Thứ 6, 22/11/2024 20:14 [(GMT +7)]
Cuộc cách mạng ở Yên Thịnh
Thứ 2, 05/11/2012 | 09:39:00 [(GMT +7)] A A
Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh khu trồng ớt xuất khẩu, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã giới thiệu: mươi ngày nữa ớt sẽ cho thu lứa đầu tiên, năng suất và chất lượng đều đảm bảo theo đúng yêu cầu xuất khẩu, cứ tính năng suất trung bình 1tấn ớt/sào, với giá thu mua 25.000 đồng/kg, thì trừ tất cả chi phí, người nông dân thu lợi nhuận trên 15 triệu đồng/sào/vụ. Ngay gần đó, mầm xanh của ngô bao tử đã bắt đầu nhu nhú, chỉ đôi tháng nữa, sản phẩm lại được xuất sang thị trường Đông Âu xa xôi, mang về những nguồn lực mới. Yên Thịnh đang có sức bật mạnh mẽ từ sự năng động sáng tạo của hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.
LSO-Khởi nguồn từ ý tưởng tìm đầu ra cho nông sản trên địa bàn, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, đầu năm 2012, Hợp tác xã Sản xuất, Dịch vụ Nông nghiệp Yên Thịnh, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng đã được thành lập. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, với sự năng động, sáng tạo trong phương thức hoạt động, mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới đã tạo ra cuộc cách mạng trong sản xuất của địa phương.
Chỉ ít ngày nữa, những sản phẩm ớt đầu tiên ở Yên Thịnh
sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Trong vùng “tam Yên” của Hữu Lũng thì Yên Thịnh được coi là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển sản xuất. Toàn xã có hơn 300 ha đất sản xuất nông nghiệp, hầu hết trong số đó đều là đất đai màu mỡ, sản xuất được 2-3 vụ/năm. Lợi thế là vậy, nhưng xét về hiệu quả kinh tế thì chưa cao, bởi hầu hết vẫn chỉ đơn thuần là canh tác các loại cây lương thực chính. Trong hoàn cảnh đó, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, tổ hợp tác gồm 14 thành viên với nòng cốt là đoàn viên, thanh niên đã được thành lập. Nhiệm vụ của từng thành viên trong tổ hợp tác được phân công rất cụ thể, một nhóm sẽ đảm nhiệm công tác liên hệ, liên kết với các doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; nhóm còn lại bao gồm các thành viên phân bổ đều ở tất cả các thôn sẽ làm nhiệm vụ vận động người dân, tổ chức và hướng dẫn sản xuất. Từ hoạt động đó, trên địa bàn xã Yên Thịnh đã bắt đầu xuất hiện những mô hình sản xuất mới như ngô ngọt, dưa bao tử…tất cả đều được tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong thời điểm đó, quy mô, diện tích của các mô hình cũng còn nhiều hạn chế. Bởi với danh nghĩa là tổ hợp tác, sẽ rất khó để ký hợp đồng sản xuất với các doanh nghiệp, tháng 2/2012, Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Yên Thịnh đã ra đời với nòng cốt là 14 thành viên trong tổ hợp tác trước đó. Anh Lê Văn Bảy, chủ nhiệm hợp tác xã chia sẻ: việc thành lập hợp tác xã đã tạo bước ngoặt quan trọng, với những mối quan hệ đã xây dựng với các doanh nghiệp trước đó, giờ đây, hợp tác xã có thể trực tiếp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy chỉ có 14 xã viên, nhưng thực tế, lực lượng sản xuất của hợp tác xã là toàn xã. Nếu như trước đó chỉ là một vài mô hình nhỏ lẻ liên kết với doanh nghiệp, thì ngay sau khi thành lập, Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Yên Thịnh đã ký kết hợp đồng triển khai sản xuất bí bao tử và ngô ngọt với diện tích 8ha. Đầu ra đã được đảm bảo chắc chắn, lực lượng tổ chức sản xuất phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể của xã vận động hội viên tham gia, mô hình nhanh chóng được triển khai. Chỉ sau vài tháng, ngô ngọt và bí bao tử đã cho thu hoạch với lãi ròng 3 triệu đồng/sào, với quy mô 8 ha, vụ liên kết đầu tiên, người nông dân Yên Thịnh có lãi gần 700 triệu đồng.
Thắng lợi đầu tiên đã tạo lòng tin rất lớn đối với người dân. Anh Lê Văn Bảy hào hứng: ngày đi làm, tối đến bà còn thường tập trung tại nhà của tôi để cùng bàn bạc, trao đổi về hướng đi tiếp theo. Lực lượng vận động, tổ chức sản xuất vẫn tiếp tục được giữ nguyên, hợp tác xã cắt cử hẳn ban chủ nhiệm vừa sản xuất, vừa làm nhiệm vụ giao dịch ký kết hợp đồng. Ngay sau thành công của vụ sản xuất đầu tiên, hợp tác xã triển khai ngay mô hình trồng dưa Nhật, ớt và bí bao tử với quy mô hơn 10 ha, số này thông qua doanh nghiệp sẽ được xuất khẩu sang Nhật. Mới đây nhất, hợp tác xã đã ký hợp đồng triển khai trồng ngô bao tử với quy mô trên 25ha để xuất khẩu sang thị trường Nga. Ông Hoàng Trung Tá, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: những hoạt động của hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Yên Thịnh đã và đang có ảnh hưởng rất tích cực đối với sản xuất của địa phương, tạo ra cuộc “cách mạng” chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp thuần túy sang sản xuất hàng hóa gắn liền với thị trường theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Hiện tại, địa phương cũng đang nghiên cứu để khẩn trương xây dựng được quy hoạch sản xuất, đảm bảo sử dụng hợp lý, tận dụng được hết đất sản xuất có trên địa bàn.
Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh khu trồng ớt xuất khẩu, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã giới thiệu: mươi ngày nữa ớt sẽ cho thu lứa đầu tiên, năng suất và chất lượng đều đảm bảo theo đúng yêu cầu xuất khẩu, cứ tính năng suất trung bình 1tấn ớt/sào, với giá thu mua 25.000 đồng/kg, thì trừ tất cả chi phí, người nông dân thu lợi nhuận trên 15 triệu đồng/sào/vụ. Ngay gần đó, mầm xanh của ngô bao tử đã bắt đầu nhu nhú, chỉ đôi tháng nữa, sản phẩm lại được xuất sang thị trường Đông Âu xa xôi, mang về những nguồn lực mới. Yên Thịnh đang có sức bật mạnh mẽ từ sự năng động sáng tạo của hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()