Cuộc chiến chống lạm phát tại EU
Tỷ lệ lạm phát tại Liên minh châu Âu (EU) liên tiếp cán những mốc kỷ lục mới trong thời gian qua và dự kiến tiếp tục tăng cao vào những tháng cuối năm 2022. Trong bối cảnh đó, EU đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn cơn bão lạm phát tiếp tục càn quét và làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế của khối.
Lạm phát tăng cao tác động tiêu cực nền kinh tế Đức. (Ảnh: XINHUANET) |
Thời gian gần đây, tình trạng giá cả hàng hóa leo thang đã phủ bóng lên nhiều nền kinh tế EU. Theo dự báo của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia (INSEE) của Pháp, tỷ lệ lạm phát tại nước này có thể tăng trở lại trong những tháng cuối năm, sau khi giảm nhẹ vào tháng 8 vừa qua. Theo đó, lạm phát tại Pháp dự kiến chạm mức 6,6% vào tháng 12 tới và lạm phát cả năm sẽ là 5,3%.
INSEE nhận định, con số này có thể còn tăng cao hơn nữa nếu Chính phủ Thủ tướng Emmanuel Macron (E.Ma-crông) không có các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước cơn bão giá năng lượng. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu kinh tế của Đức, tỷ lệ lạm phát của nước này sẽ tiếp tục tăng, dự kiến lên đến 8,1% trong năm nay và 9,3% năm 2023. Ở cấp độ khu vực, lạm phát tại Khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 8 vừa qua cũng ghi nhận mức cao kỷ lục mới là 9,1%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng mức dự báo lạm phát trung bình cả năm nay của Eurozone lên 8,1%.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính khiến lạm phát tại EU tăng cao chủ yếu do sự leo thang của giá năng lượng. Tuy nhiên, việc tìm lời giải cho bài toán hạ giá năng lượng của EU gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nguồn cung khí đốt từ Nga tiếp tục gián đoạn và nhu cầu sưởi ấm dự kiến tăng cao trong mùa đông sắp tới. Ngoài ra, các yếu tố như giá thực phẩm tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nắng nóng kéo dài… cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng lạm phát tại EU càng trở nên nghiêm trọng.
Để ứng phó lạm phát đang ở mức cao kỷ lục, mới đây, ECB đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng cao nhất trong hơn 20 năm qua. Đây cũng là lần thứ hai ECB tăng lãi suất chỉ trong vài tuần qua. Trước đó, cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên trong 11 năm, ECB đã tăng lãi suất cơ bản, khép lại giai đoạn lãi suất âm kéo dài. Theo ECB, đây là bước đi quan trọng nhằm từng bước đưa tỷ lệ lạm phát quay trở lại mức mục tiêu là 2%.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel (G.Na-gen) nhấn mạnh, lạm phát cao đang trở thành gánh nặng đối với nhiều người dân EU và việc ECB tăng lãi suất là rất cần thiết để đẩy lùi lạm phát. Trong khi đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde (C.La-gác-đơ) cho biết, cơ quan này sẽ xem xét tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách sắp tới. Theo bà Lagarde, lãi suất hiện nay chưa đủ để đưa lạm phát về mức ổn định vì lạm phát vẫn cao và có thể tiếp tục cao hơn mức mục tiêu 2% trong thời gian dài.
Việc tăng mạnh lãi suất dự kiến sẽ khiến nhu cầu hàng hóa và dịch vụ giảm, từ đó kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, lãi suất tăng có thể kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế, vốn là bài toán hóc búa đối với nhiều nền kinh tế EU sau khi trải qua đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, giá năng lượng tăng cao do nguồn cung không ổn định được cho là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát phi mã tại EU hiện nay. Vì vậy, để sớm đưa lạm phát về mức mục tiêu, cùng với việc tăng lãi suất, các chuyên gia khuyến nghị EU nhanh chóng triển khai các biện pháp giúp hạ giá năng lượng.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis (V.Đôm-brốp-xkít) mới đây nhận định, các nền kinh tế châu Âu đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức. Ngăn chặn đà tăng của lạm phát, đồng thời duy trì tốc độ phục hồi kinh tế là nhiệm vụ cấp bách đối với các nhà lãnh đạo EU trong thời gian tới.
Ý kiến ()