên các xe khách, vận chuyển vào nội địa.
Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại pháo tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Bởi vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát ở các tuyến biên giới, trong nội địa, các lực lượng chức năng gồm công an và quản lý thị trường cũng cần phải tăng cường kiểm soát, kết hợp với biện pháp tuyên truyền, giáo dục ở từng địa phương, đặc biệt là trong các trường học. Một số vụ vận chuyển với số lượng lớn cần phải được sớm đưa ra xét xử để có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Lực lượng chức năng tại trạm KSLH Dốc Quýt phát tờ rơi cho khách du lịch trước khi lên biên giới
Đường mòn gốc nhãn
Dân vác hàng quan sát lực lượng chức năng
Ông Nguyễn Hùng Dũng ( bên phải) Cục trưởng Cục QLTT – Bộ Công thương
đị thực tế tại khu vực gốc nhãn gốc bưởi.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()