Cuộc cải tổ chính phủ sâu rộng tại Nhật Bản
Các thành viên Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị tham gia chụp ảnh chung tại thủ đô Tô-ki-ô.
Với 13 nghị sĩ lần đầu tham gia bộ máy chính phủ, cuộc cải tổ lần này được cho là cuộc cải tổ chính phủ lớn nhất tại “xứ sở mặt trời mọc” kể từ năm 2012. Những vị trí thay đổi đáng chú ý của cuộc cải tổ lần này nằm ở hầu hết các bộ được cho là chủ chốt như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính T.A-xô và Chánh Văn phòng nội các Y.Xư-ga, hai gương mặt kỳ cựu trong chính phủ Nhật Bản kể từ năm 2012, tiếp tục tại vị. Trong chính phủ mới, ông T.Cô-nô, người từng làm Bộ trưởng Ngoại giao, được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Ông T.Mô-tê-ghi, nguyên Bộ trưởng Tái thiết kinh tế, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao. Lý giải về sự thay đổi lớn trong chính phủ, Thủ tướng S.A-bê cho biết, ông cần thành lập một đội ngũ mới có thể bảo đảm ổn định chính trị và đối phó tốt với những thách thức mới. Ngoài việc cải tổ chính phủ, ông S.A-bê cũng tiến hành cải tổ trong đảng Dân chủ tự do (LDP) với sự thay đổi ba vị trí trưởng ban và giữ nguyên hai vị trí lãnh đạo chủ chốt là Tổng Thư ký LDP T.Ni-cai cùng Trưởng ban Nghiên cứu chính sách P.Ki-si-đa.
Thủ tướng S.A-bê từng nêu rõ, ông quyết tâm theo đuổi mục tiêu sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, con đường đạt được mục tiêu này của ông trở nên khó khăn sau cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản hồi tháng 7 vừa qua. Theo đó, mặc dù chính quyền của Thủ tướng S.A-bê đã vượt qua “cuộc sát hạch” lòng tin của người dân với chiến thắng thuộc về liên minh cầm quyền, song liên minh cầm quyền lại không giành được hai phần ba số ghế trong Thượng viện để dễ dàng thông qua các quyết định quan trọng tại Quốc hội, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp. Giới quan sát cho rằng, cuộc cải tổ chính phủ vừa qua là một bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu sửa đổi Hiến pháp của ông S.A-bê. Theo kết quả một cuộc thăm dò do hãng tin Kyodo công bố, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đã tăng lên sau khi nhà lãnh đạo này tiến hành cải tổ chính phủ.
Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ ông S.A-bê đạt mức 55,4%, tăng 5,1 điểm phần trăm so với tỷ lệ ủng hộ ông trong cuộc thăm dò được thực hiện trước đó một tháng. Ngoài ra, 50% số người dân Nhật Bản nhìn nhận một cách tích cực về cuộc cải tổ của Thủ tướng S.A-bê, gần 40% số người dân được hỏi ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp.
Sau khi Thủ tướng S.A-bê tiến hành cuộc cải tổ chính phủ sâu rộng này, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Mỹ kỳ vọng vào một mối quan hệ bền vững và sâu rộng với Nhật Bản trong các vấn đề khu vực và toàn cầu; đồng thời nhấn mạnh, Oa-sinh-tơn mong đợi tăng cường hơn nữa các nỗ lực hợp tác nhằm bảo đảm hòa bình và thịnh vượng tại châu Á cũng như trên thế giới. Giới chuyên gia nhận định, chính quyền Tổng thống Mỹ Đ.Trăm dường như rất hài lòng với chính phủ mới của Thủ tướng S.A-bê. Trong đó, việc ông T.Mô-tê-ghi, nguyên Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản, người từng ghi nhiều dấu ấn qua các cuộc đàm phán về những hiệp định thương mại tự do mà Nhật Bản tham gia, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao sẽ giúp duy trì sự tiếp nối của các cuộc đàm phán thương mại giữa Tô-ki-ô và Oa-sinh-tơn.
Thời gian tới, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê cùng đội ngũ mới của mình còn nhiều việc phải làm để củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước Nhật Bản vững mạnh và có uy tín trên trường quốc tế. Cuộc cải tổ chính phủ lần này của ông S.A-bê cũng cho thấy những nỗ lực của nhà lãnh đạo xứ Phù Tang nhằm tận dụng quãng thời gian trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình để từng bước thực hiện mục tiêu mà ông luôn hướng đến, đó là sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản.
Theo Nhandan
Ý kiến ()