Cuộc cải cách "mang tính lịch sử" của EU
Nghị viện châu Âu (EP) mới đây đã thông qua Hiệp ước mới về di cư và tị nạn trong một động thái được xem là cuộc cải cách sâu rộng về chính sách di cư của Liên minh châu Âu (EU).
Theo báo Le Monde, hiệp ước là một tập hợp 10 công cụ (gồm 6 quy định, 3 khuyến nghị và 1 chỉ thị) nhằm tạo cân bằng giữa "việc kiểm soát biên giới và sự đoàn kết trong việc tiếp nhận người di cư trên đất châu Âu". Hiệp ước tập trung vào 3 nội dung chính. Một là đẩy nhanh quy trình xử lý thủ tục ở biên giới EU. Trong vòng 5 ngày, người di cư sẽ nhanh chóng được biết liệu họ có thể ở lại châu Âu hay phải rời đi thông qua thủ tục "sàng lọc" khi nhập cảnh (như kiểm tra nhân thân, an ninh, sức khỏe, lấy dấu vân tay). Hai là tăng cường hợp tác với các quốc gia xuất xứ và quá cảnh nhằm hạn chế người di cư đến châu Âu và chống lại các mạng lưới đưa người nhập cư trái phép. Ba là cơ chế đoàn kết "linh hoạt hơn".
Mỗi nước thành viên EU đều phải đóng góp cho cơ chế đoàn kết, ưu tiên hình thức tiếp nhận người tị nạn được chuyển giao. Tuy nhiên, cũng có thêm các lựa chọn khác cho các nước từ chối tiếp nhận người di cư như đóng góp tài chính, hỗ trợ nhân lực và hậu cần cho "các nước thành viên khác chịu gánh nặng". "Chúng tôi đã lắng nghe, chúng tôi đã hành động và chúng tôi đã giải quyết một trong những mối quan ngại chính tại châu Âu. Đây là một sự kiện mang tính lịch sử. Hiệp ước sẽ công bằng với những người đủ điều kiện, cứng rắn với những đối tượng không đủ điều kiện và mạnh tay đối với những kẻ đưa người nhập cư trái phép", Euronews dẫn lời Chủ tịch EP Roberta Metsola.
Báo Le Monde cho biết, Hiệp ước mới về di cư và tị nạn được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra vào tháng 9-2020, trong bối cảnh chính sách di cư của EU đã bị thách thức nghiêm trọng kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Làn sóng lên tới 1,8 triệu người di cư tìm đến châu Âu chỉ trong vòng một năm lúc bấy giờ đã làm xói mòn nghiêm trọng sự hợp tác giữa các nước thành viên EU. Mục đích chính của hiệp ước là cải cách Quy chế Dublin vốn được EU thực hiện từ năm 2013. Quy chế Dublin ủy thác việc xem xét đơn xin tị nạn cho nước thành viên EU đầu tiên mà người di cư nhập cảnh, chủ yếu là các quốc gia Nam Âu như Italy, Hy Lạp, từ đó tạo gánh nặng cho các quốc gia "tuyến đầu" này. Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 đã phơi bày sự kém hiệu quả của Quy chế Dublin và thiếu đoàn kết trong EU khi các quốc gia cửa ngõ tiếp nhận người di cư vượt biển bị quá tải. Nhằm giảm gánh nặng cho các quốc gia "tuyến đầu", tháng 9-2015, EU đã thông qua cơ chế phân bổ hạn ngạch bắt buộc về tiếp nhận người di cư. Tuy nhiên, cơ chế này cũng không mang lại kết quả như mong đợi khi một số nước thành viên EU từ chối thực hiện.
Theo Euronews, điểm mới của hiệp ước chính là "sự đoàn kết bắt buộc" để bảo đảm tất cả nước thành viên EU đều đóng góp nhằm giảm gánh nặng từ làn sóng người di cư đối với các quốc gia "tuyến đầu" ở Nam Âu. Báo Le Monde đánh giá, hiệp ước kiểm soát "chặt chẽ hơn" dòng người di cư nhập cảnh vào EU. Euronews cho biết, ngay từ đầu, hiệp ước đã vấp phải sự phản đối của các chuyên gia pháp lý, các nhà hoạt động nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ (NGO) vì lo ngại các quyền cơ bản sẽ bị xâm phạm. Việc đẩy nhanh quy trình xử lý ở biên giới EU có thể khiến người xin tị nạn "không được đánh giá một cách công bằng và đầy đủ", làm gia tăng nguy cơ bị trục xuất. Việc trục xuất cũng không hề dễ dàng vì còn phụ thuộc xem các quốc gia-nơi mà người di cư đã rời bỏ-có sẵn sàng tiếp nhận họ trở lại hay không.
Hiệp ước mới về di cư và tị nạn chính thức có hiệu lực từ năm 2026. Báo Le Monde dẫn lời chuyên gia Camille Le Coz tại Viện Chính sách di cư có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho rằng, cần "theo dõi sát" cách thức EU thực hiện hiệp ước, nhất là về quyền của người xin tị nạn. Bà Camille Le Coz lưu ý rằng, hồi năm 2015, EU từng thông qua cơ chế phân bổ hạn ngạch bắt buộc về tiếp nhận người di cư nhưng "rốt cuộc chỉ tồn tại trên giấy". "Khi hiệp ước có hiệu lực, vẫn chưa rõ liệu các nước thành viên EU có thực hiện nghĩa vụ của mình hay không. Liệu rằng các nước thành viên ở Bắc và Đông Âu có thể hiện sự đoàn kết và tiếp nhận thêm người di cư hay ít nhất là đóng góp tài chính hay không? Sẽ mất hai năm để hiệp ước có hiệu lực, nhưng sẽ mất thêm nhiều năm mới biết rõ liệu rằng số người xin tị nạn vào châu Âu có thực sự giảm nhờ hiệp ước này hay không", tờ DW nhấn mạnh.
Ý kiến ()