Cước 4G - Cuộc ganh đua ngầm của các nhà mạng
Từ ngày 18-4, Viettel chính thức cung cấp dịch vụ 4G trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay dù tại trang web chính thức vietteltelecom.vn, Viettel đã niêm yết đủ 11 gói cước 4G, nhưng nhà mạng này chỉ chính thức gửi thông báo đến các cơ quan truyền thông 6 gói cước dành cho khách hàng dùng mạng xã hội Facebook, Youtube. 5 gói cước còn lại được niêm yết với các mức giá từ 40.000 đến 200.000 đồng/tháng hoặc tính theo lưu lượng sử dụng, nhưng đến nay Viettel chưa công bố rộng rãi trên truyền thông.
Tương tự, VinaPhone cũng niêm yết 3 gói cước 4G tại trang web của mình với mức giá từ 79.000 đến 299.000 đồng/tháng; ngoài ra còn có các gói cước X với giá chỉ vài chục nghìn đồng… VinaPhone cũng cho biết, mức giá trên mới chỉ là tham khảo, chỉ khi nào chính thức cung cấp dịch vụ trên toàn quốc mới công bố.
Với MobiFone, dù chưa khai trương dịch vụ, song trên các diễn đàn công nghệ uy tín gần đây đã xuất hiện các thông tin hé lộ về các gói cước 4G của nhà mạng này. Theo đó, các thông tin về gói cước của MobiFone không có sự khác biệt nhiều so với Viettel, nhưng MobiFone ghép các gói cước dữ liệu 4G với thoại để tăng sự ưu đãi và tiện lợi cho khách hàng. Nhiều người cho rằng đây là cách để MobiFone thăm dò nhu cầu người dùng trước khi chính thức cung cấp (dự kiến trong tháng 7 tới).
Có thể thấy rằng, tuy chưa chính thức cung cấp dịch vụ, song dường như cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đang nghiên cứu “đối thủ” trong việc đưa ra các gói cước 4G và sẵn sàng điều chỉnh. Điều đó cho thấy giữa các nhà mạng đang có sự cạnh tranh quyết liệt.
Mặc dù Viettel niêm yết các gói cước dữ liệu cho khách hàng dùng 4G, song lại chưa chính thức công bố thông tin và điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do chịu sự quản lý về giá cước vì là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần khống chế nên Viettel phải đợi Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận?
Viettel vừa có văn bản kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước một số vấn đề như: Xem xét lại tiêu chí doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (theo Điều 22 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh); bỏ quy định “doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh phải bán không thấp hơn giá thành toàn bộ” mà thay bằng “giá bán trung bình phải cao hơn giá thành toàn bộ”…
Mặc dù chưa chính thức công nhận các gói cước dữ liệu 4G và hiện đang ở mức thăm dò nhau, nhưng trong số 3 nhà mạng, Viettel đang giữ thị phần lớn nhất và là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, phải chịu sự phê duyệt giá cước của Nhà nước. Điều đó đồng nghĩa với việc Viettel không thể đưa ra mức giá thấp hơn so với giá thành.
Do vậy, câu chuyện Viettel phá giá cước 4G là không thể. Điều đó có nghĩa, cả hai nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G sau Viettel là VinaPhone và MobiFone, dù không chịu sự quản lý giá cũng sẽ phải tính toán và khó có thể đưa ra mức giá thấp, vì cả hai đều có lượng thuê bao ít hơn và cân nhắc sao cho có đủ doanh thu bù vào nguồn chi phí đầu tư cho mạng lưới 4G.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()