Cuộc chiến chip ngày càng nóng
Những con chip là thứ thúc đẩy công nghệ, kinh tế và quân sự phát triển. Do đó đây cũng là chìa khóa cho cuộc cạnh tranh đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Bất cứ ai kiểm soát thị trường chip sẽ có lợi thế mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh này. Đó là nhận định của Phó giáo sư Eduardo Araral tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), trên trang Channel News Asia.
Không khó để nhận thấy, cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, mà cụ thể hơn là cuộc chiến về chip, đang có những bước leo thang mới. Vào tuần trước, Cơ quan giám sát an ninh mạng Trung Quốc (CAC) cho biết một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ là Micron đã không vượt qua được đánh giá an ninh mạng. Do đó, Trung Quốc cấm các nhà điều hành những cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này mua sản phẩm của Micron.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc nhắm mục tiêu vào một công ty bán dẫn của Mỹ trong bối cảnh Washington thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm và thiết bị chip tiên tiến sang Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.
Hồi đầu năm, dưới sự vận động của Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan cũng đồng ý thắt chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip cho các công ty Trung Quốc. Thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán cấp cao 3 bên giữa Mỹ-Nhật Bản-Hà Lan tại Washington ngày 27-1-2023, đã hình thành một liên minh lớn, kìm hãm tham vọng xây dựng năng lực sản xuất chip nội địa của Bắc Kinh.
Cuộc chiến về chip giữa Mỹ và Trung Quốc đang có những bước leo thang mới (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters |
Lâu nay, Mỹ vẫn luôn e ngại Trung Quốc sẽ sử dụng chất bán dẫn tiên tiến để phát triển siêu máy tính cùng các ứng dụng liên quan đến trí tuệ nhân tạo, vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh. Do vậy, những nỗ lực của Washington nhằm kìm hãm ngành chip Trung Quốc được nhận định là một phần trong kế hoạch nhằm ngăn Bắc Kinh phát triển những công nghệ dân sự và quân sự, có thể tạo ra thách thức về an ninh và kinh tế đối với nước Mỹ.
Vật cản hay là động lực?
Tuy nhiên Nikkei Asia dẫn lời của nhiều chuyên gia trong ngành cho hay, những hạn chế về xuất khẩu công nghệ cốt lõi sang Trung Quốc có thể trì hoãn sự phát triển chất bán dẫn tiên tiến của nước này trong một giai đoạn nhất định, nhưng sức ép trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ cũng có thể mở ra “kỷ nguyên vàng” cho ngành sản xuất máy móc chế tạo vật liệu bán dẫn nội địa của Trung Quốc.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting, Trung Quốc tiêu thụ hơn 50% lượng chip toàn cầu với tư cách là trung tâm sản xuất của thế giới. Nhưng nước này chỉ sản xuất khoảng 15% sản lượng toàn cầu.
Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ chất bán dẫn lớn nhất thế giới đã giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp chip từ nước ngoài và nỗ lực thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp. Các công ty bán dẫn Trung Quốc với hỗ trợ từ chính phủ dự định chi 50 tỷ NDT (khoảng 7,26 tỷ USD) để tăng năng lực sản xuất chip trong nước, tờ Nikkei Asia đưa tin. Nhờ vào sự hỗ trợ và đầu tư nằm trong kế hoạch “Made in China 2025” của Chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh các lệnh hạn chế từ Mỹ khiến việc nhập khẩu máy móc sản xuất chip gặp khó khăn, các công ty sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip nội địa của nước này đã có sự tăng trưởng nhanh chóng.
Tổng quy mô thị trường thiết bị sản xuất chip tại Trung Quốc năm 2022 là 52 tỷ nhân dân tệ (hơn 7,5 tỷ USD), gấp khoảng 6 lần năm 2017. Nhiều ý kiến cho rằng những con số trên sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay khi các lệnh hạn chế từ Mỹ khiến nhu cầu mua nội địa tăng cao.
Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Eduardo Araral, khó khăn đối với họ là sự thiếu hụt lao động kỹ thuật cao. Trung Quốc ước tính thiếu khoảng 200.000 công nhân lành nghề trong ngành sản xuất chip.
Cơ hội với các quốc gia châu Á
Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc về công nghệ có thể tác động sâu rộng đối với châu Á, nơi sản xuất phần lớn vi mạch của thế giới. Trong đó, Hàn Quốc-quốc gia đồng minh của Washington tại châu Á-đóng vai trò quan trọng.
Hàn Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của nhau. Khoảng 40% số chip xuất khẩu của Hàn Quốc có điểm đến là Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp nước ngoài duy nhất có thể lấp đầy sự thiếu hụt chip nhớ sau lệnh cấm của Trung Quốc đối với sản phẩm chip Micron là các công ty Hàn Quốc, Samsung Electronics và SK Hynix.
Ngoài ra, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc công nghệ cũng khiến thị trường sản xuất vật liệu bán dẫn toàn cầu nóng lên nhanh chóng, mang đến cơ hội cho các nước Đông Nam Á. Nhiều tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới đã và đang để mắt tới Đông Nam Á, coi đây như một nơi đầu tư an toàn và đầy tiềm năng. Trong các báo cáo gần đây đánh giá về năng lực sản xuất vật liệu bán dẫn, các quốc gia Đông Nam Á được xếp ở vị trí nổi bật trong chuỗi sản xuất chip thế giới, chiếm tới 27% thị trường đóng gói và thử nghiệm chip toàn cầu.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cuoc-chien-chip-ngay-cang-nong-729953
Ý kiến ()