Cung ứng đủ hàng dịp tết
LSO-Hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thời gian này, các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh đang thực hiện tích trữ hàng hóa. Theo dự đoán của ngành công thương, năm nay, nguồn hàng cung cấp trong dịp tết cổ truyền sẽ dồi dào, giá cả ổn định và bảo đảm chất lượng.
Nhân viên Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Phú kiểm đếm hàng nhập kho |
Đã thành quy luật, mức tiêu thụ hàng hóa những ngày cận tết thường tăng từ 30 – 40% so với ngày thường, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể sẽ tăng cao hơn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp phân phối hàng hóa tiêu dùng có quy mô lớn, trong đó có những siêu thị như: Thành Đô, Lasvilla… Theo khảo sát của ngành công thương, hầu hết các doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch dự trữ nguồn hàng sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp tết. Theo đó, lượng hàng dự trữ trong kho của các doanh nghiệp đã tăng từ 15% đến 25% so với ngày thường. Trong đó tập trung vào những mặt hàng thông dụng thường nhật như: đường, dầu ăn, thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng, xăng dầu…
Có đặc điểm chung nổi bật của các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh là đều có xu hướng phân phối hàng sản xuất trong nước, chiếm đến hơn 90%. Điển hình như Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Phú, đến thời điểm hiện tại, công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để nhập hàng phục vụ dịp tết. Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc công ty cho biết: Công ty đã lên kế hoạch cụ thể, chủ động trong việc cân đối lượng hàng bán ra, bảo đảm cung ứng những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cao điểm. Trong đó, 100% hàng hóa do công ty phân phối là hàng sản xuất trong nước của những thương hiệu lớn như: Kinh đô, Hữu Nghị, Habeco, Bibica… Đồng thời, công ty đã chuẩn bị phương tiện để sẵn sàng đưa hàng về tới tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh.
Tại Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên, kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2018 được triển khai từ cuối tháng 11/2017. Công ty dự kiến nhập và dự trữ hàng hóa thiết yếu với tổng vốn khoảng 30 tỷ đồng. Trong đó, những mặt hàng thiết yếu như: muối i-ốt, bột canh, bánh kẹo và dầu ăn…, công ty ưu tiên tích trữ để duy trì mức giá bình ổn như ngày thường tại 14 điểm phân phối của công ty trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là khu vực nông thôn.
Đặc biệt, Lạng Sơn có nét đặc trưng riêng là sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra liên tục tại các huyện, thành phố trong khoảng 1 tháng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước nên khoảng thời gian này sức mua của người dân cũng tăng mạnh. Do vậy, không chỉ các doanh nghiệp phân phối quy mô lớn mới tích trữ hàng mà ngay cả các đại lý, các cửa hàng quy mô hộ gia đình hoặc các sạp hàng ở các khu chợ truyền thống cũng nhập thêm hàng với số lượng lớn hơn gấp 2, gấp 3 ngày thường. Bà Hoàng Thị Lượng, chủ cửa hàng bách hóa tại ngã ba Đèo Giang và Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước tết khoảng 2 tháng là nhà tôi tăng số lượng hàng nhập, nhất là các mặt hàng thường tiêu thụ mạnh dịp tết như: bánh kẹo, đường, sữa, dầu ăn… để tích trữ vừa bán phục vụ dịp tết, vừa bán buôn dịp lễ hội sau tết, đề phòng qua tết hết hàng hoặc tăng giá.
Để đảm bảo chất lượng, giá cả hàng hóa, Sở Công thương đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc, phòng chức năng liên quan tăng cường công tác giám sát thị trường. Ông Lê Xuân Lô, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Sở đã có văn bản yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa, nhất là tại các cơ sở phân phối, sản xuất lớn. Trong đó, chú trọng đến công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đơn vị đang hoàn thiện kế hoạch và lựa chọn doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá năm 2018 để hạn chế việc khan hàng phục vụ tiêu dùng Tết Nguyên đán.
ANH DŨNG
Ý kiến ()