Cuộc chiến chống HIV gặp khó do chính sách chống nạo phá thai của Mỹ
Các bé gái tại Trung tâm Cộng đồng St. John ở Nairobi, Kenya, tham dự một sự kiện được PEPFAR hỗ trợ.
Giới khoa học và các nhà hoạt động xã hội cảnh báo các điều kiện chống nạo phá thai gắn liền với chương trình viện trợ của Mỹ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa các chương trình ngăn ngừa “căn bệnh thế kỷ” HIV/AIDS.
Phát biểu ngày 27/7 tại Hội nghị quốc tế về phòng chống AIDS lần thứ 22 ở Amsterdam, Hà Lan, Chủ tịch sắp nhậm chức của Hiệp hội Quốc tế về AIDS (IAS), ông Anton Pozniak nhấn mạnh các quy định mới theo chính sách “Bảo vệ cuộc sống bằng sự hỗ trợ y tế toàn cầu” nói trên thậm chí còn gạt bỏ viện trợ cho những tổ chức ủng hộ các dịch vụ nạo phá thai.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, chính sách này được áp dụng với hầu hết các chương trình hỗ trợ y tế song phương của Mỹ trên toàn cầu, trong đó có việc hủy bỏ trợ cấp PEPFAR – chương trình viện trợ phòng chống HIV/AIDS được phê chuẩn dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W Bush năm 2013 – và một quỹ viện trợ lớn khác dành cho việc thử nghiệm, tư vấn và điều trị HIV trên toàn thế giới. Phạm vi của chính sách đang ngày càng mở rộng, từ đó cản trợ những tiến bộ trong công cuộc phòng chống HIV.
Chuyên viên Jennifer Kates thuộc tổ chức phi chính phủ Kaiser Family nhận định chính sách sửa đổi này sẽ có thể tác động tới hàng trăm cơ sở tiếp nhận viện trợ của Mỹ. Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Mỹ, Chloe Cooney cho rằng quy định trên sẽ gây hậu quả khôn lường.
Hồi tháng 5/2017, Quốc hội Mỹ đã thông qua chính sách sửa đổi, xóa bỏ viện trợ dành cho các tổ chức tuyên truyền thông tin hoặc các dịch vụ nạo phá thai.
Chính sách quy định các phòng khám cung cấp dịch vụ như xét nghiệm HIV và kế hoạch hóa gia đình đều không nhận được tiền viện trợ của Washington nếu những cơ sở đó cung cấp các dịch vụ nạo phá thai, tư vấn hoặc giới thiệu dịch vụ này.
Cho tới nay, HIV/AIDS tiếp tục là một vấn đề y tế công cộng lớn trên toàn cầu khi đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối năm ngoái, khoảng 37 triệu người đang phải sống chung với HIV.
Trong năm 2017, đã có 940.000 người thiệt mạng trên thế giới do các nguyên nhân liên quan HIV và gần 2 triệu ca nhiễm mới. Trong khi đó, 59% số người lớn và 52% số trẻ em sống chung với HIV đã được điều trị thuốc kháng retrovirus (ARV) suốt đời./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()