Sản xuất tiêu thụ gỗ đang hướng vào thị trường trong nước. Từ những năm 2000 đến nay, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh và xuất khẩu mặt hàng gỗ ở Đác Lắc liên tục đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, thị phần và số lượng đơn đặt hàng bị thu hẹp, cùng với giá nguyên liệu tăng cao, và gần đây là giá điện cũng như nhiều mặt hàng thiết yếu khác không ngừng đội lên...Hầu hết các DN kinh doanh, xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh Đác Lắc hiện nay đều tìm cách thu hẹp quy mô sản xuất; hoạt động cầm chừng để thăm dò thị trường và cố gắng giữ mối khách hàng truyền thống để tồn tại. Giám đốc Xí nghiệp chế biến gỗ Trường Thành (huyện Ea H’leo) Nguyễn Đình Nghĩa cho rằng: Hiện giá điện tăng cao, cộng thêm các chi phí khác phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh không thể giảm hơn được nữa, cho nên DN đang thật sự đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình tổ chức, tìm kiếm đối tác để tiêu...
Sản xuất tiêu thụ gỗ đang hướng vào thị trường trong nước. |
Từ những năm 2000 đến nay, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh và xuất khẩu mặt hàng gỗ ở Đác Lắc liên tục đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, thị phần và số lượng đơn đặt hàng bị thu hẹp, cùng với giá nguyên liệu tăng cao, và gần đây là giá điện cũng như nhiều mặt hàng thiết yếu khác không ngừng đội lên…
Hầu hết các DN kinh doanh, xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh Đác Lắc hiện nay đều tìm cách thu hẹp quy mô sản xuất; hoạt động cầm chừng để thăm dò thị trường và cố gắng giữ mối khách hàng truyền thống để tồn tại. Giám đốc Xí nghiệp chế biến gỗ Trường Thành (huyện Ea H’leo) Nguyễn Đình Nghĩa cho rằng: Hiện giá điện tăng cao, cộng thêm các chi phí khác phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh không thể giảm hơn được nữa, cho nên DN đang thật sự đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình tổ chức, tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm. Với mặt hàng gỗ xuất khẩu (mà khách hàng chủ yếu vẫn ở các nước Âu – Mỹ và Nhật Bản – nơi đang hứng chịu nhiều tác động bất lợi từ suy thoái kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu diễn ra sâu sắc trong thời gian qua) thì không riêng gì Trường Thành, mà hầu hết các DN khác đều tỏ ra lúng túng với “bài toán” giải quyết đầu ra. Hầu hết các DN xuất khẩu gỗ đều lo lắng, bởi sắp tới, những đối tác làm ăn từ các quốc gia, châu lục nêu trên tiếp tục yêu cầu giảm giá từ 17 đến 18% (thời gian qua là 15%) thì chắc chắn gánh nặng sẽ đặt lên vai họ nhiều hơn trong quá trình tổ chức và hạch toán kinh doanh. Ông Nghĩa trao đổi: Trước yêu cầu giảm giá của khách hàng, Trường Thành chỉ có thể giảm được từ 5 đến 7% cho mặt hàng gỗ xuất khẩu mà thôi. Do mặt bằng giảm giá đã “kịch trần”, không thể hơn được nữa, thì rõ ràng đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp này trở nên teo tóp và mất dần. Con số mà ông Nghĩa đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu của DN này hiện chỉ còn khoảng 70% số đơn đặt hàng cho sản phẩm mà Trường Thành nỗ lực ký kết được; cũng có nghĩa là để “cầm cự” nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Nếu trong thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới không được cải thiện, và Chính phủ không có giải pháp hỗ trợ thì các DN xuất khẩu gỗ sẽ còn khó khăn thêm.
Giám đốc Công ty chế biến và xuất khẩu gỗ Hoàng Nguyên Hoàng Đình Tuấn cũng có chung mối quan tâm tương tự. Ông cho biết: Hiện, cơ sở này cũng đang cân đối, sắp xếp lại việc tổ chức sản xuất nhằm cầm cự với tình hình xuất khẩu gỗ không lấy gì làm suôn sẻ như hiện nay. Bởi ngoài khó khăn chung nêu trên, thì DN còn đối mặt với nhiều vấn đề từ cơ chế, chính sách trong nước khiến hoạt động của công ty vấp phải trở lực không dễ gì giải quyết được. Chẳng hạn từ năm 2008 đến nay, lãi suất vay ngân hàng liên tục tăng cao, và dù Chính phủ đã có những gói kích cầu giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi (4%), nhưng không vì thế mà họ yên tâm. Bởi hiện tại, chi phí sản xuất nói chung đã hình thành mặt bằng giá mới, cao hơn trước khá nhiều (từ 30 đến 40%) là một trong những yếu tố bất lợi đầu tiên đối với các DN. Chính vì vậy, buộc các DN kinh doanh, xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh Đác Lắc phải cắt giảm nhân công, thu hẹp quy mô sản xuất để tồn tại. Từ những lý do nêu trên đã đưa đến hệ quả là kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ của tỉnh liên tục sụt giảm trong vòng ba năm qua, từ hơn 60 triệu USD (từ năm 2001 đến 2006) đến nay chỉ còn khoảng 20 triệu USD. Đặc biệt trong quý I năm 2012, trong tổng số kim ngạch xuất khẩu được hơn 180 triệu USD, thì mặt hàng gỗ chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Các DN lớn có mặt hàng xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn như vậy, còn các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước thì sao? Một số cơ sở như Công ty cổ phần gỗ lạng Buôn Ma Thuột, Công ty Lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty gỗ mỹ nghệ Bình Thanh (Buôn Ma Thuột), Duy Việt (Ea Phê – Krông Pak)… đều bi quan: Tất cả mọi chi phí đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đều tăng một cách chóng mặt. Chẳng hạn, chi phí xuất khẩu hàng hóa bình quân một công-ten-nơ (40 feet) hiện nay đã tăng lên 55% so với cuối năm 2011. Trong đó, giá nguyên liệu tăng gần 10%, phí vận chuyển trong nước tăng 33% và phí vận chuyển quốc tế cũng tăng gần 70%… Tất cả những tác động bất lợi ấy đã khiến các DN phải “thắt lưng, buộc bụng” tìm mọi cách cắt giảm chi phí không cần thiết để cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung như hiện nay. Mặc dù nỗ lực như thế, nhưng hoạt động sản xuất của các DN này vẫn trong giai đoạn cầm chừng. Giám đốc Công ty cổ phần gỗ lạng Buôn Ma Thuột Lại Văn Hoa cho biết: Giá gỗ nguyên liệu từ ba năm trở lại đây tăng vọt, từ vài triệu đồng lên 9 đến 10 triệu đồng/m3, cộng thêm chi phí khác cũng đắt đỏ, khiến giá thành sản phẩm không thể hạ thêm để cạnh tranh, cho nên hợp đồng đầu ra mất dần và sản lượng sụt giảm. Những sản phẩm của các DN này chủ yếu tiêu thụ trong nước, phục vụ cho xây dựng cơ bản, nhưng họ cũng thật sự gặp khó khăn tương tự như các DN lớn.
Hướng về thị trường nội địa, đó là lời khuyên của Hiệp hội nghề gỗ Việt Nam đưa ra trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp cho các DN tìm con đường thoát khỏi khó khăn bủa vây trước mắt. Hiệp hội này cho rằng: các nước Âu – Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc – nơi có thị phần tiêu thụ đồ gỗ tiềm năng của Việt Nam đã không còn là khách hàng “số một” nữa. Các hợp đồng đặt hàng đến từ khu vực này đã mất dần. Nếu có, thì rất hạn chế và tỷ suất lợi nhuận không còn hấp dẫn như trước. Do vậy, các DN sản xuất, kinh doanh đồ gỗ phải chủ động tìm kiếm, xây dựng thị trường mới – và thị trường đó không nơi nào ổn định hơn là trong nước. Hiện nay, Tập đoàn gỗ Trường Thành là một trong những DN đi đầu trong việc chuyển hướng thị trường từ khu vực Âu – Mỹ sang thị trường trong nước. Phó Tổng Giám đốc Công ty Trường Thành Ngô Thị Hồng Thu tỏ ra tự tin với chiến lược tìm kiếm thị trường trong nước bằng những bước đi phù hợp và năng động như: xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ sản phẩm trong toàn quốc; tập trung vào việc thi công các công trình nội thất cho các khách sạn, khu du lịch trong cả nước bằng chính sản phẩm gỗ của Trường Thành. Đồng thời, công ty cũng sẽ có kế hoạch phân khúc thị trường theo dạng trung-cao cấp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường vốn không rộng lớn như khu vực Âu – Mỹ trước đây.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc Nguyễn Văn Xuân cho biết: UBND tỉnh đã ban hành quyết định điều chỉnh thuế suất tài nguyên (gỗ) khai thác xuống còn khoảng 20% để giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm nhằm cạnh tranh và duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, giải pháp đó chỉ là điều kiện cần thiết, chứ chưa đủ sức vực dậy các DN kinh doanh, xuất khẩu gỗ vượt qua khó khăn, thách thức đặt ra. Theo ông Xuân, phải có lộ trình cụ thể và hữu hiệu trong việc kích cầu tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên các định phí sản xuất cho DN kinh doanh, xuất khẩu gỗ trong giai đoạn mặt bằng giá cả chưa bình ổn trở lại như hiện nay.Vì vậy, động thái quan trọng và cấp thiết trước mắt là các DN phải tự đổi mới chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình bằng những bước đi như Trường Thành thì mới hy vọng trụ vững để phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()