Cuộc chiến chống lại nắng nóng cực đoan
Theo CNBC, một cuộc chiến thầm lặng đang diễn ra để giải quyết một thách thức về khí hậu vốn bị đánh giá thấp. Đó là nắng nóng cực đoan.
Chính quyền một số địa phương đã bổ nhiệm các Giám đốc Nhiệt tại các thành phố trên toàn thế giới trong những năm gần đây để chuẩn bị cho người dân đối phó với những đợt nắng nóng ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Vai trò của các Giám đốc Nhiệt được tạo ra thông qua sáng kiến của Trung tâm Phục hồi Quỹ Adrienne Arsht-Rockefeller, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Mỹ, nhằm hỗ trợ các giải pháp chống nóng cho người dân. Bà Eleni Myrivili, Giám đốc Nhiệt của Chương trình định cư con người Liên hợp quốc cho rằng, mọi người thường không chú ý đến nắng nóng khắc nghiệt bằng việc nhà bị tốc mái hoặc đường phố biến thành sông trong những trận lũ lụt. Bà Myrivili nhấn mạnh: “Nắng nóng cực đoan là kẻ giết người thầm lặng. Tôi tin rằng đó sẽ là thách thức sức khỏe cộng đồng số một mà chúng ta sẽ phải giải quyết trong thập kỷ tới. Chúng ta cần chuẩn bị cho điều đó ngay bây giờ. Chúng ta cần phải ưu tiên vấn đề này”.
Nắng nóng cực đoan là “kẻ giết người hàng đầu” liên quan đến thời tiết ở Mỹ. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 1.700 ca tử vong là do các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng vào năm 2022. Con số này tăng gần gấp đôi so với cách đây 5 năm. Người lớn tuổi, trẻ nhỏ và những người mắc bệnh mãn tính được coi là những đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng cao nhất, chẳng hạn như kiệt sức hay đột quỵ. CDC cảnh báo rằng, ngay cả những người trẻ và khỏe mạnh cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng gay gắt.
Là một đô thị ven biển ở miền Nam nước Mỹ, TP Miami thuộc quận Miami-Dade, bang Florida được đánh giá là dễ bị tổn thương trước mực nước biển dâng và bão. Tuy nhiên, theo bà Jane Gilbert, Giám đốc Nhiệt quận Miami-Dade, các cuộc khảo sát do cộng đồng chủ trì đã xác định nắng nóng khắc nghiệt là mối lo ngại cấp bách nhất về khí hậu. Trong 6 tháng/năm, nhiệt độ ở TP Miami gần như vượt quá 32,2oC mỗi ngày, gây ra vấn đề đặc biệt lớn đối với những người làm việc ngoài trời. Để giúp giảm thiểu rủi ro cho dân số 2,7 triệu người của quận Miami-Dade, bà Gilbert cho biết, kế hoạch hành động của nhóm tập trung vào việc thông báo và chuẩn bị cho mọi người đối phó với tình trạng nắng nóng gay gắt, giúp làm mát nhà ở với giá cả phải chăng và làm mát các khu dân cư để giải quyết cái gọi là “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị” khi thành phố phải chịu nhiệt độ cao hơn nhiều so với các vùng nông thôn lân cận.
Tại Bangladesh, Giám đốc Nhiệt Bushra Afreen của quận Dhaka North thuộc thủ đô Dhaka cho biết: “Chúng tôi lớn lên trong môi trường nóng ẩm. Chúng tôi đã quen với điều đó nên rất khó phân biệt giữa nhiệt độ thông thường và nhiệt độ không an toàn”. Để hỗ trợ người dân ứng phó với những đợt nắng nóng gay gắt, bà Afreen cho biết, nhóm của bà đã xây dựng các đài phun nước và trồng hàng nghìn cây xanh tại các khu dân cư. Theo bà Afreen, điều quan trọng là phải chọn lựa loại cây trồng, đặc biệt ưu tiên cây đuổi muỗi trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Trong khi đó, tại Australia, bà Tiffany Crawford, đồng Giám đốc Nhiệt của TP Melbourne cũng cho rằng, nắng nóng khắc nghiệt đã khiến nhiều người ở nước này tử vong hơn cháy rừng, lũ lụt và bão. Theo bà Crawford, quy mô thực sự của số ca tử vong và bệnh tật liên quan đến nhiệt độ thường không rõ ràng cho đến khi các cơ quan y tế xem xét kỹ lưỡng lại dữ liệu nhập viện và xe cứu thương. Với dân số khoảng 5 triệu người, TP Melbourne ở phía Đông Nam Australia nổi tiếng với khí hậu ôn hòa nhưng thường phải hứng chịu những đợt nắng nóng mùa hè kéo dài. Một số biện pháp hỗ trợ người dân trước nắng nóng đã được thực hiện ở TP Melbourne như kéo dài thời gian hoạt động của thư viện và hồ bơi, cung cấp bộ dụng cụ làm mát như chai nước, khăn lau cổ và quạt. Melbourne cũng đang trao đổi với Google để hỗ trợ người dùng tìm thấy các tuyến đường có nhiều cây xanh hoặc mái che trên bản đồ trực tuyến. “Nắng nóng gay gắt ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Chúng ta cần lên kế hoạch ứng phó với tình trạng này”, bà Crawford lưu ý.
Ý kiến ()