Cuộc chiến chống buôn lậu ở An Giang
Khu vực cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, nơi diễn ra nhiều vụ buôn lậu. Sau nhiều năm, chúng tôi vừa có dịp về lại An Giang đầu mùa nước nổi. Những con đường từ thị xã Châu Đốc dẫn đến các cửa khẩu quốc tế, cũng như quốc gia đều đã được trải nhựa, xe ô-tô đi lại khá dễ dàng. Là một tỉnh biên giới, tiếp giáp hai tỉnh Kan-dal và Tà-keo của Cam-pu-chia, với chiều dài đường biên giới gần 100 km, địa hình vùng giáp biên vừa đồng bằng vừa sông rạch liền với nước bạn, rất thuận lợi cho bọn buôn lậu nhưng lại rất khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, nhất là vào mùa nước nổi.Đến xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc đầu mùa nước nổi, theo chân cán bộ Đội kiểm soát, Cục Hải quan An Giang đi trên con đường dọc biên giới chúng tôi thấy ba thanh niên đang chất hàng lên xe gắn máy. Khi chúng tôi xuống xe, một người trong số họ vội vàng vác kiện hàng chạy ngược lại cánh đồng bên kia biên giới....
Khu vực cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, nơi diễn ra nhiều vụ buôn lậu. |
Đến xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc đầu mùa nước nổi, theo chân cán bộ Đội kiểm soát, Cục Hải quan An Giang đi trên con đường dọc biên giới chúng tôi thấy ba thanh niên đang chất hàng lên xe gắn máy. Khi chúng tôi xuống xe, một người trong số họ vội vàng vác kiện hàng chạy ngược lại cánh đồng bên kia biên giới. Lân la hỏi chuyện những người dân quanh vùng, một phụ nữ (giấu tên) cho biết, đó là kiện hàng thuốc lá điếu. Khu vực xã Vĩnh Ngươn là một trong những địa bàn trọng điểm buôn lậu ở tỉnh An Giang, vậy nên Đội kiểm soát, Cục Hải quan An Giang đã đứng chân tại đây.
Tìm hiểu tình hình buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ở An Giang, chúng tôi được biết, tám tháng đầu năm nay không tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Những mặt hàng nhập lậu chủ yếu là : Đường cát Thái-lan, rượu ngoại, thuốc lá điếu, bánh kẹo, mỹ phẩm, quần áo cũ, điện thoại di động, hàng điện tử đã qua sử dụng. Năm 2011 trở về trước, buôn lậu xăng, dầu diễn biến cũng phức tạp. Năm 2012, buôn lậu mặt hàng này giảm hẳn vì chênh lệch giá giữa Việt Nam và Cam-pu-chia không nhiều. Xuất lậu thường là ngoại tệ. Trong số những mặt hàng nói trên thì thuốc lá điếu vẫn là mặt hàng nhạy cảm nhất hiện nay, có nhu cầu tiêu thụ mạnh lại gọn nhẹ dễ vận chuyển và có lợi nhuận tương đối cao. Mặt hàng đường cát nhập lậu lúc tăng, lúc giảm tùy theo giá cả trong nước so với giá cả tại Cam-pu-chia, chủ yếu diễn ra ở khu vực dòng sông chung biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia đoạn từ xã Khánh An đến thị trấn Long Bình. Thủ đoạn của các đối tượng khá đa dạng. Đối với thuốc lá điếu, các đối tượng buôn lậu thường thuê người đai vác hàng qua biên giới, tập kết vào các khu dân cư rồi dùng xe gắn máy chạy thành đoàn với tốc độ cao hoặc ghe, xuồng chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ. Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu còn thuê người canh đường ngay tại cổng trụ sở cơ quan chức năng để nắm bắt tình hình hoạt động cung cấp thông tin cho bọn buôn lậu hoạt động. Sau khi dẫn chúng tôi đi thị sát các khu vực phức tạp về buôn lậu trên cả tuyến đường bộ và đường thủy, Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm Cục Hải quan An Giang Huỳnh Ngọc Hồ cho biết, địa bàn, tuyến trọng điểm buôn lậu là: Khu vực xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc; khu vực thị trấn Tịnh Biên, xã An Phú, huyện Tịnh Biên; khu vực Vạc Lài, xã Khánh Bình, huyện An Phú. Đối tượng trọng điểm là các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể có kho hàng tại khu vực biên giới; các chủ đầu nậu, thầu đai vác và tàu Việt Nam, tàu nước ngoài nhập cảnh, chuyển cảng nội địa.
Trước tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp như vậy, lãnh đạo Cục Hải quan An Giang luôn quan tâm chỉ đạo các chi cục và các đơn vị trực thuộc khác, nhất là Đội kiểm soát tăng cường công tác điều tra cơ bản nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm để có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, như nắm tình hình diễn biến giá xăng, dầu chênh lệch ở tuyến biên giới; nắm tình hình các tàu, thuyền xuất nhập cảnh, chuyển cảng và neo đậu tại khu vực quản lý của Hải quan. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cư dân biên giới; tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho người khai hải quan, người nộp thuế xuất nhập khẩu và doanh nghiệp. Cục Hải quan An Giang phối hợp Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tuyên truyền về Luật Hải quan, về công tác chống buôn lậu, công tác phòng, chống ma túy cho nhân dân tại mười điểm thuộc các xã biên giới. Các lực lượng Hải quan An Giang còn phối hợp Bộ đội Biên phòng tuần tra kiểm soát các hoạt động trong khu vực biên giới, với công an các xã Phú Hội, Vĩnh Hội Đông và Công an huyện An Phú nắm tình hình các đầu nậu có kho chứa hàng và các địa điểm kinh doanh trong khu vực biên giới; tình hình cư dân biên giới đai vác thuê hàng lậu… Với nhiều biện pháp nghiệp vụ, từ đầu năm 2012 đến hết tháng 7-2012, Hải quan An Giang bắt giữ được 66 vụ buôn lậu, với trị giá hàng hóa hơn 20 tỷ 238 triệu đồng. Điển hình như vụ vận chuyển ngoại tệ diễn ra ngày 28-2-2012 khi Đội kiểm soát Cục Hải quan An Giang phối hợp Chi cục Hải quan Cửa khẩu Bắc Đai tuần tra tại khu vực hoạt động của Hải quan cửa khẩu này phát hiện một xuồng máy chạy từ hướng bến đò chợ Nhơn Hội thuộc ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú sang Cam-pu-chia không trình báo cơ quan biên phòng và hải quan. Qua kiểm tra đã phát hiện Lê Văn Nở sinh năm 1971, ngụ xã Nhơn Hội, huyện An Phú (tỉnh An Giang) vận chuyển 119 triệu riel (tiền Cam-pu-chia), tương đương 617 triệu đồng Việt Nam. Hoặc như vụ vận chuyển lậu 15.250 gói thuốc lá điếu ngoại trên sông Hậu thuộc địa bàn huyện Châu Phú, An Giang ngày 15-4-2012 do Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp Đội 3 – PC46 Công an tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ. Trị giá số hàng nói trên khoảng gần 190 triệu đồng.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, các Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc gia: Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông và Đội kiểm soát Cục Hải quan An Giang đều nhận định, tình hình buôn lậu ở An Giang từ đầu năm đến nay có phần dịu xuống. Tuy nhiên, hiện nay đã bắt đầu vào mùa nước nổi, nước tràn các cánh đồng biên giới nhưng chưa sâu, do đó công tác đấu tranh chống buôn lậu ở đây sẽ gặp khó khăn vì các lực lượng chức năng chưa thể sử dụng phương tiện xuồng máy để đuổi bắt trên cánh đồng. Lợi dụng yếu tố này, các đối tượng buôn lậu sẽ dùng nhiều cách để vận chuyển hàng nhập lậu. Vì vậy cuộc đấu tranh chống buôn lậu ở đây vẫn còn lắm gian nan và dai dẳng. Nếu so sánh tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ở An Giang với các thành phố lớn hoặc các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng; các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn thì ở đây ít có vụ trị giá hàng hóa lớn, mà chủ yếu là những vụ nhỏ lẻ, trị giá hàng hóa không nhiều. Nhưng diễn biến tình hình thì rất phức tạp bởi địa hình vận chuyển thuận lợi, dễ trốn tránh lực lượng chức năng. Đặc biệt là ý thức và đời sống của cư dân biên giới chưa cao, còn đai vác thuê, tiếp tay cho đối tượng buôn lậu. Nhằm ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, trong mùa nước nổi này, các cơ quan chức năng ở An Giang, nhất là Cục Hải quan An Giang đang tăng cường công tác kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm và tuyên truyền về pháp luật cho cư dân biên giới và các chủ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, để chống buôn lậu đạt hiệu quả cao, cần tăng cường trang bị phương tiện cho cơ quan hải quan như xuồng máy và phương tiện thông tin liên lạc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()