Cuộc chiến chống COVID-19: Ngồi nhà thực hiện dịch vụ công
Giao diện thực hiện dịch vụ công trên Cổng DVCQG. |
Một số người dùng trải nghiệm trên Cổng DVCQG có chung nhận xét: Việc truy cập nhanh, giao diện dễ hiểu, các hướng dẫn “khá thông minh”. Chỉ cần truy cập một lần sẽ có tài khoản, sau đó sử dụng cho nhiều giao dịch khác nhau.
Trải nghiệm Cổng DVCQG, chị Trịnh Thị Oanh trú tại TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã háo hức đăng ký tài khoản cá nhân để sử dụng dịch vụ. Việc đăng ký tài khoản cá nhân hoàn tất chỉ trong vòng 5 phút và có thể sử dụng các dịch vụ thuộc lĩnh vực như: Học tập, Việc làm; Cư trú và giấy tờ tùy thân; Hôn nhân và gia đình; Nhà ở và đất đai; Sức khỏe và y tế; Phương tiện và người lái…
Đặc biệt trong thời gian gần đây, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều người dân tỏ ra lo ngại khi phải ra ngoài và tới trụ sở các ban, bộ, ngành địa phương để thực hiện thủ tục hành chính. Đại diện Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) cho rằng, thời điểm này cần đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4 – mức cao nhất, tức là chỉ cần ở nhà, thao tác trên mạng, hoàn thiện hồ sơ và kết quả được mang đến tận nhà.
Trong trường hợp đó, người dân có thể đăng ký tài khoản cá nhân trên Cổng DVCQG để thực hiện một số thủ tục hành chính tại nhà đơn giản, dễ dàng.
Làm việc tại Hà Nội đổi bằng lái xe ở Quảng Bình trong vài phút
Anh Đặng Lê Hoàng, quê ở Quảng Bình và hiện đang làm việc tại Hà Nội nhưng thông qua Cổng DVCQG, anh đã thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe mà không phải xin nghỉ làm để về quê như trước đây.
Anh Hoàng chia sẻ: “Nếu như trước kia người dân phải lên các địa điểm cấp đổi khai báo rồi lấy số thứ tự ngồi đợi tới lượt, nhận giấy hẹn đến lấy giấy phép lái xe mới thì khi có Cổng DVCQG người dân chỉ cần khai báo trực tuyến tại nhà hoặc những nơi có mạng Internet. Sau khi khai báo, người dân cũng có thể theo dõi quá trình xử lý hồ sơ đến khi hoàn tất”.
Đổi giấy phép lái xe là 1 trong 2 dịch vụ công có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn được thực hiện từ Cổng DVCQG. Đến ngày 13/3, anh Hoàng là 1 trong gần 3.000 hồ sơ đổi giấy phép lái xe trên Cổng DVCQG. Trong khi đó, thông báo hoạt động khuyến mãi là dịch vụ có số hồ sơ giao dịch lớn nhất với trên 9.200 trường hợp trong tổng số hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG là trên 13.000 hồ sơ.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Khách sạn Majestic (quận 1, TPHCM) đã trực tiếp đăng ký thủ tục cung cấp điện trung áp trên Cổng DVCQG. Chỉ trong thời gian rất ngắn, anh Nhàn đã đăng ký xong thủ tục và nhận được thông báo xác nhận đã hoàn thành thủ tục.
“Tôi thật bất ngờ khi việc đăng ký diễn ra nhanh chóng.Tôi mong có nhiều dịch vụ tương tự để tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp”, anh Nhàn cho biết.
Chị Hà Thị Huế (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) ngồi trước máy tính đăng ký khai sinh chỉ trong vài phút thay vì phải đến tận UBND phường sở tại. Chị chỉ cần chụp giấy tờ liên quan và sử dụng máy vi tính để đăng ký trên Cổng DVCQG. Chị Huế cho biết dù lần đầu sử dụng dịch vụ này nhưng không gặp khó khăn gì, việc đăng ký rất nhanh chóng.
Việc làm này vừa tiện lợi cho người dân, vừa tiết kiệm được thời gian, giảm tải việc tiếp công dân, giảm chi phí phát sinh cho các cơ quan công quyền. Mọi thông tin giao dịch đều được thông báo trên điện thoại di động cá nhân nên chị Huế có thể nắm bắt được tiến độ giải quyết hồ sơ của mình.
Hoạt động của Cổng DVCQG không chỉ mang lại thuận lợi lớn cho người dân mà các doanh nghiệp cũng cảm thấy “dễ thở” hơn rất nhiều. Các nội dung của dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ được các doanh nghiệp hồ hởi đón nhận là: Đăng ký khuyến mãi; Nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp…
Người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế việc tiếp xúc nơi đông người, góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. |
Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Hoàng Dương (Giám đốc doanh nghiệp tại Hải Phòng) cho biết việc thực hiện dịch vụ công thông báo hoạt động khuyến mại ở mức độ 4 trên Cổng DVCQG sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện cùng một chương trình khuyến mại trên nhiều tỉnh, thành phố.
Nếu vận hành một cách thuận lợi và đúng như mục tiêu đề ra thì Cổng DVCQG gia sẽ là nơi tạo cho cả người dân và doanh nghiệp những cơ hội mới về năng suất, người dân, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí thực hiện; hy vọng các dịch vụ công trực tuyến ngày càng hoàn thiện để mang lại sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Chỉ mất 3 phút để nộp phạt vi phạm giao thông
Ngày 13/3 vừa qua, đã có thêm 11 dịch vụ công trực tuyến được cập nhật lên Cổng DVCQG, đặc biệt những dịch vụ công này chú trọng đến thanh toán trực tuyến gồm: Nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thí điểm tại 5 địa phương là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận); nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy (thí điểm tại Hà Nội và TPHCM); đăng ký khai sinh tại 45 tỉnh, thành phố; cấp phiếu lý lịch tư pháp tại 58 tỉnh, thành phố; nộp thuế cá nhân; nộp thuế doanh nghiệp; nộp thuế môn bài; hủy tờ khai hải quan; khai bổ sung tờ khai hải quan; đăng ký cung ứng hợp đồng lao động; đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách.
Như vậy, thay vì đến kho bạc để nộp phạt rồi lại quay về cơ quan công an – nơi ra quyết định xử phạt để trình biên lai đóng tiền rồi mới được nhận lại các loại giấy tờ, thì hiện nay sau khi nhận quyết định xử phạt, người dân trên cả nước nếu vi phạm giao thông tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận chỉ mất khoảng 3 phút để truy nhập vào Cổng DVCQG nộp phạt và lựa chọn đăng ký nhận kết quả tại nhà qua Bưu điện (Vietnam Post).
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, việc đưa 2 dịch vụ công là: Xử phạt vi phạm hành chính và nộp lệ phí trước bạ này lên Cổng DVCQG sẽ được người dân đón nhận, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cũng chia sẻ, việc xử lý vi phạm trên Cổng DVCQG phải theo quy định của pháp luật. “Không phải người dân bị lập biên bản hành chính, thì ngay sau đó lên Cổng DVCQG nộp phạt được ngay. Bởi trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (ra quyết định xử phạt), thì người dân khi truy cập vào Cổng DVCQG sẽ thực hiện được”.
Theo đó, thời gian hệ thống cập nhật quyết định xử phạt là 7 ngày. Sau 7 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt, người dân nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt. Sau đó thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai.
Cục CSGT đã dự báo tình hình về sự đón nhận của người dân khi sử dụng dịch vụ công này trong thời gian tới nên đã hết sức quan tâm hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng kết nối bảo đảm hoạt động thông suốt.
Theo cập nhật của Văn phòng Chính phủ, tính đến 10h ngày 19/3/2020, đã có trên 88.500 tài khoản, trên 24,9 triệu lượt truy cập, trên 3,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 15.400 hồ sơ được thực hiện qua Cổng DVCQG. Ngoài ra,tiếp nhận hỗ trợ trên 6.700 cuộc gọi; trên 4.660 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh lợi ích sử dụng dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tiếp xúc nơi đông người, góp phần phòng, chống dịch Covid-19, khi người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn mang lại nhiều lợi ít khác như tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ thủ tục hành chính; tăng tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công, góp phần vào tiến trình cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đã ban hành văn bản đề nghị các Sở TT&TT tuyên truyền, khuyến nghị người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế việc tiếp xúc nơi đông người, góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh giao tiếp trên Internet và mạng xã hội tại Việt Nam. Sử dụng tối đa các phương tiện, hình thức hội họp trực tuyến, trao đổi qua email, tin nhắn, gọi điện thoại.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()