Cuộc chạy đua với thời gian ở tâm chấn
Hai ngày sau khi xảy ra loạt trận động đất tại bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa và các khu vực duyên hải miền Trung Nhật Bản, lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh trong cuộc chạy đua ấy, cần đặt mạng sống con người lên hàng đầu.
“Hơn 40 giờ đã trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa. Chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin về những người cần được giải cứu và những người đang chờ đợi được giúp đỡ”, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói trong cuộc họp với lực lượng cứu hộ khẩn cấp vào sáng 3-1. Thủ tướng Kishida cũng cho biết, các nỗ lực triển khai công tác cứu hộ đang được tiến hành bởi các lực lượng của chính quyền địa phương, cảnh sát, cứu hỏa và huy động cả chó cứu hộ…
Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản yêu cầu lực lượng cứu hộ tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm trong cuộc chạy đua với thời gian và tiếp tục nỗ lực hết sức mình để cứu những người còn sống sót. Ông nhấn mạnh cần đặt mạng sống con người lên hàng đầu.
Hậu quả động đất được ghi lại ở một khu vực thuộc thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa. Ảnh: The Japan Times |
Tân Hoa xã cho hay, tính đến đêm 3-1 (theo giờ Việt Nam), số người thiệt mạng do động đất ở Nhật Bản đã tăng lên 73 người. Ngoài ra còn hơn 300 người khác bị thương, trong đó ít nhất 25 người bị thương nặng. Con số thương vong dự kiến sẽ còn tăng.
Do ảnh hưởng của các đợt dư chấn và điều kiện thời tiết xấu, lực lượng cứu hộ Nhật Bản phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nạn nhân đã thiệt mạng và những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát. Nỗ lực cứu hộ cũng bị cản trở do nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản buộc phải tính đến phương án sử dụng trực thăng để đưa hàng tiếp tế tới các khu vực bị cô lập.
Đến nay vẫn chưa có đánh giá cuối cùng về mức độ thiệt hại do loạt trận động đất gây ra. Nhưng hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, bán đảo Noto là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng trăm tòa nhà bị tàn phá, cùng với đó là nhiều ngôi nhà gần như bị san phẳng.
Tại thành phố biển Suzu, Thị trưởng Masuhiro Izumiya cho biết 90% nhà cửa ở thành phố này đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc gần như bị phá hủy hoàn toàn. Ông Masuhiro nhấn mạnh tình hình ở thành phố Suzu là “một thảm họa thực sự”. Các quan chức y tế ở Suzu cũng nói rằng do nhiều tuyến dường bị hỏng nặng, các bác sĩ không thể tiếp cập các nạn nhân.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản triển khai hoạt động cứu hộ tại thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa. Ảnh: The Japan Times |
Tính chung ở tỉnh Ishikawa hiện có hàng chục nghìn hộ gia đình đang phải sống trong cảnh thiếu điện sau động đất. Nhiều thành phố cũng không có đủ nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, khiến người dân phải xếp hàng dài chờ lấy nước sạch tại các điểm phân phối nước.
Theo CNN, trận động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra hôm 1-1 khiến lần đầu tiên kể từ năm 2011, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) phải ban bố “cảnh báo sóng thần lớn” ở bán đảo Noto, sau đó hạ xuống mức “cảnh báo sóng thần”. JMA cũng chính thức đặt tên cho trận động đất này cũng hơn 200 dư chấn đi kèm là “Trận động đất ở bán đảo Noto năm 2024”.
Động đất khiến một tuyến đường ở bán đảo Noto bị hư hỏng nặng. Ảnh: CNN |
Dù đến nay, cảnh báo sóng thần ở bán đảo Noto đã được dỡ bỏ, song mối lo ngại bắt nguồn từ trận động đất xảy ra ở Nhật Bản trong ngày đầu năm mới vẫn chưa chấm dứt. Bằng chứng là trong sáng 3-1, ở khu vực ngoài khơi bán đảo Noto tiếp tục ghi nhận một trận động đất mạnh 5,5 độ richter. Các quan chức Nhật Bản cho rằng, các dư chấn sẽ tiếp diễn trong tuần này. Tương tự, Susan Hough, nhà địa chấn học thuộc Cục Khảo sát địa chất Mỹ, khẳng định một trận động đất với độ lớn như vậy sẽ đi kèm với các dư chấn và thậm chí các dư chấn có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Tương tự, trong bài viết được đăng tải trên website của kênh truyền hình NHK, ông Hirata Naoshi, Giáo sư danh dự của Đại học Tokyo kiêm chuyên gia nghiên cứu về cơ chế của các trận động đất, cảnh báo các dư chấn mạnh sẽ tiếp tục xảy ra, khiến các tòa nhà từng trụ vững trong những trận động đất trước đó vẫn có nguy cơ sụp đổ. Bởi vậy, ông Hirata cho rằng những người đang đi sơ tán không nên trở về nhà cho đến khi mọi cảnh báo được dỡ bỏ.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/cuoc-chay-dua-voi-thoi-gian-o-tam-chan-759040
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()